Ngổn ngang Tam Đảo

Những năm gần đây, sự tăng trưởng mạnh của “ngành công nghiệp không khói” ở Tam Đảo được nhắc đến như một điểm sáng của Vĩnh Phúc. Tuy nhiên sự phát triển quá “nóng” cũng “đi kèm” mối lo.

Trung tâm Tam Đảo bừa bộn và chật chội.
Trung tâm Tam Đảo bừa bộn và chật chội.

“Hòn ngọc” chật chội

Tam Đảo được ví như “Đà Lạt” của miền bắc, từng được người Pháp gọi là “hòn ngọc của thiên nhiên”. Nhưng thời gian qua, sau đoạn đường khá đẹp mới mở từ chân núi, càng gần tới trung tâm Tam Đảo, đường hẹp dần và xe đông dần. Xe máy thì còn có thể luồn lách. Ô-tô thì cứ chậm rãi rồng rắn chờ nhau nhích lên. Du khách buộc phải kiên nhẫn cho kỳ nghỉ cuối tuần ở nơi được kỳ vọng mát mẻ và trong lành. Nhưng có vẻ như những kỳ vọng đó “mỏng” dần sau đoạn đường vất vả len lách giữa cả một “rừng” xe.

Trung tâm thị trấn ngổn ngang gạch đá. Xe tải chở vật liệu xây dựng chạy chen lẫn với xe du lịch và ở nhiều đoạn xe của du khách phải vất vả nhường đường cho xe máy thi công. Tiếng ồn và khói bụi ngột ngạt từ số lượng lớn những phương tiện chen chúc nhau làm cho vẻ trong lành, thơ mộng, bình yên của Tam Đảo tan biến… Công viên cũ là không gian công cộng duy nhất của thị trấn tuy có thêm được một vài thay đổi: được lát đá, dựng một số dụng cụ trò chơi cho trẻ em, thêm đèn chiếu sáng và trang trí… nhưng chật kín người và khó có thể vui chơi. Chỉ một số ít khách sạn cao cấp (trên mức ba sao) là có khuôn viên dành cho giải trí và thể thao nhưng chỉ phục vụ cho khách thuê khách sạn mà không mở cửa rộng rãi.

Nhà thờ cũ đổ nát từ những năm trước nay đã được xây lại khang trang, là điểm hút rất đông khách chụp ảnh check in. Nhưng có lẽ vì mới và “đẹp quá” nên chẳng còn thấy vẻ cổ kính rêu phong, gợi niềm trầm tư hoài cổ. Bên cạnh một số ít khách sạn có quy mô bề thế đang hoàn thiện theo quy hoạch là số đông những khách sạn nhỏ hơn với đủ các loại phong cách kiến trúc “tùy hứng”.

Đi qua phố chính, thấy dọc hai bên là san sát hàng quán đủ loại, đặc biệt rầm rộ mở ra vào buổi tối. Hàng ăn uống với nhiều món nướng, chắc là học mô hình của Sa Pa nên gần như giống y hệt. Hàng đồ chơi trẻ em, chủ yếu là đồ chơi Trung Quốc và cũng không ít súng, dao, kiếm được bán “vô tư”. Hàng quần áo du lịch được mời chào khuyến mại bằng loa kéo công suất lớn. Tiếng khoan bê-tông, tiếng máy cắt đá vang lên ở mọi góc trộn với đủ mọi loại tạp âm đường phố càng làm không khí tăng thêm căng thẳng…

Mất đi sự yên tĩnh và trong lành

Du lịch Tam Đảo có lợi thế rất lớn (và những lợi thế này đang được gia tăng) là gần với Hà Nội (chỉ trên dưới 80 km), gần sân bay quốc tế Nội Bài, lại gần sát đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai mới mở. Đường lên Tam Ðảo cũng đang được mở rộng, nâng cấp. Giao thông thuận tiện cùng với sự phát triển bùng nổ số lượng các phương tiện giao thông cá nhân ngày càng hiện đại đã làm tăng vọt số lượng khách đến Tam Đảo, nhất là dịp cuối tuần và những ngày nghỉ lễ. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết với thị trấn là cần đầu tư “đón đầu” về cơ sở hạ tầng lưu trú, dịch vụ, để không rơi vào tình trạng quá tải.

Theo kế hoạch, đến hết năm 2019, Tam Đảo phải xây dựng xong những cơ sở hạ tầng cần thiết: hoàn thành mở rộng đường lên Tam Đảo, các khách sạn đạt tiêu chuẩn bốn sao, khu tổ hợp dịch vụ nghỉ dưỡng cao cấp, khu ẩm thực, thương mại, công viên dành cho vui chơi giải trí..., chấm dứt hiện trạng “công trường” để có thể ung dung đón khách. Tuy nhiên, hiện trạng xây dựng ngổn ngang, khách đông đúc đến mức ùn ứ, “cháy” phòng khách sạn, không còn chỗ đỗ xe, cách thức kinh doanh dịch vụ nhỏ lẻ, tự phát… đã diễn ra ở Tam Đảo báo hiệu rằng diện mạo quy hoạch tổng thể không được khắc họa rõ nét và những tính toán về khả năng dung chứa của khu du lịch có vẻ như đã bị sự phát triển “nóng” vượt qua. Kể cả khi những công trình lớn hoàn thành và đưa vào sử dụng cũng khó có thể chắc chắn đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của số lượng khách đông đảo trên tổng diện tích nhỏ hẹp chi 214,87 ha.

Tính đúng “sức chứa” và quản lý tốt quy hoạch

KTS Hoàng Đạo Cầm, chuyên gia về quy hoạch du lịch (Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch) trao đổi: “Sức chứa” là một khái niệm trong phát triển du lịch, bắt nguồn từ yêu cầu phát triển bền vững. Việc tiếp nhận quá nhiều khách hay “ôm” nhiều hoạt động du lịch trong một khu du lịch tại một thời điểm, vượt quá khả năng cho phép sẽ xảy ra những khó khăn cho việc quản lý, cung cấp dịch vụ và làm ảnh hưởng đến môi trường, đến sự phát triển bền vững của khu du lịch nói riêng và môi trường văn hóa - xã hội cả khu vực nói chung và đặc biệt là ảnh hưởng tới cảm nhận của khách du lịch. “Sức chứa” chính là yếu tố quyết định sự tồn tại và phát triển bền vững của khu du lịch và tính toán đúng “sức chứa” trở thành một nhiệm vụ quan trọng trong quá trình lập quy hoạch, đầu tư xây dựng và quản lý phát triển khu du lịch, góp phần gìn giữ môi trường, cảnh quan, hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến môi trường tự nhiên và xã hội của điểm đến và đặc biệt quan trọng là bảo đảm cung cấp sản phẩm du lịch, ít nhất là đúng với kỳ vọng của du khách.

Với trường hợp Tam Đảo, KTS Hoàng Đạo Cầm cho rằng: Cần tăng cường giám sát, tránh tình trạng xây dựng nhỏ lẻ, tự phát, bừa bãi có thể phá vỡ quy hoạch kiến trúc tổng thể ở Tam Ðảo và cũng phải kiểm soát tốt lượng khách du lịch. Chỉ khi xây dựng tốt và triển khai nghiêm đồ án thiết kế đô thị và quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc thị trấn Tam Ðảo; tăng cường quản lý kiến trúc công trình, mật độ xây dựng, hình thức kiến trúc; ngăn chặn tình trạng vi phạm giấy phép xây dựng, thì mới có thể hy vọng Tam Ðảo là điểm đến hấp dẫn.