Nặng lòng với bản sắc văn hóa Hrê

Nhận thấy bản sắc văn hóa của dân tộc mình đang mai một, ông Đinh Công Bôn, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Sơn Trung (huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi) đã lên kế hoạch kéo dài hàng chục năm để tìm lại, lưu giữ những hiện vật, đạo cụ xưa cũ của người Hrê. Nhờ công sức của ông Bôn, hôm nay giữa huyện miền núi Sơn Hà đã có một bảo tàng văn hóa Hrê thu nhỏ với hàng trăm hiện vật…

Nhiều hiện vật trong đời sống văn hóa của người Hrê tái hiện qua không gian trưng bày và lời kể của ông Đinh Công Bôn.
Nhiều hiện vật trong đời sống văn hóa của người Hrê tái hiện qua không gian trưng bày và lời kể của ông Đinh Công Bôn.

Gìn giữ cội nguồn

Trò chuyện với chúng tôi, ông Bôn vô cùng chua xót khi nhiều giá trị văn hóa của dân tộc Hrê đang dần mai một trên những nẻo rừng. Bản thân ông Bôn vốn là Bí thư của xã Sơn Trung, địa phương chiếm số đông người dân tộc Hrê. “Hiện tôi đã nghỉ hưu, cố gắng nghỉ ngơi làm một công dân, một người con có ích trong cộng đồng Hrê. Thời gian còn lại, tôi sẽ dành hết thời gian để đeo đuổi nguyện vọng cuối đời là lưu giữ, bảo tồn lại các bản sắc văn hóa của dân tộc mình”, ông Bôn nói ý nguyện.

Ông tâm sự, không chỉ văn hóa người Hrê mà nhiều dân tộc ở miền núi khác vùng Nam Trung Bộ và cả Tây Nguyên cũng đang bị mai một, dần mất đi. “Nhiều nguyên nhân khiến cho các bản sắc văn hóa của người miền núi bị mai một, trong đó có cả khách quan và chủ quan. Nhưng nếu chúng ta vẫn cứ dửng dưng thì những thứ đẹp đẽ của núi rừng, bản sắc của từng dân tộc phía núi sẽ mất đi rất đáng tiếc…”. Ông Bôn kể, những năm cuối thế kỷ trước, ở vùng rừng núi Sơn Hà dấy lên tình trạng con buôn tứ phương đổ đến vơ vét, thu mua hết các hiện vật, di vật cổ của người Hrê. Những toán người ở đồng bằng không ngừng đổ đến lùng sục, thu mua bằng hết các nhạc cụ cồng chiêng, hiện vật cổ có giá trị của người Hrê rồi mang đi đâu, làm gì thì không ai biết. Một số người dân Hrê lúc đó cũng vì điều kiện sống khó khăn, thiếu hiểu biết nên bị người ngoài mua chuộc làm “tay chân” cho con buôn mặc sức vơ vét. Thậm chí nhiều tốp người còn manh động, lợi dụng đêm khuya để tổ chức các cuộc khai quật, trộm mộ của những người Hrê đã khuất để lấy đi các di vật chôn kèm.

Ông Bôn gọi đó là một cuộc “đánh cắp” bản sắc văn hóa tinh thần của các bản làng dân tộc ở miền núi. Ông lo lắng từ việc mất đi các hiện vật, đạo cụ cổ xưa thì tâm thức của người Hrê cũng tự chối bỏ “linh hồn” của họ. “Bản thân tôi lúc ấy là một cán bộ đứng đầu xã Sơn Trung, nơi có đến 80% dân số là người Hrê. Đặc biệt, tôi cũng là người con của dân tộc Hrê, tôi cảm thấy rất xót xa khi nhiều đồ vật ghi dấu văn hóa xứ sở bị mua bán. Một nền văn hóa mà tổ tiên chúng tôi dựa vào hàng nghìn năm lao động sáng tạo. Giờ mọi thứ cứ dần mất đi hết nên tiếc nuối lắm!”, ông Bôn lo lắng. Từ đó, ông quyết định đứng ra “tuyên chiến” với những phường buôn cổ vật và bắt tay vào “cứu lấy” những hiện vật Hrê đang bị đem bán.

Về sau, người dân tộc Hrê ở xã Sơn Trung và nhiều xã lân cận thường hay thấy ông Bôn đi lang thang xin hoặc mua những món đồ cũ bỏ đi ở các bản làng. Mặc dù công việc chính quyền lúc ấy khá bận rộn, nhưng cứ đến ngày nghỉ lễ, cuối tuần là ông bí thư tranh thủ đi bản để tìm đồ cũ. Có món thì dân bản cho ông, có món thì ông dành dụm tiền lương hằng tháng để mua về. Hiện vật ông Bôn sưu tầm rất đa dạng, từ chiêng, trống đến nồi niêu, chóe, đai vỏ cây, nỏ ná, rổ rá, dụng cụ săn bắt, đàn sáo… Mỗi lần tìm được hiện vật gì, ông thường “ăn dầm ở dề” để hỏi han, ghi chép, học cách sử dụng bằng được những đạo cụ lạ để giới thiệu lại cho mọi người biết. Quá trình đi sưu tầm đồ cũ, ông Bôn cùng với nhiều cán bộ ở Sơn Trung đã thực hiện nhiều cuộc “cứu giữ” và chuộc lại hàng loạt hiện vật văn hóa của người Hrê bị đem bán ra ngoài.

