Mầm non ngoài công lập đuối sức

Các trường mầm non ngoài công lập trên địa bàn TP Thái Nguyên đang gặp rất nhiều khó khăn, có nguy cơ giải thể, ngừng hoạt động vì đại dịch Covid-19.

Trường Mầm non Happy Kids đóng cửa nhiều tháng qua.
Trường Mầm non Happy Kids đóng cửa nhiều tháng qua.

Cô giáo chuyển nghề

Cô Hiệu trưởng Trường Mầm non Happy Kids Trương Thị Thu Hoài mở cơ sở mầm non tư thục từ năm 2009, đến năm 2018 thì mở cơ sở thứ ba và được công nhận là trường mầm non. Cô Hoài cho biết: “Sau khi dày công xây dựng cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn và được sự hỗ trợ tích cực của Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Thái Nguyên, cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập của chúng tôi đạt chuẩn như giáo dục công lập”.

Trường Mầm non Happy Kids nằm trên địa bàn phường Thịnh Đán (TP Thái Nguyên) gồm trường chính và hai điểm trường. Trước khi dịch Covid-19 xuất hiện, Trường Mầm non Happy Kids có 30 cán bộ, giáo viên đạt chuẩn theo quy định, hằng ngày nuôi dạy hơn 200 cháu từ 18 tháng tuổi đến hết năm tuổi. Cô Hoài kể: “Sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, trường hoạt động được ba ngày thì nghỉ để phòng, chống dịch. Vài ba tuần sau đó, nhà trường luôn trong tư thế hoạt động trở lại, như phun khử khuẩn diệt trùng, vệ sinh trường lớp, chuẩn bị lương thực, thực phẩm để đón các cháu trở lại trường, nhưng sau đó thì nghỉ đến nay”.

Nhiều tháng không hoạt động, đến Trường Mầm non Happy Kids mà thấy cám cảnh, cơ sở vật chất không được sử dụng đã xuống cấp, sàn nhà lát gỗ bị bong tróc, ẩm mốc, bàn ghế xộc xệch, cây cảnh không được chăm sóc trở nên héo hon, tranh ảnh phai mờ, quang cảnh thật buồn tẻ. Cô Hoài ngậm ngùi: “Nguồn thu duy nhất của trường là học phí, các cháu nghỉ học nên nhà trường không có nguồn thu dẫn đến không có nguồn để trả lương cho cán bộ, giáo viên với mức bình quân 4,6 triệu đồng/người/tháng. Không có lương nên nhà trường không dám huy động các cô đến trường để dọn dẹp vệ sinh. Ba tháng qua, chỉ dám duy trì bác bảo vệ làm việc bình thường với mức thu nhập 3,5 triệu đồng/tháng, nhưng đến nay chưa có nguồn để chi trả”.

Ba tháng nhà trường đóng cửa, đội ngũ giáo viên không có lương, để duy trì cuộc sống, hầu hết các giáo viên Trường Mầm non Happy Kids tứ tán làm việc khắp nơi. Cô Phạm Thị Huệ, Nguyễn Thị Mai đi làm công nhân Samsung; cô Phạm Thị Ngân, Trần Việt Trinh đi bán hàng trực tuyến, cô Bằng Thị Dịu đi bán rau... Bản thân cô hiệu trưởng phải đi làm kế toán bảo hiểm để có thu nhập. Không có nguồn thu, trường cũng không thể chi các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho cán bộ, giáo viên. Không có nguồn đóng các khoản bảo hiểm, đồng nghĩa với ốm đau không được hưởng chế độ nên cô Hoài thường xuyên liên hệ động viên các cô giáo làm gì thì làm nhưng phải giữ gìn sức khỏe. Trường đã gửi danh sách đội ngũ cán bộ, giáo viên bị mất việc làm không có thu nhập đến các cơ quan chức năng với hy vọng nhận được khoản hỗ trợ của Nhà nước để cuộc sống bớt chật vật, nhưng đến nay vẫn chưa được hỗ trợ.

Cô Hoài cho biết: Trường hoạt động trở lại, nhưng đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Đó là chỉ có khoảng 60% trẻ đến trường, phần còn lại xác định khi nào thật an toàn phụ huynh mới cho trẻ đến trường, nên nguồn thu không đủ để trả gốc, lãi ngân hàng hơn 40 triệu đồng/tháng, trả lương giáo viên với mức bình quân 4,6 triệu đồng/người/tháng; tiền thuê đất, thuê nhà 15 triệu đồng/tháng. Mặt khác, đội ngũ giáo viên đã nghỉ quá lâu, tìm được việc làm mới ổn định hơn, về trường thu nhập không bảo đảm nên một số sẽ không quay trở lại trường. Do không được sử dụng trong thời gian dài, cơ sở vật chất xuống cấp, hư hỏng cần mua sắm, sửa chữa, gần như phải đầu tư lại từ đầu. Đây là những thách thức, khó khăn chồng chất.

Nguy cơ giải thể

Những năm qua, tổng số 18 trường mầm non tư thục có những đóng góp đáng kể đối với giáo dục mầm non trên địa bàn TP Thái Nguyên. Cụ thể, TP Thái Nguyên có 66 trường mầm non, trong đó có 18 trường tư thục, nuôi, dạy 5.044 trên tổng số 22.248 trẻ học mầm non của thành phố. Trên tổng số 2.215 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, nhân lực của trường tư thục là 722 người. Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Thái Nguyên Nguyễn Thị Quốc Hòa cho biết: “Những năm gần đây, các nhóm trẻ trên địa bàn TP Thái Nguyên tăng nhanh, nhưng thành phố không thể mở thêm trường mầm non do không có biên chế, các trường mầm non công lập không có mặt bằng để xây thêm lớp nên chúng tôi tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích thành lập các trường mầm non tư thục. Kết quả là bốn năm qua có 14 trường mầm non tư thục ra đời, góp phần quan trọng giảm áp lực đối với các trường công lập, đáp ứng nhu giáo dục mầm non của xã hội”.

Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã gây khó khăn chưa từng có vào khối trường mầm non tư thục không chỉ trên địa bàn TP Thái Nguyên mà là cả tỉnh. Bên cạnh gánh nặng về trả vốn vay đầu tư cơ sở vật chất, tiền thuê mặt bằng, vấn đề nan giải khác là rất khó duy trì nguồn nhân lực được đào tạo đạt chuẩn với hơn 700 giáo viên, nhiều tháng liền không có lương, thời gian qua đã tìm việc làm khác với mức thu nhập cao hơn, ổn định hơn nên nhiều cô giáo sẽ không trở lại trường. Để tuyển mới thì hiện nay không có nguồn, vì những năm gần đây rất ít người theo học giáo viên mầm non. Bà Hòa cho biết, tới đây sẽ có nhiều trường không thể gượng dậy được, dừng hoạt động, giải thể.

Được biết, Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Thái Nguyên đã đề nghị cơ quan chức năng có giải pháp miễn giảm bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với quý I và quý II-2020, hỗ trợ tiền lương, trợ cấp mất việc đối với giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục khối mầm non ngoài công lập. Đồng thời, hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các trường này; cho vay lãi suất 0% để các trường trả lương; giãn, hoãn, giảm lãi suất vay vốn đầu tư của các trường này. Những đề nghị này nếu không được thực hiện kịp thời, nhiều trường mầm non tư thục trên địa bàn có nguy cơ khó trụ được sau dịch Covid-19.