Phim remake hay copy?

“Hậu duệ mặt trời” phiên bản Việt vừa ra mắt đã gây xôn xao. Nhưng đa phần, người xem chỉ cố gắng so xem phim giống bản gốc bao nhiêu phần trăm.

Phim remake hay copy?

Những tập phim đầu tiên, không quá khó để nhận ra, ekip “Hậu duệ mặt trời” (HDMT) bản Việt vô cùng nỗ lực để… giống bản gốc. Từ tiêu đề phim, vốn nói về một biểu tượng quân đội Hàn Quốc tự nhận (mặt trời). Cần phải đối chiếu rằng trong các phiên bản HDMT ở nước ngoài, chỉ duy nhất Việt Nam giữ nguyên tựa phim này.

Sự giống tiếp theo ở poster phim gửi truyền thông cũng đều là những phân cảnh kinh điển của bản gốc. Tạo hình nhân vật từ trang phục, phong cách đến kiểu tóc cũng copy từ bản gốc. Nữ thứ Cao Thái Hà còn cắt mái tóc dài để có kiểu tóc giống hợp Kim Ji Won trong bản Hàn. Nam chính Song Luân được đánh giá ngoại hình cao hơn hẳn bản gốc, nhưng lại bắt chước từ cách chỉ tay vào mắt thể hiện sự theo dõi, cách đứng nghiêm chắp tay sau lưng. Một khán giả comment trong một diễn đàn: “Có phải đạo diễn treo cái monitor bản gốc trên đầu để làm sao cho thật giống không”. Những lời quảng cáo đây là một phim đậm chất Việt trở nên… thừa thãi. Vì phim, rất rõ là mục đích để ăn theo một phiên bản đã quá thành công và chiều chuộng dàn fan khổng lồ của HDMT trước đó.

HDMT nếu không phải phim làm lại, hẳn sẽ được khen là phim khá, đầu tư công phu, dàn diễn viên nỗ lực. Nhưng vì là phim làm lại, một kịch bản mua lại, nên cuối cùng HDMT bản Việt những tập đầu tiên vẫn là một bản lồng tiếng chưa hoàn chỉnh của HDMT Hàn Quốc. Có thể tạo ra bản sắc hay không, có lẽ phải chờ đến khi tập phim cuối cùng phát sóng.

Trào lưu phim remake (phim làm lại) đã bùng nổ khá lâu và phải công bằng mà nói, có không ít thành công. Tận dụng hiệu ứng phim gốc, kịch bản có sẵn từ phim gốc - khâu luôn yếu nhất của các nhà làm phim Việt - phim remake có chỗ đứng đáng kể với các tác phẩm từ điện ảnh đến truyền hình. Có thể kể tới phim điện ảnh “Em là bà nội của anh” của đạo diễn Phan Gia Linh, “Tháng năm rực rỡ” của Nguyễn Quang Dũng, sang truyền hình của “Người phán xử”, “Cả một đời ân oán”, “Gạo nếp gạo tẻ”…

Năm 2017-2018, trong một loạt phim truyền hình làm mưa làm gió màn ảnh nhỏ Việt, nhìn lại toàn thấy phim mua kịch bản hoặc remake. Nhưng phim thành công, hầu hết để có sự đầu tư để người xem nhận ra rằng đây là một bản phim Việt Nam. Chẳng hạn ở “Người phán xử”, nếu bản gốc chú trọng đến yếu tố tôn giáo, thì trong bản Việt, điều nay đã được thay đổi. Bản thân dàn diễn viên cũng cố gắng tạo ra một phong cách khác, ánh nhìn khác. Ít ra sự thể hiện của NSND Hoàng Dũng và nam diễn viên Moshe Ivgy trong hai bản ở cùng một vai ông trùm có sự khác nhau rõ rệt. Hoặc “Cầu vồng tình yêu” là một phiên bản được coi là thành công khi Việt hóa được tính cách của nhân vật.

Tuy nhiên, sự thất bại khi dập khuôn từ bản gốc không phải chưa từng có. “Sắc đẹp ngàn cân” là một thí dụ. Khi cố gắng bê nguyên kịch bản lẫn các tình tiết của một bom tấn 10 năm trước lên rạp, ekip đã hoàn toàn thua cuộc.

HDMT vốn cực kỳ thành công bởi lan truyền được tinh thần Hàn Quốc rõ nét. Mặc dù được mua kịch bản và làm phim trên nhiều nước nhưng hầu như không có phiên bản nào thành công ở ngay chính quốc gia của họ. Hiếm có bộ phim truyền hình nào được chăm chút truyền thông như HDMT Việt Nam. Nhưng có thể nhận ra rằng, HDMT bản Việt chỉ là một món ăn theo câu khách cho vui, chứ để nói đó là một bước tiến của phim Việt thì chắc là không. Bản hùng ca về người lính - như nhà sản xuất tự nhận về bản Việt hóa này - sẽ là một bản hùng ca khập khiễng, khi bê nguyên vẹn phong cách một anh lính Hàn Quốc vào phim.