Trở lại quá khứ, liên tục “sóng đôi”...

Đầu thu, UBND tỉnh Hải Dương vừa tổ chức đại lễ “trở lại quá khứ hơn bảy thế kỷ” để kỷ niệm 719 năm Ngày mất của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn (1228 - 1300) sáng ngày 15-9 tại Khu di tích Kiếp Bạc (Chí Linh - Hải Dương). Ngay sau lễ tưởng niệm, là khai hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc 2019 (sẽ kéo dài hết tháng 9).

Tiết mục hoành tráng đầu tiên của ngày hội mùa thu này là chương trình diễn xướng “Hùng khí Lục Đầu giang”. Chương trình diễn ra trực tiếp trên sông, quy tụ 50 con thuyền lớn, khoảng 1.500 người đóng vai tướng lĩnh, quân sĩ thời Trần, tái hiện cảnh chiến đấu với quân Nguyên Mông trên Bạch Đằng giang hơn bảy thế kỷ trước…

Lễ hội lớn đầu thu tại Hải Dương là vậy, còn tại Hà Nội, nửa cuối tháng 9, liên tiếp diễn ra một loạt triển lãm mỹ thuật “sóng đôi” của các họa sĩ từ cùng thế hệ, rồi từ trẻ tới già, từ cha và con. Đầu tiên là tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA - 72A Nguyễn Trãi, Hà Nội) vừa khai mạc đồng thời hai triển lãm cá nhân song song (kéo dài đến tận 16-10): triển lãm “Những giấc mơ kéo dài” của Bùi Quốc Khánh (sinh năm 1983) và triển lãm “Bên trong thành phố” của Đoàn Xuân Tùng (sinh năm 1982). Hai triển lãm độc lập, bày cùng lúc tại hai phòng liền nhau, là những tiếng nói của giới trẻ 8x “phản tỉnh” đời sống đương đại hằng ngày bằng chất liệu sơn dầu, acrilyc…

Hai triển lãm tiếp theo, đều cùng diễn ra ngày 19-9 sắp tới, và đều cùng có điểm “sóng đôi” thú vị khác thường. Thứ nhất là triển lãm “Sóng ở đáy sông” của hai cha con tại Cuci Art Studio, số 25 Hàng Bún, Ba Đình. Triển lãm trưng bày 48 tác phẩm sơn dầu của họa sĩ Lục Quốc Nhượng (người cha) và 17 tác phẩm sơn mài của họa sĩ Lục Quốc Sỹ (người con). Triển lãm thứ hai, đáng chú ý hơn nữa, là triển lãm sơn mài “Bạn Nghề” (tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học) của hai họa sĩ hai thế hệ liên tiếp. Đầu tiên là họa sĩ Lý Trực Sơn (sinh năm 1949) với 12 tác phẩm sơn mài cỡ lớn. Tác giả là một họa sĩ cao niên, đã nổi danh trong thế hệ họa sĩ Đổi Mới, có chín năm sống và triển lãm trực tiếp tại châu Âu (Pháp, Đức). Còn họa sĩ thứ hai là Trịnh Quốc Chiến (sinh năm 1966) cũng là họa sĩ làm “phù điêu sơn mài” nổi danh cuối giai đoạn Đổi Mới.

Xem và thưởng thức thì đã vậy, nhưng để “thưởng thức lại quá khứ” bằng cả tai và mắt là buổi tham dự và chứng kiến vở nhạc kịch mang tên “Kim Vân Kiều truyện” sẽ diễn ra ngày 25-9 (tại 24 Tràng Tiền, Hà Nội). Đây là vở nhạc kịch được phóng tác từ kiệt tác “Truyện Kiều” của thi hào Nguyễn Du, với sự hợp tác và viết nhạc - lời, đóng vai diễn viên của các đạo diễn, nghệ sĩ Pháp. Còn việc chuyển soạn và diễn tấu nhạc truyền thống của nhóm Hồng Lĩnh và một số nghệ sĩ Việt Nam, tổng cộng hơn 20 nghệ sĩ Việt, Pháp.