Tặng hiện vật tôn vinh người phụ nữ Việt Nam

Sáng 3-3, nhiều hình ảnh, tài liệu và hiện vật về người phụ nữ Việt Nam đã được hàng chục cá nhân là phóng viên chiến trường, nhà ngoại giao, bác sĩ, nhà tạo mẫu… trao tặng cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tại sự kiện “Ký ức và di sản”, hướng đến kỷ niệm 111 năm Ngày Quốc tế phụ nữ 8-3.

NSNA Đinh Quang Thành trao tặng các tác phẩm ảnh về đề tài phụ nữ cho đại diện Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.
NSNA Đinh Quang Thành trao tặng các tác phẩm ảnh về đề tài phụ nữ cho đại diện Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

Nhà báo, NSNA Đinh Quang Thành, nguyên phóng viên chiến trường của TTXVN đã trao tặng 385 file ảnh ông chụp về người phụ nữ Việt Nam khắp các vùng miền, ở nhiều thời điểm khác nhau. Đặc sắc nhất là những bức ảnh về những dân công hỏa tuyến, dân quân, du kích trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ.

Hai chiếc áo dài được mặc trong các lễ trọng của đại sứ Nguyễn Phương Nga, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam cũng được bà trân quý trao tặng trong dịp này. Đó là chiếc áo dài được bà mặc trong lễ trao quyết định bổ nhiệm đại sứ, đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ và tại lễ trình thư ủy nhiệm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang lên Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon năm 2014.

Cùng với đó là 20 bộ áo dài của 20 nhà thiết kế trong bộ sưu tập hơn 1.000 áo dài đã được giới thiệu tại buổi trình diễn “Áo dài - Di sản văn hóa Việt Nam” tại Văn Miếu Quốc Tử Giám do Hội LHPN Việt Nam phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức ngày 28-6-2020. Hình ảnh về các di sản nổi tiếng của Việt Nam đã được UNESCO công nhận như Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, Phố cổ Hội An, Nhã nhạc cung đình Huế, Tín ngưỡng thờ Mẫu, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên... được thể hiện sống động và đầy tinh tế trên các tác phẩm của nhà thiết kế đến từ mọi miền Tổ quốc.

“Thực tế đấu tranh là lò luyện thép lớn. Phượng chỉ muốn tôi luyện trong đó để nên người... Phượng muốn mình có mặt trong đoàn quân ngũ ra tiền tuyến hoặc trong đoàn thanh niên xung phong đi vào những nơi khó khăn gian khổ...”. Đó là trích đoạn của một trong ba cuốn nhật ký của PGS, TS Nguyễn Thị Phượng, học sinh miền nam tập kết, nguyên Phó Trưởng Bộ môn Nhi, Trường đại học Y Hà Nội viết từ năm 1960 - 1976. Bà chia sẻ: Tôi thấy rằng, những kỷ vật mọi người gửi ở đây rất được trân quý và có đủ mọi phương tiện để giữ gìn nó. Những trang nhật ký này của tôi như là suy nghĩ của cả một thế hệ đã trải qua chiến tranh, chứng kiến từ những hy sinh, mất mát đến thời khắc thắng lợi vẻ vang của dân tộc.  Tôi mong rằng những ký ức này sẽ phần nào giúp cho thế hệ trẻ hôm nay biết và hiểu hơn về cuộc sống và lý tưởng của các thế hệ đi trước.