“Rễ trời” những ngày tháng Tám...

Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, Sở Văn hóa - Thể thao và Sở Giáo dục - Đào tạo vừa mở ra chương trình đưa ca Huế vào trường học, đầu tiên là các trường lớp phổ thông cơ sở khu vực thành phố Huế. Bắt đầu từ tháng 8-2019, Trường trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Huế đã mở lớp đào tạo cho gần 30 giáo viên THCS trong địa bàn thành phố.

Tác phẩm “Những đàn chim giấy” của họa sĩ Vũ Lâm tại Triển lãm “Cá nhân”.
Tác phẩm “Những đàn chim giấy” của họa sĩ Vũ Lâm tại Triển lãm “Cá nhân”.

Chương trình không chỉ đơn thuần là dạy cho học sinh tập hát ca Huế mà còn giúp các em nhận ra những giá trị nhân văn ẩn chứa trong nội dung từng bài. Ca Huế đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Việc phối hợp đưa di sản này vào trường học góp phần đẩy mạnh các hoạt động về văn hóa, văn nghệ, thể thao.

Nếu như giữa miền trung vừa bắt đầu một hoạt động giáo dục tích cực cho lứa tuổi mới lớn, thì ở cực bắc, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, vào ngày 10-8, đã khai mạc Lễ hội Ẩm thực và Không gian văn hóa Tây Bắc 2019, kéo dài đến tận ngày 10-9. Bên cạnh việc tập trung thu hút khách du lịch trong nước, lễ hội cũng nhằm thu hút du khách nhiều nơi trên thế giới. Điều thú vị nho nhỏ là lễ hội này vừa xác lập kỷ lục Việt Nam với màn múa sạp có số lượng người tham gia lớn nhất từ trước tới nay: 600 người đập sạp và 7.000 người tham gia nhảy sạp tại Sa Pa - được ví là “thành phố ở trên mây”…

Tại Thủ đô Hà Nội, một loạt triển lãm mỹ thuật khai mạc hưởng ứng thời tiết cuối hè. Có một triển lãm nhóm khai mạc ngày 11-8 và kéo dài hết tháng tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học. Tên triển lãm được chọn có hơi lạ một chút, là triển lãm “Cá nhân”, của sáu họa sĩ thế hệ 7x, 8x, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là: Vũ Tuấn Dũng, Đinh Tuấn Hoàng, Vũ Lâm, Phan Tuấn Ngọc, Nguyễn Thanh, Phạm Tuấn Tú…

Ngày 20-8 tới, sẽ có một buổi tọa đàm về tiểu thuyết khá đặc sắc có tên “Rễ trời” của nhà văn Pháp hai lần đạt giải Goncourt Romain Gary tại 24 Tràng Tiền, Hà Nội. Tác phẩm này đoạt giải Goncourt và được xuất bản từ năm 1956. Tiểu thuyết kể về cuộc chiến của “một tay người Pháp điên khùng” tại châu Phi với bối cảnh sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Cuộc chiến đó cũng là câu chuyện đầy xúc cảm về thảm kịch của loài voi châu Phi cũng như tiếng kêu cứu đầu tiên dành cho hệ sinh quyển Trái đất bị đe dọa bởi nền công nghiệp hiện đại sản xuất ra những vũ khí chiến tranh nguy hiểm… Cuộc tọa đàm “Sinh thái học và các vấn đề khác trong Rễ trời của Romain Gary” không chỉ bàn về vấn đề sinh thái học mà cả các vấn đề khác về thân phận con người, được tác giả miêu tả không chỉ thi vị mà còn nhiều trăn trở ở khắp nơi…