Vì nhau và vì khán giả

Từ những kinh nghiệm thực tế và góc nhìn nghề nghiệp, một số đại diện nhà sản xuất phim, đạo diễn, người làm công tác quản lý rạp chiếu đã chia sẻ đề xuất với Thời Nay. Theo đó, nhà quản lý, thẩm định và giới làm phim cần “xích lại” gần nhau hơn.

Tâm lý, thái độ, sự đánh giá hay phản ứng của khán giả tại rạp phim là những yếu tố quan trọng trong việc đánh giá chất lượng phim.
Tâm lý, thái độ, sự đánh giá hay phản ứng của khán giả tại rạp phim là những yếu tố quan trọng trong việc đánh giá chất lượng phim.

Đạo diễn Thương Milano:

Cần thấu hiểu và có thể “đổi vai”

Tôi nghĩ nhà làm phim và nhà thẩm định, duyệt phim ngoài việc thực hiện đúng chức năng của mình cũng cần “đổi vai” cho nhau để thấu hiểu và tìm ra giải pháp phù hợp. Công tác thẩm định, duyệt phim, làm tốt chưa chắc đã được nhận ra kịp thời, được biểu dương, nhưng làm sai có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

Ở đây tôi chỉ nêu ra vấn đề là việc thẩm định, duyệt phim ngoài việc cần bảo đảm giữ gìn, tôn trọng thuần phong mỹ tục, cũng như đáp ứng đúng các quy định, cần tính đến yếu tố nghệ thuật, tính liền lạc của tác phẩm. Vấn đề còn nằm ở chỗ, một khán giả xem phim, chậm rãi, tâm thế thưởng thức, sẽ có cách nhìn khác với những người sản xuất hay thẩm định, duyệt phim. Vì vậy, cần có sự hợp tác theo hướng lắng nghe, chia sẻ từ cả hai phía.

Đại diện hãng phim Chánh Phương:

Công khai các thành viên thẩm định

Cần cởi mở cơ chế thẩm định, duyệt phát hành phim một cách thông thoáng hơn, giúp các nhà làm phim phát huy tư duy sáng tạo nghệ thuật, đa dạng về thể loại, nâng tầm điện ảnh Việt vươn ra thế giới. Cần giải thích rõ hơn khái niệm thuần phong mỹ tục trong các văn bản của từng trường hợp duyệt kịch bản, duyệt phim, giúp tác giả, nhà làm phim cùng nắm rõ hơn ý nghĩa văn hóa, phong tục trong những vấn đề được chạm tới, tránh sự chưa rõ ràng có thể gây hoang mang.

Cùng với đó, nên công khai giới thiệu những thành viên trong hội đồng thẩm định, duyệt phim để cùng chia sẻ, tham vấn đối thoại với các nhà làm phim về những vấn đề tồn đọng trong công tác thẩm định, duyệt phim.

Ông Trần Thanh Tuấn, quản lý rạp chiếu lâu năm:

Cần nghiên cứu khán giả nhiều hơn

Tâm lý, thái độ, sự đánh giá hay phản ứng của khán giả tại những rạp phim là những yếu tố không thể bỏ qua đối với các nhà quản lý, các nhà thẩm định phim khi đánh giá về mức độ hiệu quả, trong công tác chuyên môn của mình. Các hội đồng thẩm định, duyệt phim cần tính đến việc đa dạng hóa đội ngũ các thành viên, chuyên gia để có những nhận định, đánh giá, phản biện phù hợp nhất có thể.

Đạo diễn, nhà sản xuất phim Bá Vũ:

Tham khảo cách làm của nước ngoài

Tại nhiều quốc gia đều có vai trò của cơ quan quản lý đối với công việc sáng tạo điện ảnh. Ở ta hiện nay, có sự phân loại đối với tác phẩm điện ảnh khi đưa vào thẩm định. Ở nước ngoài, đơn cử, với những phim “nặng” ở các yếu tố như bạo lực, ngôn từ, hành động hay tình dục, sẽ được dán mác tương ứng để khuyến cáo khán giả.

Hiện nay, điều mà không ít người làm phim chờ đợi là cơ chế phân loại phim cần có sự đối thoại, cởi mở, công khai minh bạch hơn nữa giữa người làm phim và các nhà quản lý. Tôi lấy thí dụ, tại một số thị trường điện ảnh lớn, sẽ có những trao đổi giữa cơ quan quản lý và nhà sản xuất phim, chẳng hạn, cắt bao nhiêu câu thoại, bao nhiêu cảnh bạo lực thì mức độ phân loại sẽ thay đổi ra sao.

Đồng thời, cũng cần tính đến một việc là hội đồng duyệt phim cần có sự hiện diện của nhiều chuyên gia, các nhà phê bình đa dạng cả về độ tuổi, góc nhìn, chuyên môn để có cách nhìn nhận phù hợp với số đông nhất.