Lời chào mang tên “Âm thanh Hà Nội”

Gần 20 năm trước, mới bước vào công việc báo chí văn hóa - văn nghệ, tôi may mắn được gặp một số nghệ sĩ tài hoa. Trong âm nhạc đương đại, đó là nhạc sĩ Vũ Nhật Tân. 

Vũ Nhật Tân trước buổi biểu diễn “Âm thanh Hà Nội” ngày 11-10-2019.
Vũ Nhật Tân trước buổi biểu diễn “Âm thanh Hà Nội” ngày 11-10-2019.

Cần nhất là cảm 

Tôi làm việc ngay gần Nhà hát Lớn Hà Nội. Mỗi lần có một dàn nhạc giao hưởng nước ngoài tới Việt Nam, tôi thường được đến nghe. Có một điều lạ sau mỗi buổi biểu diễn đó, đi bộ về chỗ làm, lại thấy toàn thân khỏe khoắn và rung động nhiều ý tưởng lạ. 

Thật may là tôi có dịp gặp Vũ Nhật Tân để trò chuyện, phỏng vấn, khi đó anh đã tu nghiệp ngắn hạn tại Đức, Mỹ trở về, từng được tham dự trực tiếp khá nhiều sự kiện âm nhạc đương đại lớn ở nước ngoài và là giảng viên tại Học viện Âm nhạc quốc gia. Sinh ra trong gia đình âm nhạc “có nòi”, nên anh nắm môi trường âm nhạc bằng “con đường hai chiều”, vừa cổ điển phương Tây, vừa truyền thống Việt Nam và thích thú với nguồn âm thanh phong phú của thời hiện tại. Ông thân sinh anh là PGS, TS Vũ Nhật Thăng. Ngay từ năm 1992, khi đang là sinh viên học viện, Vũ Nhật Tân đã đoạt giải trong một cuộc thi bằng bản nhạc sáng tác cho năm nhạc cụ dân tộc: sáo, nhị, nguyệt, tranh, bộ gõ. 

Khi trò chuyện, tôi được anh giải thích rất nhanh về việc ghi âm thực tốt thì sóng âm thanh nặng nhẹ sẽ có giá trị khác ra sao, nếu so việc nghe qua cái “vỏ âm thanh” từ băng - đĩa phổ thông. Môi trường đại chúng thì nhạc có lời là phục vụ tâm lý và một chiều. Còn nhạc không lời, dù cổ điển bác học hay hiện đại, là đa chiều và nhạc điện tử có lợi hơn bởi sử dụng phương tiện điện tử vẫn có thể phối được sức nặng âm thanh, mà không cần cả trăm người biểu diễn một lúc. Theo anh Tân nói, thì để cảm nhạc, việc đón thẳng vào trung khu thần kinh bằng sóng âm “nặng ký” thì trạng thái người nghe sẽ khác. Và cần nhất là phải mở cửa đầu óc, trái tim ra, nghe nhạc thật với chất lượng âm thanh tốt, giống như cách trị liệu tâm hồn lành mạnh. Điều cần nhất là “cảm” chứ không cần hiểu và lý giải nọ kia. 

Từ đó, tôi không bỏ sót buổi biểu diễn thể nghiệm “độc hành độc đạo” nhạc điện tử phối “mỏ nhạc dân tộc”, và những bản âm thanh đường phố Hà Nội mà Vũ Nhật Tân thường tự ghi và trình diễn đầy ngẫu hứng. Những buổi thể nghiệm như vậy thường diễn ra tại hội trường lớn Vân Hồ, không bán vé mà người nghe thường là bạn bè của anh, cùng những khách mời phóng viên cũng ham mê thưởng thức âm nhạc đương đại…

Con đường trở về truyền thống

Tôi cũng thường xuyên được gặp và nghe những buổi biểu diễn âm nhạc đương đại của các “danh thủ” cùng thế hệ 7x với anh. Ngoài nữ nhạc sĩ Kim Ngọc cùng với Vũ Nhật Tân xuất thân từ Nhạc viện Hà Nội, còn có nhạc sĩ Nguyễn Xuân Sơn (Sơn-X), học cả nhạc và hội họa tại Trường đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội. Những người khác lại xuất thân từ học mỹ thuật như Nguyễn Văn Cường, Nguyễn Mạnh Hùng… 

Để bước đi trên con đường dài của sự sống âm nhạc đương đại, Vũ Nhật Tân khẳng định rằng, nhạc mới muốn sống được chỉ có con đường làm móng vững là trở về với âm nhạc dân tộc truyền thống. Năm 2015, anh cùng bạn bè lập ra nhóm Nhạc mới Hà Nội (Hanoi New Music Ensemble), bắt tay chặt chẽ với nhóm Đông Kinh cổ nhạc (do nghệ sĩ Đàm Quang Minh và các nhạc công dân tộc cao tuổi thành lập), thường xuyên biểu diễn tại số 50 Đào Duy Từ, Hà Nội. 

Ngày 22-3-2019, có một buổi biểu diễn lớn mang tên “Tiếp nối - Trên con đường của tổ tiên” diễn ra tại Học viện Âm nhạc quốc gia. Chương trình này do một nhạc trưởng người Đức chỉ đạo, biểu diễn các tác phẩm của Nguyễn Thiện Đạo, Vũ Nhật Tân và nữ nhạc sĩ trẻ Lương Huệ Trinh. Bản nhạc của Vũ Nhật Tân là bản phối “Kim - Thủy - Hỏa”.

Chỉ vài tháng sau, diễn ra một chương trình lớn nhất của Vũ Nhật Tân mang tên chơi chữ là “Hanoise  - Âm thanh Hà Nội” ngày 11-10-2019. Trong buổi biểu diễn này, chỉ đạo là nhạc trưởng người Nhật Honna Tetsuji, từng làm việc nhiều năm tại Việt Nam và hai nghệ sĩ nhạc công nổi tiếng người Đức là Lucas Fels với đàn cello và nữ nhạc công Nina Janssen - Deinzer, thổi kèn clarinet… “Âm thanh Hà Nội” của Vũ Nhật Tân được các chuyên gia đánh giá là “phản ánh không gian và sự pha trộn âm thanh đa mầu sắc rất đặc trưng của thành phố. Một cuộc gặp gỡ văn hóa giữa Đông và Tây qua âm nhạc đương đại”.

Khi được dự buổi biểu diễn lớn này, ít ai ngờ được “Âm thanh Hà Nội” lại là lời chào vĩnh biệt của “danh thủ nhạc đương đại” Vũ Nhật Tân, khi chỉ mới vừa 50 tuổi (1970 - 2020)…