Đường nhập khẩu thao túng thị trường

Vừa qua, báo Thời Nay đã có loạt ba bài viết liên quan việc nhập khẩu đường từ Thái-lan và Quyết định điều tra chống bán phá giá, Quyết định áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp tạm thời đối với mặt hàng đường mía nhập khẩu từ Thái-lan. Sau khi báo nêu, giờ đây đang có hiện tượng đường mía Thái-lan lẩn tránh đi qua các nước khác trong khối ASEAN nhập khẩu vào Việt Nam.

Người nông dân trồng mía gặp rất nhiều khó khăn.
Người nông dân trồng mía gặp rất nhiều khó khăn.

Đường nhập khẩu “tìm cách” lẩn tránh

Ngày 26-3-2021, Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam (KCP) đã có Văn bản số 263/KCP-VSSA gửi Hiệp hội Mía đường Việt Nam, phản ánh về thực trạng nhập khẩu đường mía có nguồn gốc từ Thái-lan. Trong đó, sau khi Bộ Công thương ra Quyết định 2466/QĐ-BCT ngày 21-9-2020 về việc Điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Vương quốc Thái-lan, lượng đường nhập về Việt Nam (bao gồm nhập từ Thái-lan và các nước ASEAN) tăng đột biến. Đến khi Bộ Công thương đã ra Quyết định 477/QĐ-BCT ngày 9-2-2021 về việc áp dụng thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp tạm thời đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái-lan, lượng đường nhập khẩu từ Thái-lan có giảm nhưng đường nhập khẩu từ các nước khác trong khối ASEAN vẫn không ngừng tăng. 

KCP đã cho rằng: “Mặc dù giá đường trong nước đã đạt mức nhất định nhưng việc tiêu thụ đường nội địa vẫn còn chậm. Có ba lý do như một lượng lớn đường đã nhập khẩu Việt Nam trước thời điểm áp thuế chống bán phá giá tạm thời; đường Thái-lan lẩn tránh đi qua các nước khác trong khối ASEAN nhập vào Việt Nam trước và sau khi áp thuế chống bán phá giá tạm thời; HFCS (đường được sản xuất từ chất tạo ngọt, không phải đường mía) tiếp tục nhập về Việt Nam thay thế đường mía trong các công ty sản xuất nước giải khát. Vì vậy, nhu cầu đường mía của các công ty sản xuất nước giải khát giảm rất nhiều và hầu như không mua đường nội địa”. 

Theo KCP, hiện tại, để nông dân giữ cây mía và phát triển thêm diện tích trồng mía, các nhà máy đường đã tăng giá cao nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, khối lượng đường nhập khẩu trước thời điểm áp thuế chống bán phá giá tạm thời và đường lẩn tránh đã tiếp tục ép giá, kìm giá khiến cho đường sản xuất trong nước không tiêu thụ được, gây thiệt hại nghiêm trọng cho doanh nghiệp trong nước vì không thể phục hồi được vùng nguyên liệu.

Trong khi đó, theo Báo cáo số 24/BCT-HHMĐ ngày 9-4-2021 của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, trong tháng 3-2021, đường có nguồn gốc nhập khẩu bao gồm chính ngạch và nhập lậu tiếp tục làm chủ thị trường. Một lượng lớn đường đã được các nhà nhập khẩu tìm mọi cách đưa về trước thời điểm Quyết định 477/QĐ-BCT có hiệu lực, cộng với khối lượng đường nhập khẩu gia tăng đột biến từ một số quốc gia ASEAN (Campuchia, Lào, Malaysia, Myanmar, Indonesia) đã hoàn toàn làm chủ thị trường nhờ ưu đãi thuế giá rẻ (thuế chỉ có 5%). Đường sản xuất từ mía của các nhà máy đang gặp khó khăn vì đã nâng giá mía lên cho nông dân khiến giá thành tăng, không tiêu thụ được trước sự cạnh tranh của các loại đường có nguồn gốc nhập khẩu. Cuối tháng 3-2021, các nhà máy đã có động thái giảm giá để có tiền thanh toán cho người nông dân nhưng thị trường hầu như bị các loại đường có nguồn gốc nhập khẩu phong tỏa. 

