Mở thêm cửa đón văn hóa đọc

Trong chương trình chào mừng “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2019”, đại diện lãnh đạo các Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông… đã phát động xây dựng tủ sách “Học tập suốt đời”, đồng thời giới thiệu một số di sản của các học giả từ nửa đầu thế kỷ 20.

Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời tại Việt Nam tổ chức vào tháng 10 hằng năm nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về vai trò, ý nghĩa và sự cần thiết của việc học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập. Trong những năm qua, hoạt động này đã đạt hiệu quả tích cực. Từ đó, nhiều lớp học chuyên đề đã được mở ra, nhiều thư viện, tủ sách cho các cơ sở giáo dục, lớp học và cho cộng đồng đã được xây dựng, góp phần phát triển văn hóa đọc trong toàn xã hội.

Năm 2019, tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời gắn với chủ đề “Tự học là một cách xây dựng xã hội học tập” giúp người dân hiểu rõ về tầm quan trọng của việc tự học để nâng cao kiến thức, kỹ năng... Trong đó, văn hóa đọc đóng vai trò chủ chốt trong việc tự bồi dưỡng năng lực bản thân. Tự học thông qua đọc sách đem lại kết quả lâu dài trong quá trình phát triển con người giống như giáo dục ở nhà trường. Bởi vậy nếu muốn đạt hiệu quả tốt nhất, một số diễn giả cho rằng trước hết người đọc phải dành thời gian suy ngẫm về những kiến thức mà cuốn sách đem lại. Sau đó, quá trình ghi chép là hết sức cần thiết, nhằm phân biệt ba yếu tố bao gồm nội dung của cuốn sách, ý kiến bình luận của người khác và suy nghĩ bản thân. Ngoài ra, kỹ năng đọc cũng phải phát triển song song khả năng nói và biểu đạt cho người khác. Cuối cùng, việc đọc sách phải gắn với thực hành tư duy, áp dụng những kiến thức vào cuộc sống.

Đề cập đến vai trò quan trọng của đọc sách đối với thế hệ trẻ, Vụ trưởng Thư viện - Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch Vũ Dương Thúy Ngà thí dụ, một bài báo giáo dục của Mỹ năm 2004 khẳng định, học sinh đến lớp 1 mà chưa có kỹ năng đọc sách là quá muộn. Tại Israel, đất nước coi truyền thống yêu đọc sách là một biểu tượng, trẻ em cũng được giáo dục tình yêu đọc sách từ sớm. Tất cả các quốc gia phát triển khác như Anh, Nhật Bản, Singapore… đều đề cao việc đọc sách… Hình thành thói quen đọc hiện nay cho 23 triệu học sinh, sinh viên là vấn đề quan trọng, đòi hỏi vai trò to lớn của Bộ GD&ĐT, cũng như sự quan tâm của gia đình và toàn xã hội.

Hiện Bộ GD&ĐT đang triển khai hai đề án liên quan việc đọc sách. Một là phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Hai là đề án đẩy mạnh học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa và câu lạc bộ. Trường học cũng sẽ là nơi trao cho học sinh, sinh viên “chìa khóa” cho quá trình học tập suốt đời, thông qua việc hình thành thói quen và kỹ năng đọc trong những tiết đọc sách. Tất cả các yếu tố đó đều góp phần xây dựng một xã hội học tập, hình thành nên “những con người thông thái và trí tuệ”, giống như Bác Hồ từng mong muốn.