Nên mừng hay lo?

Theo nhận định được Tổng cục Du lịch đưa ra, sau ba năm tăng cao liên tục, du lịch Việt Nam khó có thể tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao, ở mức trung bình 30%/năm như ba năm qua.

Du khách thăm chùa Linh Ứng (Đà Nẵng).
Du khách thăm chùa Linh Ứng (Đà Nẵng).

Nguy cơ du lịch đại trà

Trong sáu tháng đầu năm 2019, tổng số khách quốc tế đến Việt Nam đạt xấp xỉ 8,5 triệu lượt, tăng 7,5% so cùng kỳ năm 2018. Lượng khách du lịch nội địa ước đạt 45,5 triệu lượt, khách lưu trú đạt 22,9 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch đạt 338.200 tỷ đồng, tăng 8,4% so cùng kỳ năm 2018.

Tuy nhiên, theo ông Vũ Quốc Trí, Chánh Văn phòng Tổng cục Du lịch, nhiều thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam đã chững lại so các năm trước. So cùng kỳ năm 2018, trong sáu tháng đầu năm 2019, một số thị trường khách giảm như Campuchia giảm 51,0%, Lào giảm 23,0%, Trung Quốc giảm 3,3% và Australia giảm 0,3%. Khách Hàn Quốc, Nhật Bản tuy có tăng trưởng (Hàn Quốc tăng 21,3%; Nhật tăng 12,8%) nhưng đã chậm hơn so năm ngoái.

Đầu tháng 7, Ngân hàng Thế giới (WB) vừa ra mắt ấn phẩm “Điểm lại - Cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam” với chuyên đề riêng về du lịch đã đưa ra nhận định, Việt Nam đến nay đã đuổi kịp Indonesia về tổng lượt khách quốc tế, đồng thời đang thu hẹp khoảng cách với các quốc gia đứng đầu về số lượt khách trong khu vực như Malaysia và Thái-lan. Tính theo đầu người (nghĩa là có xét đến quy mô tương quan của quốc gia), số lượt khách của Việt Nam dường như còn nhiều khả năng tăng trưởng hơn so Malaysia và Thái-lan, nơi có số lượt khách đã lên xấp xỉ lần lượt 80% và 55% dân số quốc gia của họ.

Tuy nhiên, các chuyên gia của WB cũng chỉ rõ, do tỷ lệ du khách quốc tế tăng cao trong thời gian qua lại trùng hợp thời kỳ du lịch trong nước phát triển mạnh, các điểm đến phổ biến của du khách trong nước đang phải đối mặt áp lực quá tải du lịch ngày càng tăng, đặc biệt trong các tháng có sự trùng lặp về mùa du lịch của khách trong nước và quốc tế, bao gồm TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Quảng Nam và các địa phương khác.

“Quá tải” tại các điểm đến du lịch cũng là điều mà Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đưa ra trong ấn phẩm Sách trắng 2019 vừa mới công bố. Thực trạng thiếu các sản phẩm du lịch và dịch vụ hấp dẫn, đặc biệt là các sản phẩm du lịch và dịch vụ bền vững có thể làm tổn hại lợi thế cạnh tranh của Việt Nam và làm chậm tăng trưởng du lịch trong những năm tới. Ấn phẩm này nêu rõ, “sự phát triển này thiếu tính bền vững, tiềm ẩn nguy cơ biến Việt Nam trở thành điểm đến du lịch đại trà, khiến chúng ta mất đi nhiều cơ hội khai thác các thị trường quan trọng và mang lại nhiều lợi nhuận khác”.

Tập trung cho chất thay vì lượng

Đại diện Tổng cục Du lịch cũng thừa nhận, hoạt động du lịch thời gian qua còn bộc lộ những hạn chế cần tập trung khắc phục: công tác bảo đảm an ninh, an toàn, vệ sinh môi trường vẫn còn nhiều thiếu sót, rác thải ô nhiễm, tai nạn ảnh hưởng đến an toàn của khách du lịch tại các điểm du lịch còn xảy ra, đặc biệt vào các dịp lễ hội, mùa cao điểm du lịch; ý thức chấp hành pháp luật của một số tổ chức, cá nhân trong hoạt động du lịch chưa cao.

Báo cáo thường niên du lịch Việt Nam 2018 vừa mới công bố cũng đưa ra những nhận định, dự báo cho năm 2019, nhấn mạnh triển vọng khách du lịch quốc tế toàn cầu sẽ tăng khoảng 3 - 4%, tương đương mức trung bình trong toàn giai đoạn 2008 - 2018 và thấp hơn mức tăng 5,6% năm 2018. Khu vực châu Á và Thái Bình Dương dự báo tăng khoảng 5 - 6% trong năm 2019. Trong bối cảnh đó, du lịch Việt Nam vẫn có thể có mức tăng cao hơn mức trung bình của thế giới và khu vực nhưng ở mức thấp hơn so các năm trước. Điều này do bối cảnh, xu hướng quốc tế và lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã đạt quy mô lớn hơn thời kỳ trước sau ba năm tăng cao liên tục, khó có thể tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao.

Điều này không quá bi quan bởi theo nhiều chuyên gia, nếu cứ giữ mô hình tăng trưởng du lịch như trên thì du lịch Việt Nam sẽ gặp rủi ro bởi tác động kinh tế giảm dần, tài sản văn hóa và thiên nhiên dành cho du lịch xuống cấp hoặc không có điều kiện tái đầu tư trở lại.

Tuy nhiên, với mục tiêu trong năm 2019 là đón khoảng 17 - 18 triệu lượt khách quốc tế thì áp lực mà ngành du lịch phải thực hiện là trong sáu tháng cuối năm phải thu hút tới 9,1 triệu lượt khách quốc tế mới cán đích. Khi đó, sự chuyển dịch trọng tâm để phát triển theo hướng bền vững hơn về văn hóa, xã hội và môi trường... cũng sẽ bị sức ép từ các chỉ tiêu số lượng trước mắt. Ngành du lịch vì vậy sẽ phải rất nỗ lực vượt qua thách thức để cán đích.