Số liệu của Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho thấy, đã có hiện tượng tăng đột biến lượng đường nhập khẩu Việt Nam (khoảng 142% so trước khi có quyết định điều tra) trong giai đoạn từ khi tiến hành điều tra đến khi áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp tạm thời đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ Thái-lan. Trong đó, tháng 2-2021 đã tiếp tục ghi nhận dấu hiệu lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp tạm thời đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ Thái-lan khi số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy tình trạng gia tăng mức độ bùng nổ trong nhập khẩu đường từ một số quốc gia ASEAN. Cụ thể, số liệu bình quân khối lượng nhập khẩu chín tháng trước khi có quyết định điều tra, như Campuchia là 867 tấn/tháng nhưng khối lượng bình quân năm tháng sau khi có quyết định điều tra là 19.292 tấn/tháng (tăng 223%); Lào là 751 tấn/tháng và thời điểm sau khi điều tra là 2.937 tấn/tháng (tăng 391%); Malaysia là 5.767 tấn/tháng và thời điểm sau khi điều tra là 14.186 tấn/tháng (tăng 246%); Myanmar là 1,6 tấn/tháng và thời điểm sau điều tra là 6,9 tấn/tháng (tăng 431%); Indonesia là 422 tấn/tháng và sau thời điểm điều tra là 2.825 tấn/tháng (tăng 669%). 

Thực tế, đây không phải là các quốc gia xuất khẩu đường đúng nghĩa, mà bản chất là các quốc gia nhập khẩu đường và đặc biệt là nhập khẩu đường từ Thái-lan với tỷ lệ lớn. Theo số liệu của tổ chức đường thế giới ISO, số liệu bình quân từ năm 2013 đến 2019 của năm quốc gia nêu trên đều có số lượng đường nhập khẩu từ Thái-lan lớn hơn lượng đường sản xuất trong nước. Như tại Campuchia đường sản xuất trong nước đạt 109.250 tấn/năm (chiếm 16%), tổng lượng đường nhập khẩu 683.812 tấn/năm (đường Thái-lan là 677.538 tấn/năm); Lào đường sản xuất trong nước là 122.750 tấn/năm, tổng lượng đường nhập khẩu 138.737 tấn (đường Thái-lan là 128.532 tấn/năm); Malaysia đường sản xuất trong nước là 6.250 tấn/năm, tổng đường nhập khẩu là 1.965.522 tấn/năm (đường Thái-lan 405.986 tấn/năm); Myanmar đường sản xuất trong nước là 310.000 tấn/năm, tổng lượng đường nhập khẩu 967.909 tấn/năm (đường Thái-lan là 469.900 tấn); Indonesia đường sản xuất trong nước là 2.363.881 tấn/năm, tổng đường nhập khẩu là 4.195.467 tấn (đường Thái-lan 2.484.488 tấn). Trong khi đó, theo số liệu báo cáo của Hải quan, vừa qua hoạt động nhập lậu đường trên tuyến biên giới Tây Nam với Campuchia, Lào tiếp tục gia tăng về số lượng với nhiều dấu hiệu bất thường. 

Trách nhiệm đối với người trồng mía

Công ty CP Tập đoàn Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC Sugar) luôn là đơn vị nhập khẩu đường lớn nhất, có thời điểm chiếm đến hơn hai phần ba lượng đường nhập khẩu. Về mối liên kết giữa doanh nghiệp này với người trồng mía, Hội người trồng mía Tây Ninh và người dân đã yêu cầu chi trả phần tiền chênh lệch đã ký kết hợp đồng giữa TTC Sugar với người trồng mía Tây Ninh từ vụ mía 2017 - 2018, 2018 - 2019 và 2019 - 2020. Ở đây, TTC Sugar đã có hiện tượng dùng tiền để “mua sự im lặng” của người trồng mía (?).

