Cứu hộ rùa Côn Đảo

Không phải ngẫu nhiên mà rùa Côn Đảo lại hấp dẫn như thế. Tình nguyện viên có thể ở Côn Đảo một tuần, một tháng, hoặc vài tháng. Nhưng có những người dành cả cuộc đời vì sự phát triển bền vững ở hòn đảo nhỏ này.

Lực lượng kiểm lâm làm công tác cứu hộ rùa biển tại Côn Đảo.
Lực lượng kiểm lâm làm công tác cứu hộ rùa biển tại Côn Đảo.

Kỳ 2: Cần cả cuộc đời

(Tiếp theo và hết)

Vượt qua lòng tham

Cảm hứng du lịch Côn Đảo của tôi xuất phát từ một chàng trai trẻ mà tôi có dịp gặp năm 2016 - Ao Hoàng Sáng. Khi đó Sáng còn là một nhân viên kiểm lâm cơ động, thường xuyên có mặt ở các điểm nóng về bảo tồn. Sáng trẻ (sinh năm 1990) nhưng thay vì chọn phố thị, cậu quyết định ở lại đảo và gắn liền cuộc đời mình với công việc bảo tồn. Ánh mắt sáng, khỏe mạnh, hiền lành, mấy ai nghĩ anh lại chọn công việc khó khăn này. Vậy nhưng cậu đã chọn gắn bó với đảo, với rùa nhiều năm qua.

Gặp tôi năm 2016, trong chuyến tham gia làm tình nguyện viên đầu tiên, Sáng dẫn tôi đi một hành trình ai cũng mơ ước: lội ra giữa biển, bơi qua rạn san hô, rồi vòng đường rừng để trở về trạm kiểm lâm. Sáng hào hứng kể về các loài động vật mà anh theo dõi, về những đêm cùng đồng đội xoay xở với những rùa mẹ gặp khó khi lên bờ đẻ, về những lần “lựa lời thuyết phục” các ngư dân không làm hại hệ sinh thái biển, không bắt rùa. Cái khó nhất là vượt qua chính mình, không bị cám dỗ bởi đời sống của anh em kiểm lâm khi đó còn rất khó khăn.

“Hồi trước, khi còn lộn xộn, mỗi quả trứng bán ra thị trường cả trăm nghìn đồng, một ổ trứng trăm quả đã đem lại một nguồn thu không nhỏ. Nếu có chút lòng tham, chỉ quay lưng đi là đã có tiền. Nhưng khó khăn từ thuở ban đầu ở các trạm bọn em còn vượt qua được thì cớ gì phải đi làm chuyện đó”, Sáng tâm sự. Chàng trai trẻ không nói nhiều về công việc. Sáng khẳng định, tôi có ở đây cả tháng cũng không thể đi hết Côn Đảo. Những người hằng ngày đi tuần như anh em kiểm lâm cũng mới chỉ đi được một phần biển, một phần núi. Có rất nhiều rạn san hô, loài động vật, những đỉnh núi, hang động mà phải có sức khỏe, thiết bị, thời gian… mới đi được.

“Nếu anh tìm hiểu rồi thì chắc biết, rừng ngập mặn ở đây có khoảng 31 ha. Để đi hết anh phải qua các hòn hay đi khu Bắc Đảo. Các rạn san hô thì thuộc loại cổ xưa nhất ở Việt Nam, diện tích cả nghìn ha. Nếu biết lặn bình hơi, anh sẽ thấy không đâu đẹp như nơi đây. Sắp tới, khi con đường bao Côn Sơn hoàn thành, anh sẽ có cơ hội hiểu hệ sinh thái Côn Đảo tuyệt vời đến mức nào”.

Trông rùa có vất vả không, còn tùy theo khái niệm của mỗi người. Nhưng có đi theo hành trình những chú rùa mới thấy, lực lượng kiểm lâm Côn Đảo thật sự vất vả. Mùa rùa đẻ cao điểm từ tháng 5 đến tháng 9 hằng năm. Đó là lúc họ phải làm việc liên tục từ khoảng 9 giờ tối cho đến 5 giờ sáng (chưa kể còn phải dọn dẹp bãi biển, dọn ổ rùa con đã nở và đem chúng thả về biển). Chính vì vậy, sự tham dự của các tình nguyện viên là chia sẻ công việc với kiểm lâm chứ không đơn thuần là chứng kiến và tuyên truyền đến cộng đồng.

Từ bỏ ý thức coi rùa là… món ăn

Trương Ái Vân, cô giám đốc trẻ của Côn Đảo Travel, ra trường năm 2003 với tấm bằng trung cấp du lịch. Sau 10 năm trải qua các công việc làm quen, học hỏi, đặc biệt là gần tám năm làm ở Phòng Du lịch sinh thái và Giáo dục môi trường Vườn quốc gia Côn Đảo, năm 2013 Vân quyết định ra làm riêng với mục tiêu trở thành người dẫn du lịch sinh thái chuyên nghiệp tại đây.

