Thông điệp hòa bình của họa sĩ Lê Anh Quân

Hai lần họa sĩ Lê Anh Quân sang Pháp triển lãm, đều trưng bày những chân dung thú vị. Lần đầu, từ 26-9 - 4-10-2018, họa sĩ mang tới 300 sơn dầu chất liệu tổng hợp và hai tượng thủy tinh. Khác hẳn với lần trước, lần này trở lại nơi đã diễn ra triển lãm lần đầu, họa sĩ trưng bày tám tranh sơn dầu chất liệu tổng hợp, sử dụng gỗ và mùn cưa.

Một số tác phẩm được trưng bày.
Một số tác phẩm được trưng bày.

1. Những người yêu hội họa Paris, kiều bào gặp lại Lê Anh Quân lần này, đều đồng cảm phần nhiều với nỗi trăn trở của anh. Cuộc trưng bày diễn ra cuối tháng 10 đầu tháng 11 vừa kết thúc, vẫn còn những dư âm khó nhòa.

Công chúng đến Trung tâm Văn hóa Sidobre Marius, Arcueil, ngoại ô Paris đều ấn tượng với chùm tranh về những đứa trẻ đều bím tóc vung vẩy mà giờ đây hiếm gặp trên đường phố Hà Nội, nơi họa sĩ (HS) sinh ra. Ngày đó, trẻ em đi bộ đến trường với cặp sách nhỏ trong sáng ngây thơ. Giờ đây phần lớn trẻ em ngồi trong ô-tô, xe máy đến trường. Tất cả chỉ còn là hoài niệm thời thơ ấu.

Lần trước là những cái đầu trẻ em ám ảnh vì khói bụi ô nhiễm, hay khói thuốc chiến tranh. Lần này là những đứa trẻ mầu sắc xanh, tím như mực học trò. Gọi là tuổi mực tím, mực xanh, giờ mấy em dùng bút chấm mực nữa. Hầu hết trẻ em giờ dùng mực bút bi. Những nét chữ đẹp như vẽ không còn thấy nhiều. Hiện nay, tại Pháp trẻ em được học vẽ trong trường, cô giáo họa bày cho học trò dùng bút mực để vừa học vẽ vừa kết hợp học về lịch sử những cây bút mực và cách vẽ của người châu Á…

Bốn mầu chủ đạo xanh, tím, vàng non, da trời đều là mầu thể hiện tuổi thơ trên những bím tóc bé gái. Khát vọng trẻ thơ được bay trong tiếng nhạc trong tương lai, một Trái đất hòa bình. Có lẽ vì lý do đó, Lê Anh Quân qua Pháp cố gắng tìm cho con gái nhỏ của mình một cái đàn violon xinh và đôi giày ballet. Hạ Lam, cô bé xinh đẹp đang học tiểu học ở Hà Nội là con gái của Lê Anh Quân và nghệ sĩ violon cá tính và xinh đẹp Trịnh Minh Hiền (thành viên dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam - VNSO).

Bốn cái đầu đàn ông tưởng trong mà đục. Mầu vàng nhờ nhờ với những đường gân guốc nổi lên trong não. Thời gian không quay lại. Không thể kéo ngược thời gian. Những đường gân nổi cục như bị chai vì suy nghĩ. Họa sĩ đã khéo dùng chất liệu gỗ, mùn cưa để làm nổi những mạch máu. Phần đông khán giả đến dự buổi khai mạc và suốt thời gian triển lãm rất tò mò về các chất liệu dùng trong tranh của Lê Anh Quân.

2. HS Lê Anh Quân luôn thích tìm tòi cái mới, khám phá chất liệu và tìm hiểu các kỹ thuật của các họa sĩ nổi tiếng thế giới. Lê Anh Quân vẫn liên tục học trên con đường hội họa. Đi đâu họa sĩ cũng săn mua vựng tập của các họa sĩ lớn. Những cuốn sách nặng trình trịch ấy chính là sách giáo khoa của Lê Anh Quân.

HS Lê Anh Quân đã từng tham gia triển lãm với một họa sĩ Pháp Christian Lemoine do Hội Aurore Ánh Sáng kết nối (mà tôi sáng lập và là Chủ tịch) ở Hà Nội và Paris. Christian Lemoine có cha là cựu cảnh sát từng sống ở Đông Dương và hai người chú bị điều động sang mặt trận Điện Biên Phủ. HS Christian chưa một lần đặt chân đến Việt Nam, song anh lại lưu trữ rất nhiều những ảnh xưa của cha chú anh để lại. Cuộc triển lãm chung với Lê Anh Quân, Vương Thạo ở Hà Nội mang tên “Tối - Sáng” để thấy cuộc đời luôn có hai mảng. Lần thứ hai tại Paris này, cuộc triển lãm “Tình bạn” của Lê Anh Quân và Bùi Thanh Thủy (con gái nhà văn Bùi Bình Thi, em gái đạo diễn Bùi Thạc Chuyên) mang khát vọng văn hóa là cầu nối giao lưu hữu nghị giữa hai nước, xóa bỏ hận thù dĩ vãng chiến tranh.

Mỗi lần sang Paris, khi vào các khu chợ đồ cổ, HS Lê Anh Quân đều dừng lại rất lâu ở khu bán bản đồ cũ. Tưởng các họa sĩ ít quan tâm đến những sự kiện chính trị, với Lê Anh Quân thì hoàn toàn khác. Anh tâm sự: “Biết đâu lang thang ở Pháp lại tìm được bản đồ Đông Dương xưa có dấu vết Hoàng Sa, Trường Sa”. Đi tìm bản đồ khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam, mong ước hòa bình, khát vọng chiến tranh đừng xảy ra để không còn những đứa trẻ tật nguyền, dị dạng, méo mó ám ảnh chất độc da cam, bom nguyên tử, để mãi mãi là những đứa trẻ mực tím, tươi như mạ non báo hiệu một mùa gặt tương lai đầy hạnh phúc. Triển lãm chung với HS Pháp cũng là khát vọng nối vòng tay hòa bình trên thế giới qua hội họa của Lê Anh Quân.

Thông điệp trong tranh của anh là thế giới bình yên. Anh khát khao và ngụy cầu điều đó trong tác phẩm.