Ngày 16-4-2021, TTC Sugar đã có Công văn số 95/2021/CV-TTCBH phản hồi Văn bản số 006/03/HNTM của Hội người trồng mía Tây Ninh. Tại công văn này, TTC Sugar khẳng định không có việc thỏa thuận bồi thường thiệt hại cho nông dân vụ 2018 - 2019 là 100 nghìn đồng/tấn như trong Văn bản số 006/03/HNTM đã nêu. Đồng thời, TTC Sugar không liên quan và cũng không biết rõ về các chứng từ chuyển giao số tiền hơn 822,58 triệu đồng được đính kèm Văn bản số 006/03/HNTM.

Trước đó, Hội người trồng mía Tây Ninh đã có Văn bản 006/03/HNTM gửi UBND tỉnh Tây Ninh, các ban, ngành và TTC Sugar về việc hỗ trợ chênh lệch giá thu mua mía hai vụ 2018 - 2019, 2019 - 2020. Nội dung nêu rõ Hợp đồng vụ 2017 - 2018, 2018 - 2019, 2019 - 2020 giá thu mua mía (bảo hiểm) thấp nhất là 900 nghìn đồng/tấn/10CCS hỗ trợ tạp chất 3%. Nếu vượt 3% mới trừ vào trọng lượng mía. Đến thời điểm thu hoạch vụ 2017 - 2018, công ty thực hiện đúng hợp đồng với nông dân, từ vụ mía 2018 - 2019 thì công ty mua giá 700 nghìn đồng/tấn/10CCS, vụ mía 2019 - 2020 thu mua giá 750 nghìn đồng/tấn/10CCS và không hỗ trợ 3% tạp chất hai năm liền. Tất cả nông dân trồng mía lỗ rất nặng nên một số nông dân đã khởi kiện TTC Sugar. 

Trong thời gian gần nhất, có sáu hộ nông dân khởi kiện công ty với số tiền thu mua không đúng hợp đồng bị thiệt hại hơn 2,23 tỷ đồng. Qua các bước giải quyết của Tòa án nhân dân huyện Tân Châu và Tòa án tỉnh Tây Ninh, TTC Sugar đã thỏa thuận với luật sư đại diện ủy quyền của nông dân hỗ trợ thiệt hại cho nông dân năm 2018 - 2019 là 100 nghìn đồng/tấn. Ngày 11-1-2021, TTC Sugar đã chuyển giao số tiền hơn 822,58 triệu đồng cho luật sư chi trả cho nông dân. Từ lý do trên, hiện nay các hộ nông dân trồng mía còn lại chuẩn bị đồng loạt làm đơn khởi kiện tiếp. 

Để tìm hiểu rõ hơn về vụ việc nêu trên, chúng tôi đã liên hệ với ông Nguyễn Văn Triển, người đứng đầu danh sách khởi kiện TTC Sugar và được ông Triển xác nhận đã nhận được gần 395 triệu đồng doanh nghiệp chi trả. 

Như vậy phải chăng việc doanh nghiệp bỏ ra hơn 822,58 triệu đồng chi trả cho bốn hộ dân đi kiện (hai hộ tự thỏa thuận trước đó) để sau đó họ rút đơn kháng cáo, được Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh đình chỉ xét xử phúc thẩm, là một “cái bẫy” bằng tiền được giăng ra, TTC Sugar là người thắng kiện (?). Việc “gài bẫy” này đã được TTC Sugar thực hiện trong biên bản làm việc ngày 1-4-2019 với ông Nguyễn Văn Triển với nội dung: “Công ty đồng ý thực hiện chính sách trợ giá thu mua mía là 50 nghìn đồng/tấn (chi tiết Thông báo số 08/TM/18-19 về điều chỉnh chính sách thu mua mía vụ thu hoạch 2018 - 2019 được ban hành ngày 27-3-2019). Chủ mía đồng ý rút toàn bộ hồ sơ khiếu nại, khởi kiện đối với công ty liên quan đến hợp đồng 2016DT0568 ký ngày 9-12-2015 và các văn bản phát sinh liên quan...”.