Ráo riết hơn trong chống dịch từ các hoạt động du lịch

Mùa xuân là mùa lễ hội, đặc biệt là tháng Giêng, người dân có nếp du xuân, đi lễ đền, chùa dâng hương, cầu bình an cho một năm mới suôn sẻ. Thế nhưng, hiện nay trong tình hình có dịch nCoV, người dân cần quan tâm sức khỏe của mình cũng như những người chung quanh. Thực tế tại một số địa phương đang đòi hỏi vấn đề này cần được chú trọng hơn nữa.

Nhiều điểm du lịch vắng khách trong những ngày này.
Nhiều điểm du lịch vắng khách trong những ngày này.

Vắng khách mùa dịch

Những ngày đầu năm, tình hình dịch nCoV diễn biến phức tạp khiến lượng người đi lễ chùa, đền ở Hà Nội không đông như những năm trước. Tại Phủ Tây Hồ (Hà Nội), loa phát thanh liên tục thông báo yêu cầu người dân đi lễ cần đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng, chỗ đông người để bảo vệ sức khỏe cho chính mình và cho cộng đồng. Theo ghi nhận, lượng du khách đến chiêm bái tại Phủ Tây Hồ giảm mạnh so những năm trước. Ban quản lý cho biết, Phủ chỉ đón khách hết ngày 4-2, chính thức đóng cửa từ 5-2. Du khách đến Phủ lễ chỉ vái vọng từ bên ngoài.

Dù tạm thời đóng cửa, lượng khách giảm nhưng vẫn có lượng người nhất định đổ về Phủ Tây Hồ bái lễ. Đáng chú ý, trong số những người có mặt tại đây, không ít người không đeo khẩu trang. Điều này cho thấy mặc dù nhà đền nỗ lực tuyên truyền, nhưng nhiều người vẫn chủ quan, không có ý thức tự bảo vệ mình cũng như cộng đồng.

Tin tức về dịch nCoV khiến lượng khách du lịch sụt giảm, nhiều nhà hàng đã lùi ngày mở hàng đầu năm mới. Chị Nguyễn Thị Linh, quản lý nhà hàng Sông Thanh (đường Huyền Trân Công Chúa, Hội An), cho biết: “Qua rằm tháng Giêng, mới tính ngày nào mở bán. Cũng còn xem dịch thế nào”. Nhiều khách sạn, homestay cũng chưa mở cửa đón khách, anh Nguyễn Văn Ánh, chủ homestay 199, đường Trần Nhân Tông, cho biết: “Lượng khách đặt không nhiều, mỗi ngày có một hoặc hai người đặt qua mạng nên tôi đã giới thiệu họ sang một homestay khác. Ở đó cũng là bạn bè, giá cả như nhau, thậm chí còn bớt chút đỉnh, nên khách cũng vui lòng đồng ý”.

Tình hình dịch bệnh chắc chắn sẽ khiến ngành du lịch, dịch vụ bị ảnh hưởng. Đây cũng là thực trạng chung của các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn và vận chuyển trong những ngày qua, và có lẽ còn kéo dài trong những ngày tiếp theo. Đại diện Công ty cổ phần Lữ hành Quốc tế Kim Liên cho biết, với thị trường du lịch chủ yếu là Trung Quốc nên khi dịch bệnh diễn ra, đơn vị đã thiệt hại nặng. Tính đến hết ngày 3-2, lượng khách hủy tour tại công ty là rất lớn. Điều các đơn vị lo lắng là dịch bệnh đang ngày càng diễn biến phức tạp và mức độ ảnh hưởng ngành du lịch sẽ ngày càng lớn hơn. Vì thế, các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành cũng bày tỏ mong muốn các cơ quan chức năng có sự hỗ trợ nhất định để doanh nghiệp có thể vượt qua thời điểm khó khăn này.