Nặng lòng với bản sắc văn hóa Hrê -0
Ông Đinh Công Bôn mang chiêng trống đi thuyết phục dân làng chơi trong các lễ hội, ngày cúng bái thần linh. 

Góp phần lan tỏa bản sắc văn hóa Hrê

Sau hàng chục năm sưu tầm, lưu giữ các hiện vật, đạo cụ cũ của người Hrê, ông Bôn quyết định lập ra một “bảo tàng” văn hóa Hrê thu nhỏ trong căn nhà mình. Vài năm trở lại đây, nguyên Bí thư xã Sơn Trung mở bảo tàng này để phục vụ miễn phí cho việc học tập, nghiên cứu của các tổ chức, người trẻ, học sinh và du khách trong và ngoài địa phương. Ngoài ra, ông Bôn kiêm luôn việc hướng dẫn, giải thích và truyền dạy cho những người trẻ, học sinh và khách tham quan hiểu về vai trò, chức năng của từng hiện vật do mình sưu tầm. Dở cuốn sổ ghi chép cũ ra, ông Bôn bắt đầu giải thích tường tận cho tôi nghe về công dụng các hiện vật, nguồn gốc, quá trình sưu tầm. Đó là bộ cồng chiêng, cây đàn ra đong, chinh kala, sáo tiêu taliaq và đủ loại gocg (nồi) đồng của người Hrê… Hay cây sáo đất của nghệ nhân Đinh Ngọc Xu ở bản Sơn Thượng (xã Sơn Trung) tặng lại cho bảo tàng của ông Bôn trước lúc già Xu mất…

Ông Bôn tâm sự, bây giờ ở một số lễ hội của người Hrê không còn nghe tiếng chiêng, tiếng đàn ra đong, brook, chinh kala nữa. Nhiều trai trẻ Hrê cũng không còn yêu nhau bằng tiếng khèn ra vai, sáo tiêu taliaq mà lại say sưa với các dòng nhạc đương đại. Lo nền văn hóa bị đánh mất, ông Bôn nảy ra ý tưởng “đi bụi”. Cứ thấy các bản tổ chức lễ hội là ông lại mang chiêng, trống, đàn, sáo… mà mình có rồi tìm đến. Ông nói: “Tôi đến gặp các cụ lớn tuổi trong bản để thuyết phục họ sử dụng đạo cụ do tôi sưu tầm cho buổi lễ. Tôi còn mua rượu thịt ngon để dân bản sum vầy lại cùng chơi cùng nghe âm nhạc truyền thống của người Hrê. Cách này có vẻ hơi điên nhưng hiệu quả rất cao, chiêng trống, kèn sáo dần được người dân sử dụng và bọn trẻ thích thú, tò mò lắm!”.

Nhờ sự nỗ lực không mệt mỏi nên mới đây ông Bôn đã tập hợp được một đội cồng chiêng cùng nhiều tài công, nghệ sĩ làng chơi đủ bộ đạo cụ trong âm nhạc của người Hrê. Hằng năm, đội “nghệ sĩ làng” ở Sơn Trung do ông Bôn khởi xướng đã đi trình diễn, giao lưu ở rất nhiều địa phương. Để duy trì sự có mặt của các thành viên trong đội, ông Bôn phải tự bỏ kinh phí ra để hỗ trợ cho các tài công, nghệ sĩ. Ngoài ra, ông Bôn còn sử dụng mạng xã hội để dựng clip giới thiệu, quảng bá những loại hình âm nhạc, hiện vật văn hóa của người Hrê ra cộng đồng. “Dù còn vô vàn khó khăn để lan tỏa âm nhạc, bản sắc văn hóa Hrê nhưng tôi tin là mình sẽ làm được. Từ đây, tôi sẽ dành hết quãng thời gian còn lại tiếp tục “đi bụi”, gặp hết những già bản để tập hợp và ghi chép lại tất cả những bản sắc văn hóa của người Hrê ra làm hai thứ tiếng Hrê và tiếng Kinh để lưu lại mai sau…”, ông Bôn tâm sự.

Ông Phùng Tô Long, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà (tỉnh Quảng Ngãi), cho biết, ông Đinh Công Bôn không chỉ dày công sưu tầm, lưu giữ và bảo tồn các hiện vật văn hóa, nhạc cụ của người Hrê mà ông còn ghi chép lại những hiểu biết của mình thành sách để lưu lại, truyền dạy cho các học sinh và người trẻ. Trước những đóng góp lớn lao của ông, năm 2019 ông Bôn được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú vì đã có cống hiến xuất sắc trong gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc…