Mong tẻ thơm thành đặc sản vùng cao Nghệ An

Có một giống lúa tẻ thơm xuất hiện ở xã Na Loi, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) cách đây 27 năm. Dân bản xem đây là giống lúa lạ. Lạ vì cây lúa mới cấy một tháng đã tỏa mùi thơm. Khi chuẩn bị gặt thì lúa thơm khắp đồng ruộng. Nấu cơm thì hương thơm sang nhà bên cạnh…

Gạo tẻ thơm khi sàng sảy đã có hương thơm.
Gạo tẻ thơm khi sàng sảy đã có hương thơm.

Lúa thơm nhờ… nước suối

Bà Pịt Thị Hà (37 tuổi, người Khơ Mú), Chủ tịch UBND xã Na Loi, huyện Kỳ Sơn phác thảo lúa tẻ thơm ở xã Na Loi bằng mấy lời mô tả tổng quát như trên. Bà tiếc vì lúa tẻ thơm vừa mới qua mùa gặt (tháng 11 hằng năm) nên không thể chứng minh lời mình nói ngay tại đồng lúa.

Rời trụ sở UBND xã, bà Hà dẫn chúng tôi đến suối Nậm Tắm, bản Na Khướng. Bên kia suối là cánh đồng tẻ thơm vừa gặt. Bà Hà khắc họa tiếp về sự lạ của lúa tẻ thơm: “Cơm tẻ thơm rất thơm và ngon. Nếu ăn cơm này với nước mắm hoặc chẻo trộn ớt cay đâm, hành lá và rau mùi thì ngon không biết chán”.

Hóa ra, bà Hà không chỉ dẫn chúng tôi ra xem đồng lúa tẻ thơm đẹp nhất xã mà còn một ngụ ý khác. Bà chỉ tay vào dòng suối Nậm Tắm trong veo, nói: “Cũng một giống lúa tẻ thơm nhưng trồng bên suối Nậm Tắm, được tưới nước suối này thì mùi thơm của hạt lúa, hạt gạo, hạt cơm tăng gấp bội so trồng trên ruộng bậc thang, không được tưới nước suối Nậm Tắm. Lạ thế!”.

Bà Hà dẫn chúng tôi về nhà, lấy gạo tẻ thơm ra cho vào chõ hông bằng gỗ để hông cơm. Bà nói: “Có một gia đình ở bản Na Khướng mất một đàn trâu năm con hơn một tháng nay. Vừa rồi họ tìm thấy đàn trâu lạc trên rừng biên giới giáp Lào nên trưa nay dân bản làm lễ mừng. Để góp vui, tôi hông chõ cơm, đưa ra ăn chung với dân bản”. Bà Hà vừa đổ gạo ra, chúng tôi đã tận hưởng mùi thơm rất dễ chịu từ hạt gạo. Khi chõ cơm vừa chín tới, chúng tôi mới biết cơm tẻ thơm Na Loi thơm đến lạ lùng. Bà Hà cho biết: “Giống lúa này còn lạ ở chỗ, khi nhổ mạ đi trồng là đã có mùi thơm. Tôi đã ăn cơm nấu từ gạo ST25 thấy cũng thơm nhưng không thơm đậm đà bằng tẻ thơm Na Loi”.

Tại bữa cơm, bà Hà giới thiệu với chúng tôi về “khẩu cháo hom Duyên Hồng” (lúa tẻ thơm Duyên Hồng). Nghĩa là, ông Vi Duyên Hồng, 66 tuổi, trú tại bản Na Khướng là người có công đưa giống lúa này về bản. Trước đó, năm 1994 ông Hồng đi thăm người em Kha Văn Phóng ở bản Huồi Tố 1, xã Mai Sơn, huyện Tương Dương (giáp huyện Kỳ Sơn). Do ông anh là khách quý nên ông được người em hông chõ cơm tẻ thơm mời ăn. “Đó là một bữa cơm đặc biệt vì lần đầu tiên tôi được ăn loại gạo thơm quá, thích quá. Sau bữa cơm, tôi xin ít lúa giống về trồng. Người em gói cho 3 kg lúa tẻ thơm và dặn cách trồng rất chu đáo”, ông Hồng nhớ lại.

Tháng 7, ông Hồng làm đất. Tháng 8 gieo mạ. Do giống lúa này đẻ nhiều nhánh nên phải trồng thưa gấp đôi khoảng cách trồng lúa thường (khoảng 40 - 50 cm/bụi lúa). Một bụi lúa này đẻ 50 - 60 nhánh. Nhánh lúa cao khoảng 1,2 - 1,5 m. Thân cây lúa mảnh nhưng hạt gạo, hạt cơm thơm hơn tẻ thơm Mai Sơn. Theo ông Hồng, sở dĩ tẻ thơm Na Loi thơm hơn tẻ thơm Mai Sơn là nhờ trồng bên suối Nậm Tắm và được tưới nước suối này.

Gieo 3 kg lúa giống, mùa đầu tiên thu hoạch, ông chỉ tặng một số người bạn quý và nấu ít chõ cơm để thưởng thức, còn lại chia cho cả bản cùng trồng. Nhờ đó, Na Loi duy trì lúa tẻ thơm suốt 27 năm nay. Cũng như bà Hà, ông Hồng rất mê hương vị thơm ngon của giống lúa ông mang về. Ông kể: “Hôm tôi mang gạo tẻ thơm Na Loi xuống cho con gái học ở Trường Dân tộc nội trú tỉnh, khi đưa gạo lên ô-tô, mùi gạo thơm khắp xe, người nào cũng hỏi. Khi nấu cơm, hương thơm bay khắp phòng con gái”.

Chúng tôi “truy tìm” gốc gác giống lúa tẻ thơm này, ông Hồng cho hay ông Phóng được người thân ở bản Piêng Vai, xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn tặng “cơm” rồi tặng lúa này về làm giống. Theo ông Phóng, giống lúa này được mang về từ bên Lào.

Mong ngóng khoa học vào cuộc

Tại Na Loi, gạo tẻ thơm đang trở thành mặt hàng hiếm bởi nhu cầu làm quà biếu người thân dịp lễ, Tết ngày càng cao. Bất kể khách ngoài thị trấn vào hoặc dân bản, ai cần mua phải đặt trước. Trong lúc đó chỉ có 2/5 bản của xã Na Loi trồng lúa tẻ thơm với khoảng 25 - 30 ha.

Diện tích ít, lúa tẻ thơm lại “khó tính” do cây cao, dễ gãy đổ khi dông lốc và năng suất khá thấp (1 tấn/ha). So giống lúa truyền thống, trồng ngắn ngày hơn, cây lúa không cao, năng suất đạt 7 tấn/ha nên dân bản Na Loi chưa mặn mà với lúa tẻ thơm này. Đây là lý do lãnh đạo xã Na Loi trăn trở tìm phương án phát triển giống lúa tẻ thơm với nhiều đặc tính nổi trội để trở thành hàng hóa đặc sản, tham gia chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm mang thương hiệu đặc trưng).

Theo bà Hà, hiện xã đang vận động 20 hộ gia đình chuyên canh lúa tẻ thơm Na Loi. Xã giúp người dân chọn thửa ruộng tốt, gần suối Nậm Tắm và xin huyện hỗ trợ kinh phí mua phân bón, vật liệu khoanh vùng trồng riêng với hy vọng lúa tẻ thơm Na Loi sẽ trở thành sản phẩm nông sản đặc trưng của OCOP và không chỉ là thương hiệu của xã mà còn của huyện rẻo cao Kỳ Sơn.

Cùng với phương án này, UBND xã Na Loi đã có công văn trình UBND huyện về việc cần có đánh giá của các nhà khoa học để phục tráng giống lúa này bằng cách giảm độ cao cây lúa, tạo năng suất vượt 1 tấn/ha. Và làm sao để lúa tẻ thơm này trồng xa suối Nậm Tắm vẫn giữ được hương thơm “đặc sản”.

Ngày 22-3, chúng tôi tìm gặp ông Ngô Hoàng Linh, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Nghệ An để trao đổi câu chuyện này. Ông Linh nói: “Năm 2018, sau khi phát hiện lúa tẻ thơm ở Na Loi, trung tâm thành lập đoàn công tác với sự tham gia của PGS, TS Phạm Hồng Ban (chuyên gia phân loại thực vật) và TS Nguyễn Tài Toản (chuyên gia về cây lương thực) đều công tác tại Trường ĐH Vinh. Đoàn có nhận xét ban đầu là tẻ thơm ở Na Loi có hương thơm đặc biệt, nhiều khác biệt so các giống lúa truyền thống”.

Đoàn công tác đã làm mô hình, trồng lúa này bên suối Nậm Tắm để theo dõi quá trình sinh trưởng, tính toán, đếm hạt trên một bông, mời dân bản đến “đánh giá” mùi thơm hạt gạo, thu thập mẫu giống lúa… để xác định đặc điểm nông sinh học của giống lúa. “Hiện, trung tâm mới chỉ dừng lại ở việc bảo tồn giống lúa này”, ông Linh cho biết.

Chúng tôi nêu những câu hỏi mà dân bản Na Loi muốn được các nhà khoa học giải thích về hạ độ cao cây lúa và đưa năng suất cây lúa lên cao… Ông Linh thận trọng nói: “Khoa học hiện đại có thể giải quyết được bằng các phương pháp lai tạo nhưng rất có thể nguồn gien bị tác động khiến đặc trưng của giống lúa bị biến đổi. Làm sao vừa bảo tồn được nguồn gien vừa giảm độ cao cây lúa và đưa năng suất cây lúa lên cao như mong muốn của dân bản là một đề tài của khoa học, đòi hỏi sự công phu, kinh phí chứ không đơn giản”.

Cũng theo ông Linh, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Nghệ An đang dự tính  nhiều về các biện pháp canh tác để nâng cao năng suất hơn là tổ chức các cuộc hội thảo khoa học tốn kém nhưng chưa hẳn sẽ tìm ra phương pháp lai tạo để giữ được đặc trưng của giống lúa như nêu trên.