Loay hoay những ngày giải cứu

Nhiều vựa nông sản năm nay đã chứng kiến ​​sản lượng rau, củ quả kỷ lục do thời tiết rất thuận lợi, sản lượng tăng gấp đôi so các vụ khác trong năm. Thế nhưng, được mùa mà ngô khoai lại “phụ” mình. Đó là câu chuyện không chỉ vào những ngày chống dịch. 

Chợ hoa Mê Linh đìu hiu vắng khách.
Chợ hoa Mê Linh đìu hiu vắng khách.

Kỳ 1: Không trong vùng dịch cũng ế

Thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh (Hà Nội) đã trải qua gần một năm sau khi bị phong tỏa do có người nhiễm Covid-19 hồi tháng 4 năm ngoái. Khi ấy, nhiều vườn hoa đang đến độ thu hoạch đã phải bỏ do giao thương với bên ngoài bị ngưng trệ. Tháng Giêng năm nay, trong thôn Hạ Lôi đã không còn cảnh vắng lặng, nhà nào nhà nấy phải đóng cửa ở trong nhà như 28 ngày chống dịch năm ngoái. Nhưng hầu hết bà con trong thôn đều có nguồn thu chính từ công việc trồng hoa thì lại thêm một mùa làm ăn không khởi sắc.

Hoa tính bằng mớ

Anh Đức Thắng (thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh) thất thần nhìn luống hoa cúc đang nụ, một sào hoa cúc của anh, 2 vạn cây là 2 vạn bông, giá tại vườn chỉ được 1 nghìn đồng 1 bông, trong khi mọi năm lái buôn trả 3 - 4 nghìn đồng. Hoa của anh là loại hoa thân cao, cành mập khỏe, hứa hẹn cho bông to bằng cái bát. “Tết vừa rồi tỉnh Quảng Ninh không bị cấm vì dịch bệnh thì dân ở đây còn bán được. Quảng Ninh là tỉnh tiêu thụ hoa cúc, hoa hồng rất mạnh vì tỉnh rộng, nhiều chùa chiền, du khách hành hương đông đúc. Năm nay dịch dã làm đảo lộn cả, chúng tôi không bị dịch nhưng vùng tiêu thụ lớn thì lại đóng cửa”, anh chia sẻ.

Ra Tết, hoa tươi rớt giá do dịch Covid-19 ảnh hưởng trực tiếp khiến cho tình hình vận tải hàng hóa bị ngưng trệ. Cùng với đó, lễ lạt đầu năm ở các đình chùa đều phải tạm dừng. Thôn Hạ Lôi nằm ngay sát đường vào đền Hai Bà Trưng mọi năm đón hàng nghìn lượt khách thập phương, xe cộ tấp nập qua lại thì năm nay đóng cửa đìu hiu giữa ngày rằm tháng Giêng. Chưa kể các hoạt động lễ hội, đám mừng thọ, giỗ chạp trên khắp các địa phương phía bắc dịp đầu năm cũng gần như không thể diễn ra, nên tiêu thụ hoa chậm còn giá giảm sâu.

Anh Thắng cho biết: “Từ lúc đặt cây đến lúc được ăn là bốn tháng. Bốn tháng mới được thu, một năm chỉ được hai lứa, còn đâu để cho đất nó nghỉ. Tháng 4 năm ngoái đã bỏ mất một ruộng vì Covid-19, năm nay lại mất Tết. Từ chiều 29 là chợ hoa Mê Linh vắng vẻ đìu hiu, không còn cảnh náo nhiệt như mọi năm”. Anh cũng chia sẻ, hầu hết các vùng trồng hoa khác cũng như bên này, năm nay đều kém vì dịch bệnh ảnh hưởng. Cúc tại vườn của anh còn đang “găm” thêm được mấy ngày chờ giá, chứ nhiều vườn khác chung quanh, hoa kém hơn đã cắt bán có “20 nghìn một mớ cúc không ai mua”. 

Chợ hoa Mê Linh được xem là trung tâm giao dịch hoa tươi hàng đầu ở phía bắc, mọi năm cứ cận Tết ra đến tận hết tháng Giêng, chợ chật kín xe tải từ khắp các tỉnh trong nam ngoài bắc tấp nập chở hoa đi mọi nẻo phục vụ bà con chơi xuân và đi lễ hội, đình chùa… Năm ngoái, thôn Hạ Lôi phong tỏa đã khiến bà con ảnh hưởng không nhỏ, đến năm nay dịch tái phát cách chợ chưa đến 10 km nên ai nấy lại một phen phập phồng. Bên ngoài cổng chợ, mấy sạp hoa tươi chất đống nhưng hẻo người mua, còn nhiều hàng sâu trong chợ thì chủ sạp đã chính thức nghỉ chợ, khóa cửa không bán hàng nữa. Bà Mai, một tiểu thương đã bán hàng lâu năm tại chợ Mê Linh cho biết chưa từng có chuyện chợ hoa này lại ế ẩm như bây giờ. Trước đây bà chỉ tiếp khách mua buôn cả lô hoa, không bao giờ bán lẻ, thế nhưng bây giờ gặp khách hỏi mua lẻ mươi, 15 bông hồng, bà cũng bán. Trên sạp hoa chợ chiều, mấy bó cúc, bó hồng các mầu nằm im lìm, ủ rũ, héo quay quắt mà bà cũng chưa buồn xịt nước cho tươi lại.

