Gọi nhau trên dãy Trường Sơn

“Cứ như một giấc mơ, có quá nhiều điều kỳ diệu”, cựu chiến binh (CCB) Phạm Công Hưởng nhắc đi nhắc lại, khi chúng tôi hỏi về hành trình hơn 10 năm tìm đồng đội của ông. 

Lễ đưa hài cốt các liệt sĩ trong trận chiến Khâm Đức về Nghĩa trang liệt sĩ Phước Sơn. Ảnh nhân vật cung cấp
Lễ đưa hài cốt các liệt sĩ trong trận chiến Khâm Đức về Nghĩa trang liệt sĩ Phước Sơn. Ảnh nhân vật cung cấp

Kỳ 2: Giấc mơ có thật ở Khâm Đức

Ba tấm bản đồ 

15 giờ 40 phút ngày 1-6-2020, vị trí 17 liệt sĩ hy sinh trong trận đánh sân bay Khâm Đức (Phước Sơn, Quảng Nam) được tìm thấy cùng xương cốt và những di vật. Những người có mặt ở cuộc tìm kiếm như vỡ òa. Kế hoạch ban đầu cho cuộc tìm kiếm là 21 ngày, nhưng ngày thứ 11 đã tìm ra vị trí, đó là thành công ngoài sức tưởng tượng. Hành trình tìm kiếm 17 liệt sĩ, cần phải bắt đầu từ năm 1998 - ba năm sau ngày Việt Nam - Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Tài liệu lưu giữ số 221 của Hội CCB Mỹ tham gia chiến tranh Việt Nam (VVA) trao cho Cục Chính sách Tổng cục Chính trị - Bộ Quốc phòng QĐNDVN có ghi lại: “Khâm Đức đẩy lùi cuộc tấn công của đặc công, 16 lính Bắc Việt Nam tử vong. Theo báo Stars and Stripes I năm 1970, trong trận đánh vào hệ thống bảo vệ đường băng Khâm Đức, phía tây Tam Kỳ 56 km, 16 lính đặc công Bắc Việt Nam đã tử trận. Trận đánh diễn ra vào 4 giờ sáng, lực lượng tham gia trận đánh về phía Mỹ có: Khẩu đội a (Tiểu đoàn 1, Trung đoàn pháo 82); Đại đội e (Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 1 - Lữ đoàn 196) và Đại đội a (Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 4), kèm theo là sơ đồ mộ (vẽ tay)”. Tài liệu này được chuyển về BCH Quân sự huyện. Tuy nhiên trong nhiều năm, việc tìm kiếm không có tiến triển gì. 

Mãi tới năm 2010, CCB Hoàng Xuân Lâm, một người lính vận tải Trung đoàn 320 trong một lần công tác ở Khâm Đức tình cờ biết được về tấm bản đồ. Ông Lâm tìm tới ông Phạm Công Hưởng, khi đó là cán bộ Ban Chính sách Tổng LĐLĐ Việt Nam, cũng là một CCB 320, thuộc Tiểu đoàn Đặc công 404. Ông Hưởng có mặt ở Kon Tum chỉ vài tháng sau trận Khâm Đức: “Khi chúng tôi vào tiếp cận chốt ở sân bay với tâm niệm tìm được thi hài của 16 đồng chí đã hy sinh nhưng không tìm được. Nghe phản ánh của một nguồn tin là sau trận đánh, địch dùng máy ủi, ủi xác 16 đồng chí của chúng ta xuống một hố bom gần đó”. Nỗi day dứt chưa tìm thấy 16 đồng đội vẫn cứ đeo đẳng ông Hưởng mấy chục năm sau… Mất hai năm sau đó, ông Hưởng và ông Lâm đi kết nối với các CCB khác và chứng minh tính chính xác của trận đánh. Trong trận Khâm Đức chỉ có hai người thoát hiểm và được đưa về hậu cứ. Một người là y tá Trần Quốc Thành, sinh 1950, quê Quốc Tuấn, An Hải, Hải Phòng. Nhưng anh cũng đã hy sinh trong trận tấn công khác vào ngày 19-4-1972 tại Đăk Pet, Kon Tum. Người duy nhất còn sống tới hòa bình là chiến sĩ Nguyễn Văn Việt, sinh năm 1949, giữ nhiệm vụ đánh giữ cửa mở. Ông Việt cũng qua đời năm 2018. Chỉ dấu chính thức ông Hưởng tìm thấy chính là bài báo trên báo Quân đội nhân dân ra tháng 8-1970, trong đó có dòng mô tả “Đây là trận tấn công lớn nhất của quân Giải phóng vào quân Mỹ sau những trận đánh ở vùng điểm cao 933”. “Thông tin đó trùng với thời điểm hoạt động đơn vị chúng tôi, cùng với thông tin của VVA, có thể xác định chính trận của 320 chúng tôi rồi”, ông Hưởng nói, nhớ lại khi đó run lên vì xúc động. 

