Cùng chung tay thắp sáng ước mơ

Không chỉ đỡ đầu mà nhiều đồn biên phòng ở Nghệ An còn nhận những em có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt làm con nuôi. Hằng ngày, ngoài giờ lên lớp, đưa đi đón về,  các em còn được bộ đội kèm học, rèn luyện thân thể… 

Theo dõi, kèm cặp hai con nuôi học bài.
Theo dõi, kèm cặp hai con nuôi học bài.

Kỳ 2: Những đứa con nuôi đặc biệt

(Tiếp theo & hết)

“Thiếu sinh quân” thời nay

Đều sinh năm 2008, hai cậu bé Lo Văn Diệu và Xeo Văn Điệp người dân tộc Khơ Mú sống tại xã Keng Đu - xã nghèo nhất của huyện 30a Kỳ Sơn. Em Diệu ở bản Huối Phuốn 1, mồ côi bố, mẹ lấy chồng khác, đi làm ăn xa. Em ở với ông nội, bố của bố dượng. Còn em Điệp ở bản Huồi Lê, bố mẹ ly hôn và đi khỏi địa bàn từ năm 2016. Em ở với bà nội đã già yếu thuộc diện hộ nghèo. Đầu tháng 9-2019, đồn Biên phòng Keng Đu phối hợp địa phương và gia đình đón hai em về đồn nuôi dưỡng, cuộc sống các em đã sang trang mới.

Đại úy Hà Huy Thành, Chính trị viên đồn Keng Đu cho biết: Ở đồn, hai “con” đã có một gia đình thật sự đúng nghĩa. Với tấm lòng người bố, người mẹ, các cán bộ, chiến sĩ đã chăm lo cho các em chu đáo từ bữa ăn, giấc ngủ đến kèm cặp, hướng dẫn học tập. Hai “con” được bố trí chỗ ăn ở, sinh hoạt phù hợp, chu đáo, có góc học tập riêng, có các đồ dùng và phương tiện sinh hoạt cần thiết. Mặc dù các cán bộ, chiến sĩ ở đồn đều trở thành “bố mẹ”, nhưng có phân công cán bộ trực tiếp đỡ đầu, kèm cặp, giáo dục và chăm sóc hai “con”... Hằng ngày, ngoài giờ học, các con cùng sinh hoạt với bộ đội, từ báo thức, vệ sinh cá nhân, thể dục sáng, chơi thể thao chiều rồi đi ngủ; tất cả đều sinh hoạt theo giờ giấc của đồn. Lúc đầu, mới về, lo các con không ở được, đồn phải cắt cử các đoàn viên thanh niên cùng làm bạn để động viên. Chính trị viên đồn Keng Đu trải lòng: Hầu hết, cán bộ, sĩ quan ở đồn đều đã có gia đình và ít nhiều có kinh nghiệm nuôi dạy con, nhưng lần đầu nhận con nuôi, nhất là các cháu là người dân tộc thiểu số nên có những bỡ ngỡ và khó khăn nhất định. Từng bước, các cán bộ, chiến sĩ gặp gỡ, động viên, rồi quan tâm đến tâm tư, đến các sinh hoạt, hoạt động của các con. Khi về nhà với vợ con, mọi người còn quan tâm, gọi lên đồn, xem hôm nay các con sinh hoạt như thế nào.

Nhờ vậy, các cháu thay đổi trông thấy từ sinh hoạt đến học tập. Khi mới về đồn, các cháu nhìn mọi người với ánh mắt e dè, nay bố - con đã gần gũi, cởi mở trong sinh hoạt. Các cháu cũng quen dần nền nếp sinh hoạt, ăn ngủ đúng giờ, quen dần kỷ luật “sắt” quân đội, biết chào hỏi, vui vẻ. Giờ đây, bước vào năm thứ hai ăn ở, sinh hoạt tại đồn, các em đã dần trở thành các “thiếu sinh quân”, lớn lên trông thấy, lễ phép đi thưa về chào, biết vệ sinh cá nhân, tự giặt quần áo và gấp chăn màn gọn gàng, vuông thành, sắc cạnh kiểu bộ đội. Các em còn học hành tấn tới. Em Lo Văn Diệu trở thành học sinh Cháu ngoan Bác Hồ huyện Kỳ Sơn. Diệu sung sướng cho biết: “Ở đây, chúng cháu được các bố yêu thương, lại được ăn ngon, mặc đẹp và được học nhiều điều hay”. 

Chung niềm vui được làm con nuôi đồn biên phòng còn có Già Bá Thông (sinh năm 2010), ở bản Nhọt Lợt; Kha Ngọc Chuyền (sinh năm 2009) ở bản Xốp Tụ, đều thuộc xã Mỹ Lý (Kỳ Sơn). Gia đình các em rất nghèo, đặc biệt khó khăn. Nếu không được nhận làm con nuôi của Đồn Biên phòng Mỹ Lý chắc hẳn các em sẽ phải nghỉ học, sớm trở thành “lao động chính” trong gia đình với công việc nương rẫy... Đại úy, Chính trị viên phó đồn Mỹ Lý Nguyễn Xuân Sơn cho biết: Ban đầu mới về đồn, các cháu cứ khóc đòi trở về nhà, mọi người phải thay nhau dỗ dành và cuối tuần cho các cháu về thăm nhà. Sau các cháu quen dần không đòi về nữa. Đồn cử hẳn cán bộ chở các cháu đi học và phối hợp giáo viên để kèm ôn bài buổi tối. Việc học của các cháu nâng lên rõ rệt. Cháu Chuyền trở thành học sinh giỏi. Các cháu cũng dần bỏ thói quen (do tập quán) ăn bằng thìa và chan nước vào cơm, nay đã ăn bằng đũa và khi ăn cơm không còn chan nước nữa. Già Bá Thông còn được cán bộ, chiến sĩ cho làm quen với máy vi tính.

