Nghìn năm vẫn nhớ

Đông đảo người yêu Truyện Kiều, mến mộ đại thi hào Nguyễn Du đã hội tụ về Tiên Điền (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) tỏ lòng thành kính những giá trị đã làm vinh dự dân tộc Việt Nam, văn chương và ngôn ngữ Việt…

Nhiều hiện vật quý gắn với cuộc đời, sự nghiệp của đại thi hào Nguyễn Du được trưng bày tại Khu lưu niệm.
Nhiều hiện vật quý gắn với cuộc đời, sự nghiệp của đại thi hào Nguyễn Du được trưng bày tại Khu lưu niệm.

Mạch nguồn bất tận 

Mảnh đất Nghi Xuân (Hà Tĩnh) từ xa xưa đã được biết đến bởi những dòng họ khoa bảng, trong đó có họ Nguyễn Tiên Điền vào nửa cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19. Bố Nguyễn Du là Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm từng giữ chức Tể tướng. Mẹ là Trần Thị Tần, xuất thân từ dòng họ có truyền thống khoa bảng ở Kinh Bắc.

Truyền thống dòng tộc, sự giao thoa của văn hóa xứ Nghệ - Kinh Bắc và kinh kỳ Thăng Long là mạch nguồn nuôi dưỡng Nguyễn Du trở thành nhân cách lớn, tâm hồn lớn và tài năng vượt thời đại… Từ hiện thực sinh động của xã hội Việt Nam trong thời kỳ đó, với bao thăng trầm của lịch sử, chứng kiến những cảnh đời ngang trái, rồi khi làm quan, đi sứ, lúc phải bôn ba giữa vòng xoáy tao loạn, lưu lạc ở nhiều miền quê; từ mạch nguồn văn phái Hồng Sơn, nối tiếp dòng văn Tiên Điền, bằng tài năng và trái tim nhạy cảm của một nghệ sĩ bậc thầy, đại thi hào dân tộc Nguyễn Du đã viết nên những áng văn chương thấm đẫm tình đời và tình người như “Thanh Hiên thi tập”, “Nam Trung tạp ngâm”, “Bắc hành tạp lục”, “Văn chiêu hồn” và đỉnh cao là kiệt tác Truyện Kiều. Năm 2015, trong Lễ kỷ niệm 250 năm Ngày sinh của đại thi hào Nguyễn Du, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam từng ca ngợi: “Tác phẩm của Nguyễn Du đã có mối liên hệ chặt chẽ với các lĩnh vực trọng tâm của UNESCO, tiêu biểu như: liên quan đến khát vọng hòa bình, chủ nghĩa nhân văn, giá trị gia đình, truyền thống văn hóa. Tác phẩm của Nguyễn Du còn có mối liên hệ với bình đẳng giới - lĩnh vực hoạt động của UNESCO. Và tầm vóc của Nguyễn Du không chỉ đối với dân tộc Việt Nam mà còn ở cả nhân loại”.

Những ngày qua, tại Hà Tĩnh, các hoạt động tri ân, vinh danh đại thi hào Nguyễn Du đã được tổ chức với những hình thức phù hợp, ý nghĩa, như: hội thảo khoa học, công diễn kịch thơ, triển lãm tranh, tổ chức thi và trao 99 giải thưởng văn học Nguyễn Du, “Bạn đọc thuộc Kiều” và “Viết văn tế Nguyễn Du”; tổng kết cuộc thi tìm hiểu về đại thi hào dân tộc Nguyễn Du và Truyện Kiều với sự tham gia của hơn 130 nghìn thầy giáo, cô giáo và các em học sinh trong toàn tỉnh; tổ chức lễ giỗ. Trong đó điểm nhấn chính là Lễ kỷ niệm 255 năm Ngày sinh đại thi hào dân tộc Nguyễn Du. 

