Đứng dậy sau “bão”

Sau hai lần giãn cách do dịch Covid-19 cùng với bão lũ gần đây, cây gãy đổ, lá dứt cành tan tác cùng với đường phố vắng tanh người khiến cho hai thành phố du lịch Đà Nẵng, Hội An mất đi “sinh lực” của mình. 

Thuyền du lịch đã sẵn sàng đón khách.
Thuyền du lịch đã sẵn sàng đón khách.

Kỳ 2: Lao động du lịch “nhảy” đủ thứ việc

“Tui ở nhà, chung thủy”

Ở đường Lý Thường Kiệt, Hội An, người dân phố đã quen thuộc với tiếng rao khàn khàn của người bán bánh chưng và chả, là anh Vương Văn Trung. Anh đi chiếc xe Wave đỏ đã cũ, buộc thùng xốp bên trên, anh lòng vòng phố nhiều nhất vào buổi sáng và trưa. Trung kể: “Trước tôi làm khách sạn bên bờ biển Đà Nẵng, với phần việc bảo vệ, hướng dẫn chỗ đỗ xe, đôi khi vác đồ cho khách và thỉnh thoảng cũng nhận được một vài đô-la tiền típ”. Công việc chuyên môn chỉ vậy, suốt 10 năm, chuyển ba khách sạn từ nhỏ đến lớn, tiếng Anh bì bõm mấy câu. Giãn cách đợt đầu, Trung nằm trong số những người mất việc, anh đi phụ hồ cho một công trình xây dựng, công 300 nghìn đồng mỗi ngày. Trung nói: “Công việc tưởng dễ hóa ra không dễ, tay chân bảo vệ tưởng “cứng”, khi đi phụ hồ khuân gạch, kéo giàn giáo... lại “hóa mềm”. Không quen việc đã đành, đi lại trong công trường với tôi cũng khá lúng túng...”. Vợ Trung cũng mất việc do nhà hàng đóng cửa. Sau một tháng phụ hồ, Trung thấy mình không kham nổi nên nghỉ việc, đưa vợ con về xã Điện Dương Đông, thị xã Điện Bàn (Quảng Nam), gần nhà bố mẹ vợ, trọ cho rẻ. Theo tính toán của Trung, ở đây, vợ có thể có cơ hội đi làm công nhân, chồng đi bán bánh chưng, con theo học trường làng với học phí phải chăng.

Tiếng rao mà nhiều đêm bảo vệ khách sạn, giữa chập chờn thức và ngủ, văng vẳng vào tai, “bánh chưng đây, chả đây”, nay là nghề cứu cánh cho cuộc sống của Trung. Mỗi ngày bán suôn sẻ, Trung kiếm được khoảng 150 đến 170 nghìn đồng. Trung nói: “Tôi không muốn đi làm công nhân. Tôi vẫn mong du lịch sớm trở lại bình thường, vợ tiếp tục nghề đầu bếp, tui tiếp tục nghề bảo vệ”.

“Em dạy kèm tiếng Anh cho ba bé, mỗi buổi học khoảng hơn hai giờ, em được 240 nghìn đồng. Đây là khoản tiền em tiết kiệm được, gửi về cho ba mẹ ở quê” - A Lăng Thị Biên cho biết. Sau giãn cách lần một, từ quê nhà xã Kà Dăng (huyện Đông Giang, Quảng Nam), A Lăng Thị Biên về Hội An tìm việc làm trong nhà hàng hoặc khách sạn. Nhà hàng Tree Coconut bên bờ biển An Bàng (Hội An) nơi Biên làm trước đây đã không mở cửa trở lại. Biên tìm dọc phố phường, kiên nhẫn gõ cửa nhà hàng quốc tế còn mở cửa, xin việc. Nhưng ở đâu, Biên cũng nhận được cái lắc đầu. Thứ nhất họ nói không có khách, thứ nhì, đến nhân viên đã quen việc ở đây mà vẫn phải đành cho nghỉ. Chủ nhà hàng Goodmorning Việt Nam, số 11 Lê Lợi, Hội An, buồn rầu: “Chúng tôi cũng đã phải đưa ra những quyết định rất khó khăn, quá nửa nhân viên đã phải nghỉ việc. Mở hàng trở lại chưa được lâu, lại phải đóng cửa giãn cách. Bây giờ, chúng tôi vẫn chưa thể mở cửa kinh doanh”.

Không tìm được việc ở nhà hàng quốc tế, Biên làm việc cho một quán cà-phê với mức 10 nghìn đồng mỗi giờ. Với tấm bằng cử nhân tiếng Anh, đã có thâm niên làm việc trong những nhà hàng quốc tế ở Đà Nẵng, Hội An, khả năng nghe và nói tốt đến mức có thể nhận ra quốc tịch khách hàng khi trao đổi với họ. Biên đã được nhà hàng cử đứng đón khách, hỗ trợ nhân viên “yếu” tiếng Anh khi khách hàng order. Nhưng, Biên buồn rầu, trò chuyện: “Giãn cách lần hai, thật sự lao đao với em. Không việc làm. Tiền thuê trọ, tiền ăn vẫn phải chi phí, em đối mặt với nhiều khó khăn. Ngày ngày, em vẫn lên mạng tìm việc. Hết giãn cách, em đã tìm được công việc trong xưởng đóng giày ở Điện Bàn”.

