Đủ chỗ cho tất cả

Sắp vào hè, TP Hồ Chí Minh nắng sớm. Mới tầm 7 giờ sáng đã chói chang, mồ hôi cứ vậy túa ra khắp mặt, đẫm luôn lưng áo. Ở góc chợ Thanh Đa (quận Bình Thạnh), người đàn ông da rám nắng Nguyễn Văn Triết vẫn ngồi đón nắng, miệng cười tươi bán mấy món ngon vừa đem từ quê nhà Tiền Giang lên. Gần 10 năm, người đàn ông kiếm sống ở Sài Gòn, đủ nuôi cả nhà. Nhiều người nói “Ở Sài Gòn cứ chịu khó làm lụng thì đâu có đói”. 

Gần 10 năm nay, ngày nào ông Triết (ngoài cùng, bên trái) cũng ngồi ở góc chợ này bán những món ngon quê nhà cho thực khách.
Gần 10 năm nay, ngày nào ông Triết (ngoài cùng, bên trái) cũng ngồi ở góc chợ này bán những món ngon quê nhà cho thực khách.

Thành phố nuôi cả nhà tui!

Khách quen tạt xe vào hỏi “Nay có gì ngon nè?”, ông Triết tạm ngưng gọt củ năng, chạy ra mở thùng đá khoe, giọng như được ai tặng quà: “Nhiều món ngon lắm nhen! Cá linh, cá lóc, cá trạch đồng, rồi tép bạc nữa, mỗi thứ một ít. Mấy mớ này toàn đồ tươi mới kéo lên, làm sạch là gửi nhà xe. Trái cây cũng ngon mà rẻ hơn hồi Tết. Ăn gì tui lựa cho”. Bên trong chiếc thùng xốp nhỏ xíu, mấy túi cá tôm được xếp ngay ngắn trên lớp đá lạnh. Ông Triết nói, số cá tôm này do em trai ở quê đi lưới và mua thêm của hàng xóm mỗi ngày. Vợ ông phụ trách khâu làm sạch thủy sản, chia túi nhỏ để khách dễ mua. Còn trái cây thì đủ loại. Phần vườn nhà, phần mua mấy vựa quen. “Ngon tui mới lấy, phải chọn từng trái chứ không mua vì rẻ. Mình bán ngon, lời ít một chút nhưng khách thương tới hoài, mua hoài”, người đàn ông gần 50 tuổi chia sẻ.

Vú sữa, mãng cầu, củ lùn, hạt sen, táo hồng… mùa nào thức nấy. Gần Tết sạp thêm mấy món khô cá đồng tự làm. Sáng bán chợ Thanh Đa, chiều còn bao nhiêu hàng, ông Triết lụi cụi chở hết về chợ công nhân tại TP Thủ Đức bán với giá rẻ hơn. Giá rẻ hơn nhưng không vì vậy mà chất lượng kém đi. Với ông Triết, một trái táo nhỏ bỏ vào bịch đưa cho khách cũng phải tươi, ngon, còn không ông cất hết trong thùng, đem về nhà ăn. Có hôm xe chở hàng hư dọc đường, lên tới nơi cá tôm hết tươi, ông mếu máo nhưng cũng bấm bụng kho hết, cất tủ lạnh ăn dần chớ nhất định không bán.

Ông Triết bán chính trên Sài Gòn còn anh em, vợ con dưới quê phụ đi thu mua trái cây, thủy sản miệt vườn gửi xe lên. Bao nhiêu người tới rủ bán thêm đồ giá rẻ, ông từ chối liền, bởi “Người Sài Gòn sành ăn lắm, họ chịu bỏ nhiều tiền để mua đồ ngon thì không cớ gì mình tham rẻ rồi mất khách. Cái sạp nhỏ này là nguồn sống của cả nhà, tui đâu dám liều”. Có lần ông Triết bảo làm biếng, về quê mấy tháng, là nhà thiếu trước hụt sau. “Thành phố này thương mình, cưu mang cả gia đình tui”, ông Triết nói về thành phố mình đang sống.