Sau một thời gian trở thành con nuôi đồn biên phòng, các em đã mạnh dạn, tự tin hơn trong giao tiếp và cuộc sống. Đặc biệt các em đã chăm ngoan, học giỏi. Em Thò Bá Xa, người dân tộc H’Mông là một thí dụ. Cô La Thị Hà, giáo viên chủ nhiệm lớp 6B Trường dân tộc bán trú tiểu học và THCS Nậm Càn (Kỳ Sơn) cho biết: Xa là một trong hai con nuôi của Đồn Biên phòng Nậm Càn, ban đầu rụt rè trong giao tiếp, lực học trung bình yếu. Nay Xa đã thay đổi hẳn, trở thành một trong hai học sinh giỏi toàn diện của trường. Là lớp trưởng gương mẫu, Xa còn tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa và rất mạnh dạn trong giao tiếp.

Ấm thêm tình quân dân

Đại tá, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Nghệ An Trần Hải Bình cho biết: Mô hình “Con nuôi đồn biên phòng” được BĐBP Nghệ An phát triển từ chương trình “Nâng bước em đến trường” từ hơn hai năm lại nay. Trong quá trình nhận đỡ đầu, BĐBP Nghệ An nhận thấy, việc giúp đỡ các em về mặt vật chất là chưa đủ mà cần phải thường xuyên có sự chăm sóc, kèm cặp các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhất là những em mồ côi cả bố, lẫn mẹ hoặc mồ côi bố hay mẹ… Năm 2018, Bộ Chỉ huy BĐBP Nghệ An triển khai thí điểm đón hai em mồ côi được đỡ đầu theo chương trình “Nâng bước em đến trường” về nuôi tại Đồn Biên phòng Mường Ải để các em có điều kiện sinh hoạt và học tập tốt hơn, được các “bố” nuôi trực tiếp theo dõi, hướng dẫn, giáo dục. Trên cơ sở hiệu quả từ việc triển khai thí điểm, năm 2019, BĐBP Nghệ An đã triển khai  đồng loạt mô hình này. Hiện nay bảy đồn biên phòng trên tuyến biên giới đất liền đã nhận nuôi 17 em, trong đó có 12 em nuôi trực tiếp ở các đơn vị và năm em nuôi tại gia đình; có 16 em nam và một em nữ; bảy em người dân tộc H’Mông, bốn em người dân tộc Đan Lai; ba em người dân tộc Thái và ba em người Khơ Mú. Có 13 em học tiểu học, bốn em học THCS. Kết thúc năm học 2019 - 2020, có em đạt học sinh giỏi, bảy em học khá. Ngoài ra, chỉ sau một thời gian ngắn về đồn, các em đã cải thiện được sức khỏe, phần lớn các em đều tăng cân trông thấy. Trong năm đầu tiên triển khai đại trà, một số đồn chưa đủ điều kiện nuôi các em thì đóng góp kinh phí cho các đồn khác nuôi.

Mỗi đồn biên phòng có một điều kiện và hoàn cảnh, nên có cách nhận và nuôi con cũng khác nhau. Đồn Biên phòng Môn Sơn (huyện Con Cuông) nhận nuôi bốn em người Đan Lai ở bản Cò Phạt và bản Búng. Do đồn cách xa các bản này hơn 20 km, đi lại rất khó khăn, đơn vị đã tổ chức nuôi tại gia đình. Ngoài cung cấp lương thực, quần áo, sách vở, định kỳ, đồn cử bốn cán bộ tại Trạm kiểm soát Khe Khắng (ở điểm Cò Phạt) đến từng nhà để hướng dẫn các em học tập, chỉ cách ăn ở, sinh hoạt sạch sẽ, chào hỏi lễ phép… Một số đồn ở cách xa trường học, hằng ngày các em được đưa đi đón về. Thậm chí có đồn cán bộ, sĩ quan đã tình nguyện làm “bố” chăm sóc “con” từng ly từng tý như con ruột của mình. 

Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn Vi Hòe khẳng định: Cùng với hoạt động giúp đỡ người dân vùng biên phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh chính trị xã hội, thì hoạt động nhận con nuôi, đỡ đầu cho các cháu học sinh, khuyến học của các đồn biên phòng góp phần nâng cao dân trí, tăng cường tình đoàn kết gắn bó máu thịt giữa BĐBP Nghệ An với đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới, xây dựng nền biên phòng toàn dân vững chắc.

Việc nhận con nuôi của các đồn biên phòng trên tuyến biên giới Nghệ An - Lào đã và đang nhận được niềm tin của người thân, người dân vùng biên giới. Bà Xồng Y Dí, mẹ của Thò Bá Xa (con nuôi Đồn Biên phòng Nậm Càn) xúc động: “Con được ăn, ở trong môi trường quân đội, được sự quan tâm bày, dạy của cán bộ đồn nên gia đình rất yên tâm. Hằng ngày, ngoài giờ học, hai con lại theo các chú ra vườn tăng gia sản xuất, luyện tập thể dục thể thao… Không chỉ học tập tiến bộ mà con còn lễ phép, tự tin và lớn lên trông thấy. Mong sao lớn lên con cũng là BĐBP”.