Gồng mình chống hạn

Nhiều tháng nay, nắng nóng hầm hập liên tục hơn 40 độ C, nhiều vùng dân cư miền ngược cũng như miền xuôi ở Nghệ An như nằm trong “chảo lửa”.

Người dân xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn phải chắt nước từ các hốc đá về dùng.
Người dân xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn phải chắt nước từ các hốc đá về dùng.

Kỳ 1: Khô hạn đến chân, chưa kịp nhảy

Khát nơi “chảo lửa”

Ngược quốc lộ 7, về huyện Con Cuông, vào xã biên giới Môn Sơn nắng nóng gay gắt nhiều ngày qua làm 35 hộ, 100 khẩu người Đan Lai bản tái định cư Tân Sơn thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Anh La Văn Thái than thở: “Đến nơi ở mới bấy “chum” (năm) ni, nhà nào cũng được hỗ trợ đào giếng, nhưng đến nay khô cạn hết, chỉ có một giếng của hộ ông Hiệu còn nước. Gia đình tui có hai giếng đào sâu hơn 20 m nhưng đến nay cả hai giếng đều khô cạn. Để có nước ăn uống, mỗi ngày bà con phải mất nhiều thời gian ra tận ngoài khe Mọi cách khoảng ba cây số cõng, đèo từng can nước về dùng”. 

Ông La Văn Chương cũng cho biết, hằng ngày, ông phải mang can nhựa loại 20 lít ra khe Mọi lấy nước về tắm giặt, nấu ăn. “Năm nay thời tiết thay đổi thất thường, nắng hạn gây thiếu nước nghiêm trọng trên địa bàn, đặc biệt tại bản tái định cư Đan Lai Cửa Rào. Trước mắt xã đã đề xuất cấp trên đầu tư khoan giếng để giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho người dân nơi đây, ông Lương Văn Hoa, Chủ tịch UBND xã Môn Sơn cho biết thêm. 

Đến xã Mậu Đức, huyện Con Cuông, từ sáng sớm, ông Lang Văn Tình, bản Kẻ Sùng phải băng rừng xách hai can nhựa đi tìm nước. Ông Tình chia sẻ: “Hơn một tháng nay, những trận nắng như đổ lửa, nhà có hai giếng sâu nhưng nắng nóng đã cạn nước. Ăn uống, tắm giặt đều phải dùng nước múc từ các khe, suối. Nhiều người dân ở bản Kẻ Sùng cũng phải vào khơi các vũng ở tận đầu nguồn khe, suối để chắt lắng nước vào các can, lọ về dùng”. Theo ông Tình, xã Mậu Đức có tám bản thì ba bản thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. 

Ngược lên huyện vùng cao Tương Dương, bản Khe Ngậu, xã Xá Lượng, cũng đang lâm vào cảnh thiếu nước sinh hoạt suốt nhiều ngày qua. Ông Lương Văn Pắn, bản Khe Ngậu cho biết, hệ thống nước vòi cạn kiệt, một số hộ dân đầu tư đào giếng nhưng do nước nhiều vôi, mùi hôi tanh. Những năm trước, hơn 150 hộ bản Khe Ngậu dùng chung hệ thống nước với bản Ang và bản Lở, do Nhà nước đầu tư. Năm nay nắng nóng, bản Khe Ngậu nằm ở cuối nguồn nên nước chưa kịp chảy về tới nơi đã hết, các bể chứa trơ đáy nhiều tháng qua. Theo các già bản thì đã hơn 40 năm qua, chưa năm nào Khe Ngậu chịu cảnh khô hạn đến mức như năm nay. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Tương Dương Lô Khăm Kha cho biết, cùng cảnh ngộ với bà con bản khe Ngậu, xã Xá Lượng còn nhiều bản làng như Bãi Sở, Làng Mỏ, xã Tam Quang, bản Mác, Lau, Nhẵn, Chắn, thị trấn Thạch Giám rồi đến các xã vùng trong như Lượng Minh, Yên Hòa, Yên Na, Yên Tĩnh, Xiêng My, Yên Thắng, Nga My... 