Cần nâng cao hơn ý thức phòng dịch

Theo quan sát, số lượng người dân đeo khẩu trang phòng dịch nCoV đi lễ chùa dù có nhưng vẫn còn một bộ phận người dân thờ ơ. Nhiều thanh niên, chủ yếu là giới trẻ khi được hỏi đều cho biết, họ không quá lo lắng đến dịch bệnh và cho rằng khả năng nhiễm dịch thấp khi số người bị nhiễm ở Việt Nam đến nay chưa nhiều. Anh Hoàn (Xuân Thủy, quận Cầu Giấy) chia sẻ, mấy ngày nay, anh tôi cũng đã nghe thông tin trên báo, đài và tìm hiểu về dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona. Nhưng theo anh Hoàn, tình hình dịch bệnh chưa quá nghiêm trọng như nhiều người lo ngại. Với anh, việc đeo khẩu trang khá bất tiện, vướng víu, không quen… nên anh không đeo khẩu trang để phòng, chống dịch bệnh theo khuyến cáo của ngành Y tế.

Trong mấy ngày này, quan sát tình hình khách du lịch trên đường phố Hội An (Quảng Nam) có thể thấy hai hình ảnh khác nhau. Khách Việt Nam, khách châu Á đều đeo khẩu trang đi dạo. Nhưng khách phương Tây, hiếm lắm mới gặp một người đeo khẩu trang. Anh Hà Văn Công, quản lý cà-phê Mun (79, Phan Châu Trinh, Hội An), cho biết: “Không có quy định cho nhân viên đeo khẩu trang. Khách hàng thì có người nọ, người kia. Có khách đeo khẩu trang lên tận bàn mới tháo. Nhưng có khách xuống xe là tháo khẩu trang”.

Bạn Kiều Thị Oanh, nhân viên thu ngân cửa hàng tiện ích Sốp Xanh (đường Cửa Đại, phường Cẩm Châu, Hội An), cho biết: “Khách vào cửa hàng là khách du lịch, khách lưu trú dài ngày. Việc phải tiếp xúc với khách cũng khiến tôi lo lắng. Đeo khẩu trang cho yên tâm. Nhưng nhiều khách phương tây bước vào cửa hàng, họ đã kéo vạt áo che mũi. Ý của họ là trêu tôi. Những lúc thế này, tôi phải gỡ khẩu trang xuống, nở một nụ cười. Nhưng sau nụ cười cũng thoáng qua lo lắng”.

Nói về chuyện đeo khẩu trang phòng, chống dịch hoặc ngăn ngừa bụi bẩn theo không khí vào mũi, vào phổi, nhiều người được hỏi cho rằng, đeo khẩu trang tốt cho cả hai vấn đề trên. Đánh giá về chuyện đeo khẩu trang tốt hay không tốt, đa phần phụ nữ đều có chung câu trả lời là tốt. Nam giới thì có người đồng tình, có người chỉ cười và cho rằng, đi đường xa thì đeo khẩu trang, đi đường ngắn trong phố, tháo lắp khẩu trang bất tiện. Nhiều người phụ nữ ở Đà Nẵng, Hội An đã mang dư khẩu trang trong túi xách để đề phòng và tặng bạn bè khi họ chưa có khẩu trang.

Cẩn trọng là cần thiết

Vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có công điện khẩn gửi các địa phương yêu cầu dừng tất cả lễ hội, kể cả lễ hội đã khai mạc tại các nơi đã công bố dịch để tránh tập trung đông người… Theo ghi nhận, nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố như: Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Đền Ngọc Sơn, Hoàng thành Thăng Long, Nhà tù Hỏa Lò Hà Nội… đã tạm dừng việc đón khách tham quan.

Trong tâm thức người Việt, lễ hội du xuân đầu năm mới chính là dịp để được đáp ứng nhu cầu vui chơi văn hóa, nhu cầu tâm linh. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình bệnh dịch diễn biến phức tạp hiện nay, việc tạm dừng các hoạt động lễ hội là hết sức cần thiết, thể hiện trách nhiệm của chính quyền ngành văn hóa, địa phương đối với tính mạng và sức khỏe của người dân. Một điều đáng mừng là đến thời điểm hiện tại, nhiều địa phương trong cả nước đã họp bàn đưa ra các quyết định tạm dừng việc tổ chức các lễ hội lớn. Chỉ có điều việc dừng tổ chức lễ hội và ý thức phòng ngừa của người dân là hai việc hoàn toàn khác nhau. Bởi lẽ, chắc chắn ở những địa điểm tâm linh lớn vẫn thu hút số lượng người đi dự lễ hội. Do đó, ý thức của mỗi người dân trong việc tham gia vào các hoạt động du xuân đầu năm là vô cùng quan trọng, đặc biệt là trước tình hình dịch hiện nay.