Những tay trống độc đáo

Với phương châm “vui khỏe mỗi ngày”, nhiều cụ ông, cụ bà tại phường Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội đang hăng say luyện tập để trở thành những tay trống cừ khôi. 

Bà Hoa luôn tạo điểm nhấn qua phong thái trình diễn đầy cảm xúc.
Bà Hoa luôn tạo điểm nhấn qua phong thái trình diễn đầy cảm xúc.

Những tay trống “đồi mồi”

Khởi nguồn hoạt động của đội trống là bà Đào Thị Hoa (chủ nhiệm CLB). Tình yêu nghệ thuật mãnh liệt đã thôi thúc bà phải thực hiện bằng được mong ước phát triển đội trống ngày một lớn mạnh. Mỗi năm, câu lạc bộ (CLB) lại liên tục tiếp nhận những thành viên mới gia nhập bộ môn này. Sau 9 năm hoạt động, từ tháng 7-2012, đội hình chính thức của câu lạc bộ (CLB) trống nghệ thuật truyền thống phường Khương Đình đã có 26 hội viên: 10 trống trận, 6 trống cái, 6 trống quân và các vị trí múa cờ, gõ chiêng... Đa số là các ông, bà, cụ ông, cụ bà trong độ tuổi từ 55 - 75 tuổi. Gần đây, CLB mới tiếp nhận một số bạn trẻ đảm nhiệm vị trí dự bị.

Bà Hoa chia sẻ: “Lúc đầu chỉ có ba cái trống cái, bốn cái trống con, hai cái trống quân. Một số cái còn bị thủng. Tôi đã phải đi xin khắp nơi từ các công ty, nhà tài trợ đạo cụ biểu diễn để tạo dựng nền móng cho CLB”. Ngay từ những ngày đầu thành lập, đội trống đã được biểu diễn ở đình làng trong những dịp đại lễ, ngày hội lớn của địa phương. Từ đó, đội tạo được mời trình diễn ở các địa điểm lớn như Hoàng thành Thăng Long, trong các hoạt động của Hội Phụ nữ thành phố, Hội Người cao tuổi… CLB còn mang trống đi “đánh xứ người” ở các tỉnh, thành phố khác: Nam Định, Hải Dương, Thái Bình,… biểu diễn cả cho du khách nước ngoài thưởng thức.

CLB trống truyền thống phường Khương Đình khác với những đội trống khác “trống cái gọi trống quân, trống quân gọi trống chặt, trống chặt gọi hai cheng lên, sau đó hai cờ ra múa,…” tạo thành một bản “giao hưởng” mang hơi thở dân gian, hàm chứa những dấu ấn thiêng liêng của lịch sử. CLB tự tạo ra nguồn kinh tế độc lập khi đi biểu diễn cho các công ty, nhãn hàng. Số tiền thu về sẽ được dùng để duy trì hoạt động và một phần hỗ trợ cho các hội viên có hoàn cảnh khó khăn làm ăn. CLB thường dành thời gian luyện tập vào mỗi chiều thứ sáu hằng tuần ở đình làng Khương Hạ. Khi sắp tới buổi diễn, các thành viên sẽ tập cả tuần trước đó để có thể phối hợp thành thục, cho ra những tiết mục hoàn hảo nhất phục vụ công chúng. Đối với người cao tuổi, lần đầu tiếp xúc nghệ thuật thường gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với niềm đam mê văn nghệ, các thành viên đã dành nhiều tâm huyết luyện tập để có thể vượt qua rào cản về tuổi tác. Việc tham gia CLB cũng góp phần cải thiện sức khỏe, tinh thần của cả đội. “Khi đánh trống, chúng tôi cảm thấy vui vẻ, trẻ khỏe hơn và quên đi những lo toan mệt mỏi thường ngày”, ông Nguyễn Xuân Trường (65 tuổi) chia sẻ. 

Anh Nguyễn Thanh Tùng (35 tuổi, làm việc tại Nhà hát Múa rối Thăng Long) hiện đang là thầy giáo của CLB trống truyền thống cho biết: “Trong môn trống nghệ thuật, đối với những người cao tuổi, yếu tố cảm xúc sẽ là điều then chốt quyết định nên sự thành công của màn trình diễn. Nó tạo ra một chất xúc tác đưa tinh thần của cả đội lên cao, góp phần truyền tải nội dung của bài trống đến người xem một cách thăng hoa nhất”. Kỹ thuật còn hạn chế và có thể được cải thiện theo thời gian; nhưng cảm xúc của các ông, các bà khi trình diễn thì luôn “rực lửa” trên những đôi tay đã lấm tấm  “đồi mồi”.

Tiếp lửa văn hóa dân gian

“Các bà, các ông ở đây đâu thể chơi trống mãi được, đương nhiên đều mong muốn thế hệ trẻ phát huy và duy trì được những giá trị văn hóa truyền thống nói chung và bộ môn trống nghệ thuật của làng nói riêng. Đây không chỉ là niềm vui mà còn là sự tự hào, là cuộc sống của các bác nên phải có trách nhiệm trong việc giữ gìn tinh hoa trong từng tiếng trống”, cô Hoàng Thị Hiển (57 tuổi, đội viên đội trống) tâm sự. 

Tiếng trống từ tay những người cao tuổi vang lên từ phía đình làng đã đánh thức mong muốn được tiếp nối môn nghệ thuật này của lứa trẻ. Nguyễn Xuân Long (20 tuổi, sinh viên Trường ĐH SK&ĐA Hà Nội), thành viên trẻ nhất của đội trống chia sẻ ý tưởng của mình trong việc giữ gìn và phát huy bộ môn trống nghệ thuật: “Để làm tốt được việc này trước hết cần truyền tải rộng rãi đến mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ thông qua các công cụ truyền thông đại chúng. Điển hình hiện nay là các mạng xã hội như Facebook, Instagram hay Tiktok. Báo chí cũng góp phần không nhỏ tạo tiếng vang, lan tỏa nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc”.
 
Các thành viên trẻ trong đội đang ấp ủ cho ra những sáng kiến đột phá. Không chỉ thay đổi trong cách truyền thông mà còn phải thay đổi trong chính khâu sản xuất và biên tập nội dung của bài trống. Mong muốn của các bạn trong tương lai là có thể sáng tác và thực hiện một bài trống truyền thống kết hợp trống hiện đại, giữa lớp trẻ và những người có kinh nghiệm, để tạo nên một tiết mục mới mẻ, thu hút, hợp “gu” của các bạn trẻ. Tuy nhiên, điều quan trọng là vẫn phải giữ được nét tinh hoa và ý nghĩa lịch sử hào hùng trong mỗi nhịp trống của các bậc cha ông.