Chuyện ở nơi bán sơn địa

Chiều chiều, chiếc xe điện nhỏ của Liên chở đứa con nhỏ phía trước, con lớn ghế sau, ba mẹ con đón nhau rong ruổi từ trường tiểu học đến trường mẫu giáo, rồi chạy qua chợ mua đồ ăn. Mấy cô bác bán hàng ở chợ cũng đã quá quen thuộc với Liên dù không phải là người địa phương. Liên đã ở Khu Tân binh (Xuân Mai, Hà Nội) này gần mười năm từ khi mới cưới, hai con cũng đều lớn lên ở đây. Người ta cứ thấy chị lọ mọ với con cái, cộng dồn số ngày có chồng ở nhà cùng chưa được một phần mười số năm cưới chồng.

Khu nhà công vụ được xây dựng khang trang, sạch đẹp.
Khu nhà công vụ được xây dựng khang trang, sạch đẹp.

Thôn “chống vằng”

Đợt cả nước căng mình chống dịch Covid-19 hồi tháng 3, tháng 4, cả khu nhà công vụ 201 Xuân Mai vắng hoe, lơ thơ mấy đứa nhỏ buổi tối ngóng hỏi bao giờ bố về. Chị em ở đây đều là vợ bộ đội. Những người đàn ông xóm này hầu hết cùng một đơn vị, nhận lệnh cấm trại toàn bộ để bảo đảm quân số. Thế nên cả khu nhà chỉ còn toàn phụ nữ với nhau. Bởi mọi người sống gần đó vẫn hay gọi đùa đây là cái “thôn chống vằng” - thôn vắng chồng. Họ đã quen với việc chồng mình một tuần bảy ngày chỉ về thăm nhà được một, hai tối, thậm chí có người cả tháng đi biệt. Hay một năm vài đợt cấm trại tập huấn thì thời gian xa nhau cũng chẳng kém lúc Covid-19 bao nhiêu. Khu nhà mang tiếng ở ngay Hà Nội, nhưng lại nằm vùng bán sơn địa heo hút, vắng thêm bóng đàn ông, lại càng lặng lẽ. 

Gần chục năm theo chồng là sĩ quan chuyên nghiệp, Trần Thị Liên đã từng chuyển qua nhiều nhà trọ, hễ chồng đóng quân ở đâu Liên lại đưa con dọn đến đó. Bây giờ cũng là một ngôi nhà “theo chồng”, nhưng cô nói đã ổn định và yên tâm hơn nhiều. Những chị em là vợ chiến sĩ, sĩ quan quân đội tại khu nhà công vụ Xuân Mai đều chung hoàn cảnh sống xa quê, xa gia đình, vắng bóng đàn ông dài ngày như thế. 

Trong từng ấy năm, một tay chăm con, lo cho gia đình, việc lớn việc nhỏ đều do một mình Liên quán xuyến. Nhớ lại năm bầu đứa con đầu là năm 2012, cũng là năm đầu tiên chồng chị là Trung úy Nguyễn Đình Tú, về nhận nhiệm vụ tại Lữ đoàn H01, Binh chủng Tăng thiết giáp đóng tại thị trấn Xuân Mai, Hà Nội. Nghỉ việc từ quê lên theo chồng nhận công tác lại xa gia đình, ban đầu Liên trọ trong khu dân cư gần cổng đơn vị. Được sự đùm bọc của bà con làng xóm, Liên mở quán nước nhỏ để bán hàng có thêm thu nhập mua bỉm, sữa cho con. Mãi đến năm 2016, khi đơn vị có chính sách xây dựng khu nhà công vụ để giải quyết nhu cầu khó khăn về nhà ở của các cán bộ, chiến sĩ lữ đoàn, hai vợ chồng làm đơn đăng ký và được phân một căn trong khu nhà mới xây khang trang, sạch sẽ. 

Chung quanh khu nhà là khuôn viên cây xanh, sân chơi thể thao rộng rãi. Khu nhà cũng ngay gần cổng đơn vị nên thuận tiện cho các chiến sĩ khi về thăm nhà. Hằng tháng, mỗi hộ chỉ phải đóng 340 nghìn đồng, là số tiền dùng để duy tu, sửa chữa khi có hư hỏng. Hiện tại khu nhà công vụ đã đủ 40 gia đình sinh sống, song danh sách những cán bộ, chiến sĩ có nguyện vọng thì vẫn còn dài. Đơn vị vẫn đang xét duyệt thêm các chỉ tiêu, trong đó ưu tiên những đồng chí nhà ở xa, hoàn cảnh gia đình khó khăn. 

Từ khi dọn vào ở khu nhà công vụ đến nay, Liên yên tâm vì đã có một nơi chốn đi về ổn định, có thể đón ông bà ở quê lên chăm cháu mà không phải lo lắng tăng thêm chi phí. Trong các hộ ở đây, có người đã ở từ những ngày đầu khu nhà mới xây như Liên, cũng có người mới theo chồng chuyển về chưa đầy một năm. Có người đã ổn định công việc như chị Mai làm giáo viên, song phần lớn vẫn còn bấp bênh vì con nhỏ nên chưa thể đi xin việc. Ngoài đồng lương của chồng, Liên đã từng làm qua nhiều việc như bán nước mía, trông trẻ, gia công cho nhà máy dây điện hay bán hàng online… để kiếm thêm thu nhập. 