Gần 60 CCB của E320 gặp lại nhau, đa phần lúc đó mới biết mặt biết tên, chỉ nhận ra nhau nhờ những câu chuyện chung. Kể từ đó là 10 năm liên tục, họ góp tiền với nhau, ai khỏe thì vào chiến trường xưa tìm kiếm. “Năm nào tôi cũng vào Khâm Đức. Có năm tôi đi năm lần. Năm 2019, tôi đi ba lần. Lần cuối cùng là chuyến đi năm 2020”, ông Hưởng kể. 

Từ 2010, có những giai đoạn cuộc tìm kiếm rơi vào bế tắc, khi hầu hết các vị trí trên tấm bản đồ năm 1998 vẽ theo phía tây sân bay đều đã lật qua, nhưng đều không khả quan. Mũi tên chỉ phương hướng có dấu hiệu sửa nhiều lần khiến những người tham gia tìm kiếm cũng thấy hoang mang. Năm 2013, phía các CCB Mỹ gửi tiếp một tấm bản đồ khác, lần này, hướng đi được chỉ ngược lại hoàn toàn. “Có lẽ bản đồ đầu tiên được ai đó vẽ lại theo lời kể, nên họ đã nhầm hướng, từ bắc thành nam”, ông Hưởng nhận định. Năm 2015, các CCB Mỹ lại gửi đến một bản đồ khác, mô tả một vị trí khác, với những hướng dẫn vô cùng chi tiết. Trong đó có mô tả rõ vị trí căn cứ lính Mỹ năm 1968 và thay đổi khi lực lượng mới tới năm 1970, những vị trí rừng rậm khá sát với thực tế. 

Cuộc tìm kiếm quy mô lớn lại tiếp tục tiến hành theo bản đồ mới, lần này là tìm phía đông sân bay Khâm Đức, với sự vào cuộc của cả những máy móc dò tìm hiện đại.

“Có lúc tôi nghi ngờ chính mình”

Thế nhưng bốn năm nữa trôi qua, cuộc tìm kiếm vẫn chưa có kết quả. Mặc dù là người xác định thông tin và biết chắc chắn tính xác thực của trận đánh, nhưng ông Hưởng cũng thừa nhận: “Có lúc người ta gọi tôi lại chất vấn. Tôi cũng nghi ngờ chính mình, không hiểu những thông tin trận đánh có thật không”. Dù trước khi tìm kiếm, ông Hưởng đã có trong tay danh sách đủ 17 liệt sĩ đóng dấu đỏ từ Bộ Quốc phòng cùng thông tin đầy đủ của các thân nhân. Trận đánh tập kích vào sân bay Khâm Đức của Tiểu đoàn 404 là trận đánh không tiếng, đã thầm lặng bao năm. Thế nên ông Hưởng và đồng đội cũng hiểu được những tiếng ong ve. Những ngày tìm kiếm, nhiều thân nhân cũng vào tìm ông. Có người còn mang theo cả nhà ngoại cảm. “Nhiều ý kiến khác nhau, nhiều nghi ngờ lắm. Nhưng họ cũng là vì tìm được liệt sĩ thôi. Chúng tôi tôn trọng hết các ý kiến”, ông Hưởng nhớ lại. 

