Cùng chung tay thắp sáng ước mơ

Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Nghệ An cùng các cơ quan và nhà hảo tâm đang mở rộng vòng tay nhận đỡ đầu giúp đỡ các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở hai tuyến biên giới viết tiếp giấc mơ đến trường. 

Cán bộ, phóng viên Đài PTTH Nghệ An hỗ trợ cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở Huồi Tụ.
Cán bộ, phóng viên Đài PTTH Nghệ An hỗ trợ cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở Huồi Tụ.

Kỳ 1: Nâng bước đến trường

Có những em người dân tộc thiểu số, tộc rất ít người ở vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn tưởng chừng con đường đến trường sẽ dang dở…

Những giấc mơ nở hoa

Em Lê Thị Tâm Như (sinh năm 2009), người dân tộc Thổ ở bản Phồng, xã Tam Hợp, huyện 30a Tương Dương (Nghệ An) mồ côi cả cha lẫn mẹ ngay từ năm bước vào lớp 1. Ông bà ngoại nuôi em nhưng đã già yếu, gia cảnh khó khăn. Lo ăn đã khó, nói chi chuyện học hành. 

Như một giấc mơ, các chiến sĩ BĐBP đồn Tam Hợp đã đến nhận đỡ đầu em. 5 năm qua, hằng tháng Phòng Chính trị - Bộ Chỉ huy BĐBP Nghệ An đã góp cho em 500 nghìn đồng/tháng; rồi lo quyên góp gạo, quần áo, sách vở… để em được đến trường. Giờ đây, Tâm Như đã học xong tiểu học và vững vàng vào học lớp 6.

Em Lương Thị Phi Yến (sinh năm 2006) người dân tộc Thái, bản Khe Nà, xã Châu Khê, huyện Con Cuông mồ côi cả bố và mẹ, hiện đang ở với bà ngoại. Bà thuộc diện hộ nghèo, lại đau ốm nên lo cái ăn cho Yến cũng là chuyện không hề đơn giản, nói chi đến chuyện học hành. Nhờ BĐBP đồn Châu Khê đỡ đầu, hỗ trợ hằng tháng, Yến yên tâm đến trường. Không phụ tấm lòng của mọi người dành cho, hằng năm Yến đều là học sinh khá giỏi. Hiện, em chuẩn bị vào lớp cuối cấp của Trường THCS Châu Cam.

Không chỉ giúp cho các em học sinh (HS) có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong tỉnh, BĐBP Nghệ An còn giúp cho các em HS người Lào ở các bản dọc đường biên. Em Xeo Văn Phiến sinh năm 2001, dân tộc Khơ Mú, bản Co Đu, cụm bản Huối Lôm, huyện Noọng Hét, tỉnh Xiêng Khoảng (Lào) có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khi bố, mẹ mất sớm, hiện đang ở với anh trai. Nhờ Đồn Biên phòng Ngọc Lâm đỡ đầu, Phiến đã có điều kiện theo đuổi giấc mơ đến trường. Hết hè này, em sẽ bước vào lớp 12 ở Trường  THPT dân tộc nội trú huyện Noọng Hét. Phiến là một trong số 19 học sinh người Lào mà BĐBP Nghệ An đỡ đầu trong nhiều năm qua. Chung cảm xúc như các bạn nhỏ khác, em Xeo Văn Phiến cảm động: Nhờ có các chú BĐBP mà con được đến trường và chỉ còn một năm nữa là con sẽ tốt nghiệp THPT. Con cảm ơn các chú BĐBP Việt Nam rất nhiều!

Đại tá, Chỉ huy trưởng BĐBP Nghệ An Trần Hải Bình cho biết: Đây là một số trong 106 em HS mà các đồn biên phòng - BĐBP Nghệ An ở hai tuyến biên giới đất liền và tuyến biển đã nhận đỡ đầu từ năm 2014 đến nay thông qua chương trình “Nâng bước em đến trường”. Trong số này có 87 em người Việt Nam và 19 em người Lào. Có những em mồ côi cả bố, mẹ; có em mồ côi bố hoặc mẹ; bố, mẹ đi bước nữa, nên các em ở với ông bà, anh em và đều là các gia đình đặc biệt khó khăn. Phần lớn các em đều người dân tộc Thái, Thổ, H’Mông, hay thuộc tộc ít người Đan Lai, Ơ Đu… ở các vùng núi cao rẻo cao thuộc các huyện 30a miền Tây Nghệ An. Một số em người Kinh cũng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở vùng ven biển. Nhiều đồn biên phòng Keng Đu, Mỹ Lý, Tri Lễ, Thông Thụ, Nậm Càn, Cửa Lò - Bến Thủy… nhận đỡ đầu từ năm, bảy em HS người Việt Nam cùng một, hai em HS người Lào.