“Khoảng thời gian đầu thật sự khó khăn. Khách đến Côn Đảo chủ yếu là du lịch tâm linh mà lĩnh vực này thì có quá nhiều người làm và cũng không đòi hỏi hướng dẫn có trình độ quá cao. Việc lựa chọn du lịch sinh thái đối với tôi trong khoảng ba năm đầu là rất khó khăn. Khi đó khách chủ yếu là người nước ngoài và không quá đông như bây giờ. Ý thức về bảo vệ sinh thái, đặc biệt là động vật của họ rất cao nên khi biết có tour như vậy, họ tham gia rất nghiêm túc. Điều đó giúp cho công việc của tôi trở nên nhàn hơn, đồng thời học hỏi thêm rất nhiều”, Vân chia sẻ.

Công việc của cô gái này trở nên thuận lợi hơn khi IUCN chính thức triển khai chương trình Tình nguyện viên cứu hộ rùa từ 2015. Thực tế thì khách Việt Nam đã bắt đầu chú ý đến công việc của kiểm lâm khi đó, đặc biệt là việc xem rùa đẻ và thả rùa con về biển. Tuy nhiên, nói về ý thức thì trong đầu phần lớn khách vẫn nghĩ đến món ăn.

“Điều đó thật sự khiến tôi cảm thấy tệ hại. Nhóm những người làm hướng dẫn chúng tôi đã phải hành động rất nhiều để thay đổi suy nghĩ của khách từ khi mới tiếp xúc. Từ việc trao đổi khi khách đặt tour, đánh động khách khi lưu ý lái cano thả neo cẩn thận tránh hại đến rạn san hô, cảnh báo các trường hợp đã bị xử lý vì ăn trứng rùa, chủ động nhặt rác ngay khi khách xả ra… Có người hiểu nhưng cũng có người không quan tâm lắm vì cho rằng, đó là việc của cơ quan chức năng. Việc của họ là tiêu tiền và được phục vụ”.

Cho đến khoảng năm 2015, khi báo chí bắt đầu tuyên truyền về các hoạt động bảo vệ rùa biển, và đặc biệt là các đợt tình nguyện viên ra cùng đỡ đẻ cho rùa với kiểm lâm được triển khai, những người như Vân mới thật sự có đất dụng võ. Cô khẳng định: “IUCN rất đúng khi nhắm vào tầng lớp trí thức trẻ. Các bạn từ khoảng 18 tuổi trở lên hiện tại có ý thức rất tốt. Họ nhiệt tình và lăn xả vào công việc dù ở nhà có thể không nấu nổi bữa cơm. Họ có nhiều hoạt động tuyên truyền mà thế hệ lớn tuổi không có được. Đặc biệt, họ tạo dựng được những nhóm, cộng đồng để cùng nhau chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm bảo vệ sinh thái. Nếu không được tuyển làm tình nguyện viên, nhiều người sẵn sàng bỏ tiền mua tour để được trải nghiệm, ghi hình và chia sẻ với cộng đồng”.

Với kinh nghiệm cả về du lịch lẫn bảo vệ sinh thái, Vân đang dẫn dắt Côn Đảo Travel trở thành một trong những doanh nghiệp đông khách tại huyện đảo. Cô khẳng định, du lịch sinh thái, đó là tương lai của Côn Đảo, là cách duy nhất bảo vệ mảnh đất thiêng này không bị tàn phá bởi sự phát triển quá nóng của du lịch nghỉ dưỡng.

Tôi vừa có hẹn với Sáng một chuyến thăm đảo vào ngày thông đường để chứng kiến sự đổi thay mạnh mẽ của huyện đảo. Một con đường mới chạy quanh đảo nối các bãi biển vốn chỉ có kiểm lâm canh rùa mỗi đêm. Con đường đó sẽ đem lại cho những người yêu sinh thái, động vật cơ hội được trải nghiệm những điều chưa từng có ở bất cứ khu du lịch nào tại Việt Nam, từ đó thay đổi hoàn toàn khái niệm về du lịch. Sáng khẳng định, sẽ không có xây dựng lộn xộn, ồn ào, rác thải bừa bãi. Những điểm đến đó sẽ được bảo vệ bởi chính sách, bởi những con người đang quyết tâm biến Côn Đảo trở thành “Thành trì sinh thái của Việt Nam”.

Bạn nghĩ mình sẽ tốn bao nhiêu thời gian để trải nghiệm Côn Đảo? Câu trả lời mà tôi thường xuyên nhận được từ bạn bè là một, hai ngày. Nhưng có cùng trải nghiệm với những chú rùa, cùng đắm mình trong Côn Đảo với những người như Sáng, như Vân, tôi hiểu Côn Đảo cần nhiều thời gian hơn để thấm thía.

Theo thống kê, có tới 1.077 loài thực vật rừng, 160 loài động vật rừng và 1.725 loài sinh vật biển tồn tại ở huyện đảo nhỏ bé này. Năm 2014, một phần Vườn quốc gia Côn Đảo được Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) trao tặng danh hiệu khu Ramsar thứ 2203 của thế giới - khu vực đất ngập nước quan trọng quốc tế thứ sáu của Việt Nam và là khu Ramsar biển đảo đầu tiên của Việt Nam.