Năm 2009, CCB Hoàng Xuân Lâm đã gửi thư cho CCB Phạm Công Hưởng, lo lắng rằng: “Thời gian không ủng hộ chúng ta. Mỗi ngày trôi qua thông tin về những sự việc đã cách nay mấy chục năm càng nhạt nhòa trong ký ức”. Nhưng cả hai ông đều không ngờ, họ còn phải mất thêm hơn 10 năm nữa trăn trở. 

Năm 2020, các CCB họp với nhau sau 10 năm tìm kiếm. Họ quyết định tìm một lần cuối cùng. Bởi khu vực này, hầu như mọi mét vuông đất đều đã tìm qua. Chỉ còn một vị trí duy nhất, là chỉ dấu từ tấm bản đồ năm 2013 - tấm bản đồ chưa kịp tìm đã nằm ngủ yên nhiều năm. Và họ chọn giải pháp tìm kiếm theo tấm bản đồ này, như một lựa chọn may rủi cuối cùng. 

“11 năm liên tục tìm kiếm. Chỉ có thông tin ban đầu là một hố mộ chôn tập thể 17 người ở phía tây sân bay Khâm Đức (mà sau này đã xác định là phía đông). Không có tọa độ chính xác. Hồ sơ còn tranh cãi lên xuống, bắc - nam đảo ngược. Vậy mà tìm ra. Cứ như giấc mơ”, ông Hưởng cảm thán. Ông Hưởng nói mình có cảm giác đặc biệt với những đồng đội đã hy sinh. Ông Hưởng nhớ chính xác là 28-5-2020, cảm giác như đã tìm thấy rồi, linh cảm vô cùng mạnh mẽ, bởi sáng 27-5, đội tìm kiếm đã đào thấy nhiều vật dụng của lính Mỹ phía ngoài hàng rào trận địa pháo 1970, thấy có dấu hiệu hố sâu. Trước đó, ngày 23-5, nhiều vết tích chiến trường cũng lộ dần ra, như cột thép L giữ hàng rào, những đế bê-tông chôn sâu dưới đất, những ống đồng tiếp âm chống sét… Nhưng cũng phải tới 1-6, vị trí của ngôi mộ tập thể mới được phát lộ. 

Lần này họ thành công. Giấc mơ hơn 10 năm trước của những người đồng đội đã được thực hiện. Các anh nằm bên nhau 50 năm, dù không phân biệt được ai với ai nữa, nhưng cuối cùng tất cả cũng đã được đưa về ngôi mộ chung ở nghĩa trang liệt sĩ huyện. 

(Còn nữa)

TRẬN ĐÁNH SÂN BAY KHÂM ĐỨC NGÀY 5-8-1970

Đầu tháng 7-1970, quân Mỹ - ngụy mở cuộc hành quân bằng trực thăng vận, càn quét lớn lên Khâm Đức, với sự yểm trợ của không quân và pháo binh Mỹ, địch huy động hơn 10 tiểu đoàn ngụy; Lữ đoàn 196 - Không vận kỵ binh bay - thuộc Sư đoàn America. 

Tiểu đoàn 404 đã rất anh dũng tấn công vào sân bay Khâm Đức rạng sáng ngày 5-8-1970, với nhiệm vụ tập kích, đánh cảnh cáo tiêu hao. Nhưng do sân bay rộng, chó béc-giê canh gác cẩn mật, mục tiêu nhiều, khi được lệnh rút quân qua cửa mở, các chiến sĩ ta bị hai máy bay trực thăng Mỹ từ trên cao chiếu đèn pha, bắn đạn xối xả xuống. Cả 17 chiến sĩ tiểu đoàn đã chiến đấu quả cảm đến phút cuối cùng và anh dũng hy sinh trong đồn địch. (Tham luận Hội thảo“Chiến thắng Khâm Đức Ngok Ta Vat - Ý nghĩa và bài học lịch sử” của CCB Phạm Công Hưởng. Tài liệu tham khảo được khai thác từ Báo Quân đội nhân dân (năm bản); Tài liệu số 221 Thông tin về hố chôn 16 liệt sĩ đặc công 404; và một số thông tin điện tử (nguyên bản tiếng Anh) từ những trang web của các đơn vị pháo binh, trực thăng của Mỹ đã tham chiến tại Việt Nam).