Khi công nghệ cùng đến lớp

Sau hơn một năm thí điểm dự án xây dựng hệ thống trường học thông minh (THTM), Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP Hồ Chí Minh đã có thêm nhiều hoạt động để lan tỏa mô hình này. Đây là một trong những bước chuẩn bị để ngành GD&ĐT cùng thành phố thực hiện đề án “Xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh”.

Nhiều trường học tại TP Hồ Chí Minh đang chủ động thông minh hóa lớp học.
Nhiều trường học tại TP Hồ Chí Minh đang chủ động thông minh hóa lớp học.

Học với… rô-bốt

Gần hai năm nay, thay vì làm bài trên giấy, học sinh (HS) Trường THPT Nguyễn Du (quận 10) kiểm tra giữa học kỳ hoàn toàn trên máy tính. Thi xong, HS biết kết quả ngay. Hình thức kiểm tra trực tuyến giúp HS cảm thấy nhẹ nhàng hơn và bảo đảm độ chính xác trong việc chấm điểm, lưu trữ thông tin. Nâng cấp hệ thống máy tính, trang bị đường truyền internet mạnh hơn, nhà trường còn “nâng cấp” đội ngũ giáo viên (GV) nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn việc ứng dụng CNTT trong giáo dục. “Chúng tôi đã mời chuyên gia về dạy vi tính văn phòng quốc tế cùng nhiều chương trình ứng dụng công nghệ khác trong giảng dạy để thay đổi cách làm việc truyền thống của GV. Hiện đã có 70 GV được nhận bằng vi tính văn phòng quốc tế và năm nay nhà trường tiếp tục tạo điều kiện để 30 GV tham gia khóa đào tạo cần thiết này”, Hiệu trưởng Huỳnh Thanh Phú cho hay. Được biết, đến nay, việc tăng cường học trực tuyến, thi trên máy vi tính đã giúp quá trình đào tạo, kiểm tra của trường diễn ra thuận lợi, khách quan hơn trước nhiều.

Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, THPT chuyên Trần Ðại Nghĩa, THPT Lê Quý Ðôn, THPT Nguyễn Hiền và THPT Nguyễn Du là năm cơ sở giáo dục tại TP Hồ Chí Minh tiên phong thí điểm mô hình THTM, từ công tác điểm danh HS, kết nối với phụ huynh đến giảng dạy, kiểm tra... Trong năm học 2019 - 2020, TP Hồ Chí Minh sẽ khẩn trương xây dựng trung tâm điều hành giáo dục thông minh tại Sở GD&ĐT, đồng thời tiếp tục xây dựng hệ thống THTM tại năm cơ sở thuộc dự án. Về việc triển khai mô hình giáo dục điện tử, trường học điện tử theo mô hình giáo dục thông minh, Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh vừa có thông báo yêu cầu các đơn vị bảo đảm nguyên tắc ứng dụng CNTT và truyền thông hiệu quả, thiết thực nhằm hiện đại hóa công tác quản lý, đổi mới phương pháp dạy và học chứ không làm rập khuôn. Sở cũng chỉ đạo các phòng GD&ĐT 24 quận, huyện chủ động nghiên cứu và chuẩn bị phương án để tổ chức việc tuyển sinh các lớp đầu cấp bằng hình thức trực tuyến từ năm 2020 - 2021.

Không nằm trong danh sách thí điểm nhưng nhiều trường tại TP Hồ Chí Minh đã chủ động xây dựng mô hình THTM. Bên cạnh việc đầu tư một phòng thực hành STEM hiện đại cùng đội ngũ GV giàu chuyên môn, năm học 2019 - 2020, Trường THCS Lê Quý Đôn (quận 3) khiến nhiều đơn vị khác bất ngờ khi triển khai hình thức dạy học bằng rô-bốt. Cao 1,1 m, đeo khăn quàng đỏ, gương mặt là iPad còn chân là những bánh xe, rô-bốt Moza khiến nhiều HS thích thú khi có thể giao tiếp và thực hiện nhiều thao tác như người.

Từ tò mò đến hào hứng, tiết Tin học tưởng chừng khô khan nay trở nên hấp dẫn. GV không phải can thiệp quá nhiều hoặc đọc giảng những kiến thức quá khô khan, thay vào đó, thầy cô định hướng, quan sát HS tương tác cùng “người bạn mới”. Moza là sản phẩm do cô Nguyễn Thị Hồng Nhung (GV Tin học) cùng các thành viên CLB STEM Robot của Trường THCS Lê Quý Đôn lập trình thành công trong mùa hè vừa qua. Rô-bốt này được tích hợp giọng nói tiếng Việt qua hệ thống micro thu âm thanh và lập trình bằng dấu vân tay. Nó còn có khả năng tích hợp nhiều bộ môn như vật lý, công nghệ, mỹ thuật, tin học, được xem như công cụ hỗ trợ mới cho việc truyền lửa học tập trong THTM.

Khi công nghệ cùng đến lớp ảnh 1

Học sinh Trường THPT Nguyễn Du làm bài kiểm tra trên máy tính.