Hiện tại, tấm bằng đại học đã được Biên cất kỹ, chờ thời gian trôi qua, khi hoạt động du lịch trở lại bình thường, cô sẽ có cơ hội mới. Hẹn gặp Biên tại một quán cà-phê vào buổi quá trưa sang chiều chủ nhật, Biên nhất định không uống nước vì sợ... tốn tiền.

Trong những ngày giãn cách đợt một và đợt hai, ba cha con nhà anh Nguyễn Văn Thường, ngụ đường Trần Nhân Tông, phường Cẩm Thanh (Hội An), gây sòng nhậu bên hiên nhà, đầu bếp là vợ và hai cô con dâu. Con đầu của Thường lái tàu du lịch trên sông Thu Bồn, con trai thứ hai chèo thuyền du lịch trong rừng dừa bảy mẫu. Anh Thường làm thợ đụng, nhìn vợ, anh nói: “Trước đây, du lịch đang làm ăn tốt, vợ chồng tui cãi lộn suốt luôn. Nguyên nhân, cổ ghen. Cứ có điện thoại là tui đi, về nhà tắm rửa, lăn ra ngủ”.

Sợ nghề mai một

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho biết, từ  cuối tháng 7, ngay khi xảy ra ca nhiễm Covid-19 đầu tiên của dịch đợt 2, toàn bộ ngành du lịch, dịch vụ Đà Nẵng đều bị “đóng băng”, khiến hơn 40 nghìn lao động bị ngừng việc, nghỉ việc, mất việc.

Ông Dũng cũng nhận định, các doanh nghiệp (DN) sẽ khởi động chương trình kích cầu du lịch lần hai với tính chất, mức độ, quy mô sẽ khác lần thứ nhất. Nhưng Đà Nẵng sẽ khó hơn các địa phương khác vì là điểm khởi phát dịch, thời gian thực hiện kích cầu trùng vào mùa mưa, bão. “Chúng tôi đang khởi động lại ngành du lịch, hiện nay tập trung vào du lịch an toàn, du lịch trải nghiệm, du lịch điểm đến nhưng vẫn chưa có kỳ vọng khách du lịch sẽ trở lại như cũ”, ông Dũng cho biết thêm.

Trong những ngày cuối năm này, buổi trưa, đường phố của thành phố du lịch Hội An, cảm giác như đang đi trong những ngày giãn cách Covid-19. Lý do, không nhiều phương tiện giao thông lưu chuyển, ít có người ngồi bên cửa hàng mặt phố. Nhiều phố có đặc điểm chung không mở hàng. Sau giãn cách lần đầu, tháng 4-2020, nhiều nhà hàng bán cho khách nước ngoài đã đóng cửa, hoặc chuyển đổi sang món ăn Việt Nam. Sau giãn cách lần hai và sau những cơn mưa bão, họ lại tiếp tục đóng cửa. Buổi tối, đi trên đường Trần Phú - con đường đầu tiên hình thành nên cảng thị rồi đến phố cổ với nhiều nhà gỗ một tầng, cảm giác như đi lạc. Ngày, còn có ít khách vãng lai, đêm về, phố Hội như một phố quê nhiều nhà không mở cửa, tối thui, hoang vắng. Sau các cơn bão dồn dập, những hàng cây đều bị gió bẻ cành, đèn lồng xác xơ. Những mảng xanh cho phố mát cũng đã trụi, tàn.

Toàn tỉnh Quảng Nam, hiện có 18 nghìn lao động làm việc trong ngành du lịch, trong đó thành phố Hội An có 17 nghìn người. Đến thời điểm hiện tại, hơn 90% lao động trong ngành du lịch tại thành phố Hội An đã nghỉ do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và bão lụt miền trung. Nỗi lo, hàng nghìn lao động ngành du lịch sẽ phải đào tạo lại sau khi hoạt động du lịch trở lại bình thường.  Bà Huỳnh Thị Minh - Chủ nhiệm câu lạc bộ Nhân Sự - Hiệp hội du lịch Quảng Nam cho biết: “Mặc dù, chủ đầu tư rất muốn giữ chân người lao động. Nhưng tình hình khó khăn hiện nay nên đành chấp nhận để người lao động ra đi”.

Nhân sự được giữ lại trong ngành du lịch là bảo vệ, lễ tân nhưng cũng phải chia ca làm việc. Nỗi lo nhân sự nghỉ dài ngày sẽ mang đến nhiều khó khăn cho DN, bởi nghề nào cũng vậy phải quen nghề, kỹ năng chuyên môn và nhất là ngoại ngữ. Nghỉ lâu, chuyên môn của nhiều người sẽ quên mất và khi hoạt động trở lại sẽ khá lúng túng.

(Còn nữa)

Công việc của anh Thường là đụng gì làm đó. Khi một villa cần cải tạo vườn, một khách sạn cần sắp xếp lại cây kiểng, một homestay tắc cống nhà vệ sinh, một ban-công khách sạn cần thay bóng điện, một cái cây đổ rạp chắn lối đi vào nhà nghỉ, khách uống rượu say đập vỡ kiếng phòng... Cứ có cuộc gọi là anh lên đường, bất kể ngày hay đêm. Nhưng nay, anh Thường đếm ngón tay: “Chín tháng ròng, không công việc chi. Tui ở nhà, chung thủy”.