Loay hoay những ngày giải cứu -0
 Chăm hoa hồng chờ giá cao dịp lễ 8-3.

“Đỏ mắt” vì hoa

Đầu xóm Ao Sen của thôn Hạ Lôi, gần chục sào hoa hồng cắt cành đã đến độ thu hoạch nhưng chủ vườn không muốn bán. Hồng đi lễ là loại hồng được tuyển chọn từ những gốc hồng lâu năm, thân to khỏe, ngoài bông hoa đẹp còn phải có nhiều cành lộc lá mang nụ đỏ tía. Nhưng năm nay chùa chiền không mở cửa, hàng loạt ruộng hoa đã đến độ cắt, cành lộc đã vươn dài hàng mét phất phơ trong gió mà chưa được cắt. Là một trong những hộ có diện tích trồng hoa hồng lớn trong thôn, ông Toán đang đứng ngồi không yên trông chờ hai mẫu ruộng hoa hồng. Ông vừa cắt tỉa những bông xấu, bông bị bệnh, vừa chăm giữ cho hoa “cố” thêm độ dăm hôm nữa qua đợt mất giá này để đón lễ mồng 8-3. “Cả thôn chúng tôi sống nhờ vào trồng hoa, cây cảnh mà một năm có mấy bận hoa được giá. Như năm nay, hoa Tết giá tăng được từ 23 đến 28 tháng Chạp, gỡ gạc một chút gọi là bù đắp trong năm. Nhưng người mua ít, sức mua cũng giảm nên cũng chả tiêu thụ được nhiều như mọi năm”, ông nói. 

Dịp sau Tết năm ngoái, hoa hồng giá thấp nhất cũng từ 3.000 đến 7.000 đồng một bông, năm nay hoa rất đẹp mà giá chỉ 1.000 - 1.500 đồng/bông. Còn những người trồng hoa ly, đặc biệt là các loại ly kép, ly cao thì càng lỗ nặng, riêng tiền giống đã 14 - 15 nghìn, tính đến khi ra hơn 20 nghìn cuối cùng bán mớ. Hoa ra Tết bán rẻ chỉ tầm 7 - 11 nghìn đồng một cành, ông Toán thở dài: “Thế nên hơn ai hết người trồng hoa chúng tôi càng mong dịch bệnh chóng qua, cuộc sống trở lại bình thường để người mua có thu nhập trở lại, có thế thì người trồng, người bán mới có mà ăn”. 

Gần 12 giờ trưa, đã vào giờ cơm mà trên ruộng vẫn lác đác người dân ra đồng chăm sóc hoa. Trên cánh đồng hoa rộng hơn 100 ha ở thôn Hạ Lôi, khắp các vườn hoa hồng, hoa cúc xen nhau đủ mầu. Nhìn vườn hồng ngoại, hồng cảnh phải đóng cửa im ỉm, chị Nhung, chủ vườn hồng Thắng Nhung không khỏi tiếc nuối khi từng khóm hoa hồng đang độ nở hoa rực rỡ mà không có khách. Chị đang điêu đứng vì năm 2018 vay một số vốn để ươm giống hồng ngoại, khi đó hoa rất được chuộng nên không lo đầu ra, quay vòng vốn rất nhanh có thể trả lãi ngân hàng. Nay hoa ế, nhưng vẫn phải bỏ công và thuê người chăm sóc, phun trừ sâu bệnh, chị đã phải xoay xở duy trì chăm cây chờ đến ngày thanh lý để gỡ gạc. “Năm đó thấy hồng ngoại được giá, nhiều người hỏi mua, tôi không nghĩ đến lúc đỏ mắt vì hoa như thế này”, chị tâm sự. 

Theo ông Toán, hiện nay người dân Hạ Lôi đang trông chờ vào vụ hoa cung cấp cho dịp mồng 8-3, hy vọng hoa nhấc lên vài giá. Các vườn hồng tích cực chăm sóc các loại hoa ly, hoa hồng nhung, hồng kem Đà Lạt, vàng Pháp, đỏ lai… và làm mọi cách chăm hoa nở trúng ngày. Lác đác cũng đã có thương lái đi thăm hoa cho ngày 8-3, chờ đến khi đó “đắt thì mua đắt mà rẻ thì mua rẻ”, mong mọi người đều được lời đôi chút. 

Toàn xã Mê Linh có khoảng 150 ha trồng hoa, riêng thôn Hạ Lôi hơn 100 ha. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động buôn bán hoa của toàn bộ thôn phải tạm dừng nên thiệt hại của người dân là rất lớn. Nay sau dịch, dù đã cố gắng khắc phục song người dân trồng hoa vẫn không tránh chịu ảnh hưởng do hoa không phải là mặt hàng thiết yếu, tiêu thụ rất khó khăn. Nhiều bà con cũng mong mỏi có thêm kinh phí hỗ trợ để tiếp tục sản xuất và tìm đầu ra mới cho sản phẩm. 

(Còn nữa)