Cần đồng bộ để đổi mới

Là cơ sở giáo dục được đánh giá cao về việc ứng dụng CNTT trong đổi mới chất lượng dạy và học, hiện nay, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh đang trong giai đoạn gấp rút chuẩn bị để triển khai trường mô hình ĐH công lập trực tuyến. Hiệu trưởng, PGS, TS Đỗ Văn Dũng cho biết, công tác tập huấn cho 22 giảng viên mở 22 khóa học online của ĐH trực tuyến đang dần hoàn tất. Tiếp theo là những quy trình khác để bảo đảm toàn thể sinh viên (SV) được học mọi lúc, mọi nơi trên máy tính hay điện thoại thông minh trong thời gian sớm nhất.

Khi chưa có ĐH trực tuyến, nhiều năm nay từ việc học đến thi cử, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh cũng đã tiến hành dưới hình thức online với 100% giảng viên sử dụng công nghệ để giảng dạy, đánh giá năng lực. Giảng viên đưa bài giảng lên mạng và giao tiếp, hướng dẫn SV trên đó. SV có thể học mọi lúc, mọi nơi nên rất thuận tiện. “Ngày trước các tiết học đều diễn ra trên giảng đường với cách dạy truyền thống đọc - chép hoặc chiếu máy. Còn hiện tại thời gian học trên mạng của SV chiếm tới 50% thời lượng. Thời gian còn lại SV sẽ lên lớp để nghe giảng viên hướng dẫn thực hiện các dự án nghiên cứu khoa học với các sản phẩm mang tính ứng dụng cao. Có thể nói, việc ứng dụng mạnh mẽ CNTT đã góp phần tạo nên những thay đổi về văn hóa giáo dục trong nhà trường. Cả người dạy lẫn người học đã quen dần với việc sử dụng internet để nâng cao chất lượng đào tạo”, PGS, TS Đỗ Văn Dũng nhận định.

Việc cho phép HS, SV tương tác với internet trong giờ học, giờ kiểm tra hay ứng dụng CNTT vào giảng dạy đã không quá xa lạ với nhiều trường học tại TP Hồ Chí Minh vài năm trở lại đây. Cuối năm học này, quá trình thí điểm của mô hình THTM cũng kết thúc để có bước nhân rộng đại trà ra nhiều địa phương. Thế nhưng, đại diện nhiều trường công lập cho rằng họ vẫn băn khoăn trong việc đẩy mạnh giáo dục thông minh vì không phải cứ muốn là làm được. Đội ngũ chuyên môn và điều kiện tài chính, cơ sở vật chất là những yếu tố quan trọng cho sự thành công của mô hình THTM. Đây cũng là điểm vướng mà nhiều trường đang tìm cách gỡ để sớm triển khai các lớp học thông minh trong thời gian tới. Ông Huỳnh Thanh Phú tâm tư: “Theo tôi, muốn các trường làm tốt, Sở GD&ĐT và thành phố cần sớm đưa ra những cơ chế riêng như tự chủ nhân sự để mỗi cơ sở chủ động hơn trong việc dùng người. Việc trang bị thêm máy móc cho GV cũng là việc cần thiết vì thiếu công cụ hỗ trợ các thầy cô rất khó ứng dụng công nghệ cao. Các THTM cần cơ sở hạ tầng đồng bộ và tốt hơn, đường truyền internet đủ mạnh, phòng chiếu phim 3D, thư viện hiện đại, phòng thí nghiệm hiện đại, phòng học robotic, logictics… để chủ động thiết kế chương trình giảng dạy hiệu quả. Hiện nay vẫn chưa thấy sự đầu tư đặc biệt cho các trường thí điểm mô hình này.

Ngoài ra, vấn đề cốt lõi vẫn là con người. Một trong những điểm mấu chốt được đề xuất là phải thay đổi tư duy của người lãnh đạo. Bởi thực tế, nhiều lãnh đạo còn thờ ơ với chuyện này. Việc chuyển đổi số, văn hóa làm việc theo hướng mới có thể gây tâm lý ức chế nên nhiều người chọn tổ chức và vận hành đơn vị theo lối mòn để nhẹ nhàng, an toàn hơn. Nhưng như vậy thì không hiệu quả. PGS, TS Đỗ Văn Dũng chia sẻ: “Kinh nghiệm của trường chúng tôi là theo từng bước một chứ đừng quá vội vàng trong việc triển khai mô hình giáo dục thông minh”.

Mới đây, làm việc với Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đã nhấn mạnh, muốn đi đầu cả nước trong năng suất lao động thì thành phố không còn con đường nào khác là giáo dục phải đi đầu trong đào tạo đội ngũ đạt trình độ quốc tế. Và trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư, GD&ĐT cần đẩy mạnh hơn nữa “học tập suốt đời thông minh”.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Thành phố nên phát động phong trào thi đua tự xây dựng cơ sở dữ liệu cho học tập suốt đời thông minh từ kinh nghiệm quốc tế. Giáo dục là quốc sách hàng đầu của quốc gia. Với TP Hồ Chí Minh ưu tiên cao nhất chính là cho sự nghiệp con người. Trong quá trình đó, thầy, cô giáo cũng nên trao đổi lại, cụ thể hóa phương châm tốt nhất.