Chuyện về những dự án giao thông “nghìn tỷ”

Những năm gần đây, nhằm thúc đẩy phát triển đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và phá thế độc đạo của quốc lộ (QL) 1A từ TP Hồ Chí Minh đi các tỉnh miền Tây, Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã đầu tư nhiều tuyến giao thông trọng điểm. Trong đó, phải kể đến Dự án (DA) đầu tư xây dựng tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi và tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Trong việc đầu tư hai tuyến giao thông này, nhiều nghịch cảnh đã diễn ra khi những DA được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng hiện đang chậm tiến độ.

Luồng hàng hải Quan Chánh Bố sau khi được đưa vào khai thác.
Luồng hàng hải Quan Chánh Bố sau khi được đưa vào khai thác.

Kỳ 2: Nghịch cảnh ở những công trình trọng điểm

Người “ăn” không hết…

Ngày 26-3-2010, Bộ GTVT đã ban hành Quyết định (QĐ) số 786/QĐ-BGTVT phê duyệt đầu tư DA xây dựng tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi nằm trên địa phận TP Cần Thơ và tỉnh Kiên Giang. DA nhiều lần được điều chỉnh và cuối cùng là QĐ số 432/QĐ-BGTVT ngày 22-2-2013, với chiều dài 51,5 km (đoạn qua TP Cần Thơ dài 25 km, đoạn qua tỉnh Kiên Giang dài 26,5 km).

Theo QĐ số 786/QĐ-BGTVT, quy mô phần tuyến giai đoạn trước mắt đầu tư xây dựng tuyến đường có quy mô tương đương cấp III bằng bốn làn xe hạn chế 16,5 m. Giai đoạn điều chỉnh được đầu tư mở rộng với quy mô đường cao tốc sáu làn xe, bề rộng nền đường 33 m. Tổng vốn đầu tư DA là hơn 11.321 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn I là hơn 6.207,4 tỷ đồng và giai đoạn II hơn 5.113,9 tỷ đồng. Nguồn vốn cho giai đoạn I: vay ODA của Quỹ hợp tác phát triển Hàn Quốc (EDCF) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Nguồn vốn cho giai đoạn II: chưa được xác định. DA được giao cho BQL DA Mỹ Thuận - nay là Tổng công ty (TCT) Đầu tư phát triển & Quản lý DA hạ tầng giao thông Cửu Long (TCT Cửu Long). Mức vốn đầu tư giai đoạn I được điều chỉnh (lần 2) theo QĐ số 432/QĐ-BGTVT là hơn 6.693,7 tỷ đồng (trong đó, nguồn vốn ODA là 200 triệu USD, còn lại là vốn đối ứng trong nước) và điều chỉnh thời gian thực hiện khởi công năm 2014 và hoàn thành năm 2017.

Thực tế, tại thời điểm năm 2010, do điều kiện nguồn vốn vay từ EDCF hạn chế, Bộ GTVT có các điều chỉnh phân kỳ đầu tư giai đoạn trước mắt với quy mô hai làn xe. Đồng thời, thực hiện đấu thầu để thi công DA thì đã phát hiện ra một lượng lớn vốn đầu tư dư thừa. Sau khi được rà soát, tổng số dư chỉ tính riêng nguồn vốn ODA đã là 80,498 triệu USD. Do đó, DA tiếp tục được điều chỉnh (lần 3, theo QĐ 2388/QĐ-BGTVT, ngày 14-8-2017) được giảm xuống còn hơn 6.355,3 tỷ đồng. Trong đó, vốn ODA là 4.459 tỷ đồng (tương đương 200 triệu USD) và vốn đối ứng hơn 1.806,3 tỷ đồng. DA được khởi công tháng 1-2016, dự kiến hoàn thành năm 2018.

Tuy liên tục có sự rà soát, điểu chỉnh quy mô, vốn đầu tư… nhưng trên thực tế, ngay trong quá trình lập và phê duyệt tổng mức đầu tư tại DA đầu tư xây dựng tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, đã có hàng loạt sai sót. Trong phê duyệt điều chỉnh DA (lần 2), Bộ GTVT đã phê duyệt một số hạng mục xây dựng di dời công trình công cộng vào chi phí xây dựng của DA để thực hiện bằng nguồn vốn vay không phù hợp Văn bản số 1665/TTg-CN ngày 17-10-2006 của Thủ tướng Chính phủ, Nghị định số 69/2009/NĐ-CP và Hiệp định vay số VNM-40 ký ngày 5-4-2013 giữa Bộ Tài chính và EDCF.

Đối với việc phê duyệt tổng mức đầu tư DA (lần 3), Bộ GTVT đã phê duyệt tăng không phù hợp số tiền là hơn 262,9 tỷ đồng. Trong đó, tổng mức đầu tư điều chỉnh tăng không đúng do dự toán gói thầu xây lắp tính tăng hơn 50,8 tỷ đồng, dẫn đến giá trúng thầu và giá hợp đồng xây dựng cao hơn giá dự toán gói thầu làm căn cứ xét thầu là hơn 22 tỷ đồng. Cùng với đó, tổng mức đầu tư phê duyệt tăng do tính tăng dự phòng trượt giá hơn 217,4 tỷ đồng. Ngoài ra, tổng mức đầu tư phê duyệt tăng không đúng do chưa cập nhật điều chỉnh giảm chi phí “dịch vụ thiết kế chi tiết, hỗ trợ đấu thầu và giám sát thi công” 23,5 tỷ đồng.