Nhìn lại hơn 10 năm vào thành phố Hồ Chí Minh sinh sống, chị Trần Thị Thảo mỉm cười mãn nguyện. Quê chị Hà Tĩnh, nhà nghèo và chẳng có đất để trồng cây, làm ruộng. 20 tuổi, chị quyết định một mình vào thành phố Hồ Chí Minh làm công nhân. Chắt chiu từng chút một, tháng lương bao giờ cũng chia thành gần chục khoản, phần nhà trọ, ăn uống, phần gửi về nhà phụ mẹ cha, phần học phí cho em trai, phần đi học thêm buổi tối. Rồi chị nên duyên với một anh công nhân cùng xưởng, giờ đã là mẹ của hai bé gái đáng yêu. Chị nói, TP Hồ Chí Minh là đất lành, ai tới cũng thấy bình an để rồi cứ vậy mà cố gắng sống tốt hơn mỗi ngày.

Từng ở phòng trọ chưa tới 10 m2 với ba bạn nữ khác, ngày được dọn về căn hộ chung cư trả góp, chị Thảo ôm chồng, ứa nước mắt. “Mình nhớ như in cảm giác đó dù đã mấy năm rồi. Nếu không vào Sài Gòn làm ăn, học hành, chắc giờ mình vẫn đi làm thuê chứ nói gì đến chồng con, nhà cửa. Nhớ lúc ba mẹ mình ốm, cả xóm cho mượn tiền để ông bà đi viện, xúc động không nói nên lời, cứ ngồi vậy mà khóc. Có tháng chậm lương, cô chủ trọ cho nợ cả tiền nhà, tiền điện nước, anh bán rau cho nợ luôn. Mình không quên được cảm giác đi mượn gạo hàng xóm hoặc xin miếng nước mắm, trái ớt, quả chanh, khăng khít lắm. Họ không sợ tụi mình xù nợ nên ơn đó mình nhớ hoài. Bạn bè mình nhiều người lo làm ăn, tiết kiệm giờ cũng mua đất, mua nhà, mừng lắm. Con cái cũng được đi học đàng hoàng. Với mình, Sài Gòn là quê hương thứ hai, là chỗ ân tình”, chị Thảo xúc động.

Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh lạ lắm! Chật chội bởi người đông đúc nhưng lúc nào cũng ấm áp, bao dung, không bắt chẹt ai như thế.

Sống để thương nhau

Mắc bệnh thần kinh, lúc nhớ lúc quên, 50 tuổi, ông Tám vẫn độc thân, sống cùng với hai chị em ruột trong căn nhà trống hoác, nghèo xác xơ. Cả xóm gọi ông là “Tám tưng”. Chọc ghẹo vậy thôi chớ người ta thương ông lắm. Bữa nào nấu cơm từ thiện hay có món ngon, họ gọi điện thoại ông qua lấy hoặc đem đến tận nhà. Tủ lạnh, ti vi, bàn ghế trong nhà cũng là đồ hàng xóm tặng. Trước kia, ông Tám làm “thợ đụng”, sống nhờ tình thương của láng giềng. Nhà nào có việc cần phụ là tới gõ cửa, gọi “Tám ơi!”. Ông chậm chạp nhưng hay cười, lành tính nên hay được bồi dưỡng thêm tiền công.

Cách đây không lâu, có người tặng chiếc xe ba gác cũ, Tám tưng vui lắm. Ông dùng sơn đỏ ghi số điện thoại của mình hai bên hông, ngồi hẳn trên xe đợi khách đặt chở hàng. Chị Nở, khách hay đặt xe của ông Tám vui vẻ nói: “Ổng không biết đường, mình đặt xe là phải đi xe máy kè kè theo chỉ đường. Thấy thương lắm, chưa bao giờ đòi hỏi, ai đưa bao nhiêu tiền cũng cười, cảm ơn rối rít. Tưng tửng vậy mà phải làm lụng nuôi chị em trong nhà nên mình có hàng là kiểu gì cũng nhờ ông Tám chở để phụ thêm ít tiền cơm, tiền nước cho mấy chị em. Mình chịu khó chút mà giúp được người ta, cũng đáng”.