Sau sáu năm triển khai chương trình, đến nay đã có sáu em tốt nghiệp THPT, một em đang theo học Cao đẳng Sư phạm Nghệ An. Đặc biệt có em La Thị Nga (sinh năm 1997) tộc người Đan Lai được Đồn Biên phòng Tam Quang đỡ đầu đã tốt nghiệp đại học và hiện đang là nghiên cứu sinh nông nghiệp tại Isreal. Riêng kết quả học tập 2019 - 2020, có 20 em đạt HS giỏi, 55 em đạt khá…

Nhiều bàn tay tiếp sức

Bên cạnh BĐBP Nghệ An, còn có các đơn vị khác nhận đỡ đầu các HS có hoàn cảnh khó khăn hai tuyến biên giới như Đài PTTH Nghệ An. Hiện, Đoàn cơ sở Đài đang nhận đỡ đầu năm cháu HS người dân tộc H’Mông ở các bản thuộc xã Huổi Tụ, huyện Kỳ Sơn, thông qua tiền góp tiết kiệm vào lợn đất của cán bộ, phóng viên, công - viên chức. Biên tập viên - Bí thư Chi đoàn Đài PTTH Nghệ An Nguyễn Thu Hằng cho biết: Đài PTTH “nuôi” sáu con lợn đất. Cứ đầu tuần hay sau mỗi đợt đi công tác về là các phóng viên lại góp tiền vào lợn đất. Còn khối biên tập viên, khối ở nhà, hễ ai có tiền lẻ là cho lợn “ăn” ngay… Định kỳ đập lợn để lấy tiền hỗ trợ các em. Cùng với đó, Chi đoàn Đài PTTH Nghệ An còn vận động các nhà hảo tâm giúp đỡ đầu 10 em HS người dân tộc thiểu số ở huyện Quỳ Châu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. 

Cùng với đó, sau sáu năm triển khai chương trình “Tiếp sức đến trường”, thông qua Giải quần vợt Cúp Truyền hình Nghệ An, Đài PTTH Nghệ An đã vận động các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp và nhà hảo tâm trực tiếp ủng hộ các trường học hoặc ủng hộ qua đài số tiền và quà tặng trị giá gần 10 tỷ đồng. Nhờ đó, đã xây dựng được sáu công trình nhà bán trú, phòng học, nhà ở công vụ, tặng sách vở, thiết bị đồ dùng học tập, xe đạp cho các em. 

Tỉnh đoàn Nghệ An cũng là đơn vị chủ lực trong Chương trình “Tiếp sức đến trường” cho các em HS có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đến nay, các cấp bộ Đoàn đã vận động xây dựng được 40 ngôi nhà khăn quàng đỏ và nhận hỗ trợ, giúp đỡ thường xuyên cho 200 em có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập cho đến năm 18 tuổi. Ngoài ra, khoảng 1.700 em đang được các cấp bộ Đoàn thường xuyên quan tâm, động viên giúp đỡ trong học tập và cuộc sống. Được biết, thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, Hội đồng đội tỉnh sẽ tổ chức đỡ đầu, chăm sóc thêm 200 thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn và phân công cho 35 đơn vị đoàn trực thuộc giúp đỡ lâu dài các cháu cho đến tuổi trưởng thành. Hiện nay, Tỉnh đoàn Nghệ An còn là đơn vị kết nối với nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm để trao các suất học bổng chắp cánh ước mơ đến trường cho các em. 

Cùng giúp các HS ở vùng rẻo cao giảm bớt khó khăn, đã có nhiều nhà hảo tâm tham gia các chương trình thiện nguyện, trong đó có nhóm thiện nguyện “Tấm lòng xứ Nghệ”. Anh Hoàng Quốc Kỳ (cán bộ Chi cục Bảo vệ môi trường Nghệ An - Sở Tài nguyên và Môi trường Nghệ An), Trưởng nhóm thiện nguyện “Tấm lòng xứ Nghệ” cho biết: Từ năm 2014 đến năm 2019, nhóm thiện nguyện chúng tôi đã vận động, quyên góp xây dựng được nhiều dãy phòng nội trú kiên cố, có cả bể nước và nhà vệ sinh, giúp cho 800 cháu ở các điểm trường Nậm Càn, Na Ngoi (huyện Kỳ Sơn); Yên Na (Tương Dương)… có nơi ăn ở khang trang, thay cho những lán, lều tạm trước đây. Trong năm 2020, nhóm thiện nguyện đang phấn đấu xây dựng tiếp khoảng 20 phòng ở các điểm trường Keng Đu (Kỳ Sơn) và Cắm Muộn (Quế Phong). Ngoài ra, nhóm thiện nguyện còn kết nối Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An mổ hàm ếch  miễn phí cho em Già Bá Đà (sáu tuổi) người dân tộc H’Mông ở Na Ngoi… Còn rất nhiều nhóm thiện nguyện, nhà hảo tâm khác cũng đã, đang nỗ lực đóng góp công sức nhỏ bé của mình để giúp cho các em HS ở hai tuyến biên giới vơi đi khó khăn của cuộc sống để tiếp bước đến trường.

Để có nguồn kinh phí hỗ trợ cho chương trình, hằng năm lên đến 500 - 600 triệu đồng, cán bộ, sĩ quan BĐBP Nghệ An tự nguyện trích một phần lương hằng tháng để đóng góp. Nhiều cán bộ lãnh đạo ở Bộ chỉ huy BĐBP Nghệ An và Bộ Tư lệnh BĐBP Việt Nam cũng nhận đỡ đầu từ một đến ba em HS. Ngoài ra, còn có các khoản hỗ trợ của các mạnh thường quân, nhà hảo tâm giúp đỡ các đồn biên phòng thực hiện chương trình này.