Nằm ở miền rẻo cao biên giới, huyện Kỳ Sơn cũng đang oằn mình trong cơn khát. Tại bản Chà Lắm, xã Hữu Lập, may mắn có nguồn nước sinh hoạt duy nhất tạm thời cho 120 hộ dân nằm ở nhà bí thư chi bộ Lương Mai Pheng. Bí thư  Pheng tự bỏ tiền kéo đường ống từ một mạch nước khá xa về bể nhà, nhưng mạch nước chảy nhỏ, có thể cạn kiệt bất cứ lúc nào. Chủ tịch UBND xã Hữu Lập Lô Đình Thụ cho biết, để có nước dùng, một số hộ phải lắng lọc nước khe Nhị, khe Thạng. 

Trên “cổng trời” Mường Lống đã khát lại càng khát thêm do nắng nóng kéo dài. Ở Mường Lống, có đến năm tháng bị thiếu nước mỗi năm. Vào mùa khô, các nguồn nước gần bản đều cạn kiệt, người dân phải chắt nước từ các khe đá núi đi cách xa hàng giờ. Trong đó khó khăn nhất là bản trung tâm, Mường Lống 1 và Mường Lống 2, người dân phải đi rất xa để lấy nước, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Lống Và Chá Xá cho biết. 

Xuôi xuống các xã Phá Đánh, Huồi Tụ... gặp bà con Khơ Mú, H’Mông các bản Kẻo Lực, Huồi Đun… lầm lũi dưới nắng chói chang đi hàng tiếng mới chắt được một gùi nước hì hục cõng về dùng. Những mảng rừng loang lổ và lau lách khô trắng phau bốc hơi nóng ngùn ngụt khét nắng. Theo ông Nguyễn Xuân Trường, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Kỳ Sơn, Hữu Lập và Mường Lống chưa phải là những xã khó khăn nhất về nước sinh hoạt. Tại xã Đoọc Mạy, Huồi Tụ và hai bản Khăm 1, 2 xã Bắc Lý có đến 60% người dân thiếu nước sinh hoạt, nước sinh hoạt của người dân Kỳ Sơn chủ yếu phụ thuộc nguồn khe suối tự nhiên tự chảy. Vào mùa khô, hơn 40% dân số ở huyện Kỳ Sơn thiếu nước sinh hoạt.

Tình hình thiếu nước sinh hoạt của nhiều vùng dọc quốc lộ 48 cũng diễn ra khốc liệt. Huyện vùng cao Quế Phong hiện nay, vùng gần trung tâm huyện như thị trấn Kim Sơn, xã Tiền Phong cho đến rất nhiều vùng bản, xã cách  xa trung tâm như Huồi Máy, xã Cắm Muộn, hay các khu tái định cư thủy điện Hủa Na... mới được xây dựng cũng thiếu nước sinh hoạt. Xuôi về vùng miền núi trung du và đồng bằng, tại bản Tân Tiến, xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương, Trưởng bản Vi Văn Tuyến cho biết, sau khi công trình nước tự chảy hư hỏng, Nhà nước đã hỗ trợ mỗi hộ đào một giếng khơi trị giá bốn triệu đồng/giếng. Song đến nay hầu hết giếng đào đều không đủ nước sinh hoạt. Bản có hơn 200 hộ có giếng thì 100 giếng bị khô nước. Để có nước sinh hoạt, các hộ phải vất vả tìm khe, suối để lấy nước về dùng. 

Tại xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn, hàng trăm hộ dân ở các bản Cao Vều 1, 2, 3, 4 nhiều năm nay lâm vào cảnh thiếu nước. Mặc dù cạnh đó, một nhà máy nước sừng sững được đầu tư hàng tỷ đồng từ 16 năm trước. Nhưng nhà máy này cũng chỉ hoạt động được thời gian ngắn rồi bỏ hoang vì bị đàn voi rừng làm vỡ đường ống nước. Ở đây, số hộ gia đình có giếng nước sinh hoạt cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. 