Phát huy giá trị di sản 

Khu lưu niệm đại thi hào, nơi gặp gỡ những người yêu mến Tố Như và Truyện Kiều nằm trên diện tích chừng 20 ha từ bờ nam sông Lam đến xứ Đồng Cùng, gồm quần thể các di tích của dòng họ Nguyễn Tiên Điền, được chia thành các khu vực chính: Nhà thờ Nguyễn Du; Bảo tàng Nguyễn Du; đền thờ Nguyễn Nghiễm, cụ Nguyễn Trọng; đàn tế và bia đá Nguyễn Quỳnh; hai ngôi nhà Tư văn; khu mộ đại thi hào…

Khu lưu niệm được thành lập từ năm 1965, đến ngày 27-9-2012, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1419/QĐ-TTg xếp hạng thành Khu di tích quốc gia đặc biệt. Theo Trưởng ban Quản lý Hồ Bách Khoa, hiện khu lưu niệm đang bảo tồn nhiều hiện vật, tư liệu quý như các bản Kiều dịch ra tiếng Nhật, Ba Lan, Hungari, Mông Cổ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đức; bản Kiều Nôm năm Bính Ngọ - 1906; bản Kiều “Kim - Túy - Tình - Từ” in bằng chữ Quốc ngữ năm 1917; bản tranh minh họa Truyện Kiều đã trưng bày năm Ất Tỵ - 1965 tại Hà Nội; bộ tranh bột mầu và tranh sơn mài khảm trai về nội dung Truyện Kiều; bản chữ Hán Tiên Điền xã Tân khoa văn - viết về Văn Thánh Tiên Điền; mộc bản triều Nguyễn về Nguyễn Du - sách “Đại Nam chính liệt truyện sơ tập” quyển 20; bộ sách “Tùng thư Truyện Kiều”...). “Chúng tôi đã phối hợp các nhà sử học, nhà nghiên cứu văn hóa… tổ chức sưu tầm, dịch thuật, khảo cứu những tư liệu liên quan đến cuộc đời Nguyễn Du và các danh nhân trong dòng họ, góp phần làm rõ và hệ thống những giá trị mà dòng họ Nguyễn Tiên Điền để lại, góp phần mở rộng thêm không gian nghiên cứu văn hóa Truyện Kiều và Nguyễn Du”, ông Hồ Bách Khoa cho biết. 

Theo chị Nguyễn Thị Vân Huyền (cháu đời thứ bảy của đại thi hào Nguyễn Du) nhân viên Ban Quản lý, với trách nhiệm, niềm tự hào của một hậu bối, chị Huyền luôn nỗ lực truyền cảm hứng tự hào về dòng họ, về những đóng góp lớn lao của dòng họ Nguyễn Tiên Điền với lịch sử, văn hóa quê hương, dân tộc. Hòa trong dòng người về viếng Nguyễn Du dịp kỷ niệm 200 năm Ngày mất của đại thi hào, chị Lê Thị Vân ở TP Hồ Chí Minh không khỏi bồi hồi xúc động trước những hiện vật, câu chuyện gắn bó với đại thi hào. Chị Vân cho biết: Được về đây, tôi cảm nhận rõ hơn về con người cụ Nguyễn. Trách nhiệm của một công dân, một vị quan đã hòa quyện vào con người thi nhân chất chứa nỗi đau nhân tình, biết đau, biết chia sẻ, cảm thông, biết tôn vinh vẻ đẹp con người.

Theo ông Hà Văn Thạch, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, Truyện Kiều là tác phẩm văn học Việt Nam được bàn luận, quảng bá, nghiên cứu nhiều nhất trong và ngoài nước. Từ lâu chúng tôi đã nghe được những tiếng lòng tâm huyết và trách nhiệm, kể cả đề xuất chính thức trong một số hội thảo khoa học của các học giả, nhà văn về việc thành lập các trung tâm, quỹ bảo tồn di sản Nguyễn Du. Điều này phù hợp nguyện vọng tha thiết của nhiều tầng lớp nhân dân. Thật vui mừng, trong dịp kỷ niệm Ngày sinh và tưởng niệm Ngày mất của cụ năm nay, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã thành lập Quỹ Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Nguyễn Du và Truyện Kiều. Hy vọng sẽ góp phần phát huy hiệu quả giá trị di sản quý báu của Nguyễn Du cho hậu thế.