“Hậu phương” của hậu phương

Lê Thị Hạnh quê ở Thanh Hóa cũng theo chồng chuyển đến đây từ khi nhận nhà công vụ là nhà mới xây năm 2016. Bốn năm gắn bó với mảnh đất này, sinh được hai đứa con, cuộc sống ở đây có các chị em cùng cảnh ngộ nên cô cũng được an ủi một phần. Hình ảnh những ngày chuyển đến nơi ở mới vẫn còn rõ nét, một phần vì khi ấy Hạnh còn trẻ, mới 21 tuổi đang mang bầu đứa con đầu lòng mà phải sống xa gia đình. “Lúc mới sinh con không có ông bà hỗ trợ vì quê xa mà mẹ em sức yếu, nên em phải tự túc hết. Hôm nào bố tranh thủ về thì đi chợ hộ, không thì em gửi các chị hàng xóm mua đồ ăn. Các chị em đều nhiệt tình giúp đỡ, có chị tăng gia trồng rau còn cho em rau sạch, hôm thì mớ rau dền, quả mướp, em nhớ mãi!”, Hạnh kể. 

Những năm đầu vất vả nuôi con nhỏ sắp qua, nay các con đã lớn hơn, Hạnh có mong muốn là sang năm sẽ gửi con đi trẻ để có thể xin việc làm. “Gia đình bốn người trông cậy vào đồng lương bộ đội nên lúc nào cũng nặng gánh chi tiêu”, em tâm sự. Thế nên bà mẹ trẻ đi đâu, làm gì cũng tính toán để mua sắm sao cho hợp lý. Lúc rảnh rỗi, Hạnh vào mạng tìm được những món đồ khuyến mãi là vừa ý lắm, em bảo: “Một quả bơ trúng thưởng em cũng vui chị ạ, ở nhà không kiếm ra tiền nên phải tiết kiệm cho chồng, con”. Tốt nghiệp Trường trung cấp Y ra nhưng mấy năm vướng bận nên không đi làm được, Hạnh mong muốn sắp tới sẽ có một công việc ổn định. “Em muốn đi làm từ lâu rồi nhưng sợ tiền lương không lại lúc con ốm, nghĩ vậy nên dù sốt ruột vẫn cố ở nhà, cố gắng hết năm nay tình hình khá hơn em sẽ xin việc vào công ty làm”.  

Khu nhà ở của các chị em là vợ quân nhân nằm sâu trong khu xa nhất của thị trấn ven đô, vài bước chân sang bên kia đã là đất Hòa Bình. Nhưng không vì thế mà không có trên bản đồ định vị của cánh “shipper” đưa hàng vì các gia đình thường gửi hàng hóa, đồ ăn lên “chi viện”. Bà Đinh Thị Lam quê ở Hà Nam lên trông cháu nội kể: “Lúc biết con trai đóng quân ở xa nhà, vợ thì vừa mang bầu nên gia đình lo lắm. Ở quê có mấy sào ruộng cấy được bao nhiêu chúng tôi lại dồn lên cho chúng nó lấy gạo ăn”. Bà xót xa vì lương chiến sĩ thấp, con dâu bụng mang dạ chửa. “Lúc ấy ngoài cơ quan hỗ trợ thì gia đình cũng động viên tinh thần, luôn nhắc các con phấn đấu vì đã có hậu phương ông bà sẵn sàng chăm cháu cho chúng yên tâm công tác”. Nói là làm, khi con dâu sinh nở, bà Lam lên tận nơi một mặt là chăm cháu, mặt khác đỡ đần cả về kinh tế. 

Còn với gia đình Liên, mẹ của Liên cũng gắn bó với khu tập thể như nhà mình. Bà đã quá quen với hàng xóm láng giềng và công việc chợ búa tại nơi ở của con gái vì nhiều lần lên trông nom con cháu. “Trên đây cũng có điều kiện học hành tốt hơn ở quê nên tôi khuyên con cứ để các cháu học hành ở đây, để bố nó về trông thấy con còn yên tâm công tác. Các cháu ốm thì tôi cũng lên hỗ trợ, mà con nhỏ ốm đau suốt nên tôi ở đây cũng thành quen”. Lũ trẻ cũng quấn lấy bà ngoại vì bà gắn bó với chúng suốt từ khi còn nhỏ, bà trông cháu lúc mẹ chúng đi làm, bà cho chúng ăn khi bị ốm, đón từ trường nếu mẹ chưa về kịp, trăm việc đã có bà san sẻ. Thế nên các bà nội, ngoại trong khu tự hào nhận mình là “hậu phương của hậu phương”, lúc nào cũng vững vàng tiếp sức. 

Cuối ngày trong khu tập thể, người thì tranh thủ dọn dẹp, người tưới cây, trồng rau. Lũ trẻ chơi ngoài sân, người lớn tập trung rôm rả chuyện trò. Đây đã trở thành ngôi nhà thứ hai của họ, là nơi nhiều người “an cư” dù có người “lạc nghiệp” hoặc chưa có công việc ổn định thì họ đùm bọc nhau như người một nhà. Liên nói rằng, có một hậu phương đoàn kết, vững vàng thì các cán bộ, chiến sĩ mới yên tâm công tác, ngày càng yêu mến, gắn bó với đơn vị.