Xuôi về các làng biển huyện Quỳnh Lưu cũng đang trong cơn khát nước. Xã An Hòa có 14 thôn thì có bảy thôn thuộc vùng đất nhiễm mặn nên nhiều năm nay bà con không thể dùng nguồn nước ngầm. Xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu có hơn 3.440 hộ thì hơn 70% số hộ thiếu nước sạch sinh hoạt. Xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu có khoảng 800 hộ cũng nằm trong tình trạng này. Bên cạnh đó, các huyện khác như Nghi Lộc, Yên Thành, Hưng Nguyên... cũng có rất nhiều hộ dân thiếu nước sạch sinh hoạt. 

Gồng mình chống hạn -0
Giếng của bà con Đan Lai khu tái định cư Tân Sơn, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông khô cạn. 

Loay hoay tìm nước

Nhiều hộ dân xã Nghi Lâm, huyện Nghi Lộc phải tốn hàng chục triệu đồng để khoan nước giếng. Nhưng phải khoan đến hai, ba mũi, mỗi mũi khoan sâu hơn 100 m mà vẫn không có nước. Nhiều hộ, hằng ngày phải đi xin từng xô nước để dùng, đặc biệt là các xóm 8, 9, 10, 11, 12… Xã Nghi Lâm có khoảng 40% người dân vẫn thiếu nước ăn, uống.

Nhiều bản làng, người dân đã phải góp tiền mua ống, xi-măng, thép và ủng hộ ngày công dẫn nước từ khe, suối về bản. Ông Lương Văn Pắn ở bản Khe Ngậu, xã Xá Lượng, huyện Tương Dương cho hay, bản có hơn 50 hộ, mỗi hộ dân đóng bốn triệu đồng mua vật tư, kéo đường ống từ nơi có nguồn nước về bản dài khoảng 4 km.  Thời điểm này huyện Con Cuông có bốn xã, hơn 1.400 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Trước mắt, huyện đã hỗ trợ đào 32 giếng nước dọc theo các khe suối, hỗ trợ thêm kinh phí bơm nước và mua téc đựng nước cung cấp nước sinh hoạt theo từng cụm dân cư. 

Nghệ An nằm trong vùng hạn hán, nắng nóng của cả nước. Mặt khác, do địa chất, địa hình, nhiều địa phương khan hiếm nguồn nước ngầm, có những địa phương thì nước ngầm bị nhiễm mặn, nhiễm phèn, không sử dụng được cho sinh hoạt. Tại một số địa phương khác, tuy có hệ thống sông, suối chảy qua nhưng vào mùa nắng nóng, mực nước xuống thấp, có nơi bị nước mặn xâm nhập nên không thể sử dụng cho sinh hoạt. Trong khi đó, nguồn vốn để đầu tư xây dựng các hệ thống cung cấp nước sạch hạn chế, việc xây dựng các công trình cấp nước cho người dân chưa đáp ứng được. Một số gia đình có điều kiện đã tự đầu tư xây bể chứa nước mưa, tích trữ từ nhiều tháng, tuy nhiên vẫn không đủ nước cho sinh hoạt hằng ngày. 

Tỉnh đã quy hoạch cụ thể các khu vực cấp nước sạch, trong giai đoạn 2015 - 2020 đã đầu tư xây dựng mới và nâng cấp 21 công trình đầu mối cấp nước sạch tập trung. Tuy nhiên, đến nay tại Nghệ An, tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh mới đạt 83%, dự kiến đến năm 2020 đạt 85%. Đáng nói, thời gian qua, tỉnh huy động các nguồn lực đầu tư được 486 công trình, hệ thống cấp nước sinh hoạt tập trung trên các địa bàn dân cư nông thôn. Tuy nhiên theo báo cáo của ngành NN&PTNT: Vì nhiều lý do khác nhau, chỉ có 90 công trình hoạt động hiệu quả và 165 công trình hoạt động trung bình; có đến 231 công trình hoạt động kém hiệu quả hay ngừng hoạt động. 

Hiện nắng nóng vẫn chưa giảm, gió tây nam thổi mạnh, nguồn nước các sông, suối tiếp tục cạn kiệt, hạn hán ngày càng lan ra trên diện rộng. Nếu trong những ngày tới không có mưa, nhiều vùng bản hoàn toàn cạn kiệt nước. 

(Còn nữa)