Dịp Tết vừa rồi, khách mua hoa trong khu phố liên tục gọi điện nhờ ông Tám chở về. Cầm hơn một triệu đồng tiền công trong ngày, tự dưng ông Tám khóc quá khiến nhiều người lo lắng, chạy tới hỏi han. “Chưa bao giờ tui cầm được tờ 500 nghìn đồng mà giờ có tới hai tờ, tui mừng quá. Tui biết tui không bình thường, chậm chạp, không nhớ được nhiều, may mà bà con thương nên giúp đỡ, chỉ dạy. Tui chở hàng kỹ lắm, sợ bể hư của người ta không có tiền đền. Có tiền rồi tui sẽ mua thêm mì tôm, nước mắm với gạo cất ăn dần. Chạy xe ba gác nắng nôi đen thui hết da nhưng vui lắm, được đi đến nhiều nhà”, ông Tám hớn hở như trẻ con.

TP Hồ Chí Minh mười mấy năm nay cũng là nơi nương tựa của bà Trần Thị Mai và các con. Ngày hay tin con gái đầu lòng đậu đại học, bà Mai dặn chồng ở lại Quảng Nam lo cho con trai mới lên lớp 10, còn mình khăn gói vào mảnh đất này. Bà bán vé số dạo khắp Sài Gòn nuôi con bốn năm đại học. Đứa lớn ra trường thì nuôi đứa nhỏ. Tưởng mọi thứ êm xuôi nào ngờ chồng bà bạo bệnh, phải chuyển vào TP Hồ Chí Minh điều trị, bao nhiêu tiền tiết kiệm cứ vậy ra đi. Cả gia đình bốn người đùm bọc nhau trong căn phòng trọ chưa tới 20 m2 bên quận Tân Bình. Thời gian đó, hàng xóm giúp đỡ đủ đường. Người tặng thêm thức ăn, người chỉ thầy hay, thuốc tốt, người động viên, cho mượn tiền… Chồng mất, bà đưa ông về quê chôn cất, chuẩn bị vào lại Sài Gòn chăm cháu thì phát hiện mình bị ung thư. Nước mắt chảy dài trong tiếng nấc nghẹn.

Vào đây, bà đến viện điều trị theo lịch, lúc khỏe nhận thêm việc về nhà làm. Hai con xót mẹ cứ bắt nằm nhà nghỉ ngơi nhưng người già ở không lại buồn. “Rồi tôi tham gia câu lạc bộ ngoài công viên với mấy bà bạn già trong xóm. Sáng sớm gọi nhau tập thể dục, cùng đi ăn sáng, chia sẻ nhau cách chăm sóc bản thân. Có lần tôi nằm viện, mấy bà mua trái cây, bánh sữa vào thăm, hỏi han đủ chuyện như chị em trong nhà. Sài Gòn nuôi hai con tôi ăn học đàng hoàng, giờ còn cho tôi nhiều bạn bè khi tuổi xế chiều, tôi biết ơn lắm. Chỉ mong mau khỏe để bế bồng cháu”, bà Mai cười tươi, lấy tay xoa xoa mái tóc lưa thưa, lấm tấm bạc.

Nhiều người hay nói vui, Sài Gòn như nồi lẩu, cái gì cũng có, lúc nào cũng ấm nồng. Ở Sài Gòn, chẳng cần quen biết người ta sẵn sàng giúp nhau, không hề vụ lợi. Cứ gõ cơm “0 đồng”, cháo hai ngàn, nước uống, xe ôm miễn phí, thậm chí chữa bệnh, dạy học, chỗ trọ miễn phí tại Sài Gòn trên Google là thấy “hà rầm”. Ở thành phố này nhiều thứ miễn phí để người nghèo nhất cũng không thấy mình quá đơn côi. Bởi vậy, Sài Gòn dễ thương, dễ sống nhưng nếu xa thì rất khó quên.