… Kẻ “lần” không ra!

Theo tài liệu có được, ngay công tác đấu thầu và ký kết hợp đồng xây dựng, trong khi tổ chức đấu thầu gói CW1 và CW2, các nhà thầu Hàn Quốc đã bỏ thầu cao hơn giá gói thầu được phê duyệt, TCT Cửu Long đã báo cáo Bộ GTVT. Bộ này đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng xin ý kiến về xử lý tình huống khi nhà thầu bỏ thầu vượt giá gói thầu được duyệt.

Trên cơ sở ý kiến của Bộ Xây dựng, Bộ GTVT đã bổ sung thêm tiền lương của 10 nhân sự chủ chốt nhà thầu Hàn Quốc (tăng thêm hai nhân sự so hồ sơ mời thầu ở vị trí kế hoạch và tài chính) với tổng số tiền bổ sung là hơn 192,7 tỷ đồng. Thực tế, khi tính bổ sung tiền lương nhân công chủ chốt của nhà thầu Hàn Quốc, dự toán tính thêm một lần chi phí quản lý trong lương và trùng lắp. Tổng số tiền chi phí quản lý tính thêm trùng lắp cho hai gói thầu là hơn 43,5 tỷ đồng. Trong khi đó, việc thực hiện ký hợp đồng xây dựng đã không thương thảo với nhà thầu để phân kỳ số tiền tạm ứng cho phù hợp kế hoạch vốn được giao, làm chậm triển khai DA; không thương thảo với nhà thầu về chủng loại xuất xứ vật liệu theo yêu cầu của Bộ GTVT và Hiệp định.

Thêm nữa, do công tác lập, thẩm định và phê duyệt dự toán các gói thầu xây lắp tính tăng chưa đúng, dẫn đến TCT Cửu Long đã ký kết hợp đồng xây lắp gói thầu CW2 tăng so giá dự toán tính lại. Việc này dẫn đến giá ký hợp đồng cao hơn giá dự toán xác định lại số tiền hơn 22 tỷ đồng.

Nghịch cảnh lớn nhất là trong khi nguồn vốn có dư, liên tục được điều chỉnh về thiết kế, vốn đầu tư và nhất là cách làm “bạo tay” của chủ đầu tư, nhưng đến nay, DA xây dựng tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi vẫn đang chậm tiến độ.

Mới đây, TCT Cửu Long đã đưa ra dự kiến DA sẽ hoàn thành trước ngày 31-3-2020. Nhưng vẫn còn rất nhiều trở ngại khi nguồn vốn thực tế đưa vào thi công DA đang là câu hỏi lớn.

Tương tự, nhóm những DA giao thông vốn đầu tư đến hàng nghìn tỷ đồng tại ĐBSCL đang chậm tiến độ, nhưng hầu hết nguyên nhân chính là do “đói” vốn, hoàn toàn trái nghịch với sự dư thừa vốn như DA xây dựng tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi. Ngoài DA tuyến đường sắt cao tốc TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ với nguồn vốn khổng lồ - lên đến 5 tỷ USD, dự kiến triển khai thì các DA đã và đang triển khai như đường cao tốc Long Thành - Bến Lức, Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ, đã triển khai nhưng đều chậm tiến độ vì vốn.

Trong đó, phải kể đến DA cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, có tổng mức đầu tư 9.668,5 tỷ đồng, chiều dài tuyến cao tốc 51,1 km, giai đoạn I đầu tư theo hình thức BOT, đã được khởi công tháng 11-2009. DA này có vai trò đặc biệt quan trọng: kết nối khu vực kinh tế trọng điểm phía nam. Đến thời điểm này DA đã triển khai đạt khoảng 96% khối lượng giải phóng mặt bằng. Tuy vậy, sau hơn 5 năm rơi vào bế tắc, đến ngày 7-2-2015, DA được tái khởi động và theo kế hoạch sẽ hoàn thành vào quý II-2020.

Sau khi tái khởi động lần hai, DA tiếp tục gặp khó khăn, vướng mắc và được đánh giá là không có cơ sở bảo đảm đúng tiến độ như yêu cầu của Chính phủ. Vướng mắc lớn nhất tại DA này là phương án tài chính bị phá vỡ. Từ những khó khăn của DA, ngày 18-3 vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về xử lý vướng mắc đối với cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Nhằm tháo gỡ các vướng mắc của DA, Bộ GTVT đã chấp thuận mời nhà đầu tư có đủ năng lực là Tập đoàn Đèo Cả tham gia quản trị, điều hành tại chủ đầu tư DA là Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận. Trên cơ sở Tập đoàn Đèo Cả đã có kinh nghiệm thực hiện các DA hạ tầng giao thông và đặc biệt là giải cứu DA Bắc Giang - Lạng Sơn (có những vướng mắc tương đồng DA cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận). Đến nay, DA được khởi động lại, với quyết tâm thông tuyến vào cuối năm 2020.

(Còn nữa)