Liên tiếp lễ hội các dân tộc

Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam phối hợp Ban tổ chức Cuộc vận động Xây dựng Văn hóa Doanh nghiệp sẽ tổ chức diễn đàn “Tái thiết kinh tế trong bối cảnh mới từ góc độ văn hóa kinh doanh” vào đầu tháng 11. 

Các chuyên gia và hàng trăm doanh nghiệp sẽ tập trung đề xuất mục đích và giải pháp từ góc độ văn hóa kinh doanh, với các nội dung: Thay đổi, cơ hội, thách thức đối với văn hóa kinh doanh, triết lý kinh doanh, văn hóa ứng xử, tiêu dùng, đạo đức kinh doanh…

Trong những ngày qua, một số địa phương đã “khởi động” việc gìn giữ, phát triển văn hóa bằng các lễ hội. Như ngày 24-10 vừa qua, tại xã Ia Krêl (huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai), Nhà hát Đam San và UBND huyện đã phối hợp phục dựng “Lễ cúng giọt nước Làng Krêl”. Đây là một nghi lễ cúng tế truyền thống, có ý nghĩa quan trọng trong đời sống của người Gia Rai ở Đức Cơ. Lễ cúng có ý nghĩa cầu cho thần linh cho nước sạch, nước trong, dân làng khỏe mạnh, no ấm, mùa màng bội thu. Còn tại Bình Thuận, cũng trong ngày 24-10, diễn ra lễ công bố Quyết định công nhận Khu du lịch quốc gia Mũi Né. Sau lễ công bố, lần lượt diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, thể thao được tổ chức đến đầu tháng 11như: Giải Golf Bình Thuận mở rộng, Hành trình xe đạp “Hội tụ 25 năm ngày du lịch Bình Thuận”, hội thảo Mô hình quản lý Khu du lịch quốc gia…

Còn tại Quảng Ninh, hưởng ứng việc khôi phục lễ hội của đồng bào các dân tộc thiểu số, Sở Văn hóa - Thể thao Quảng Ninh vừa khai mạc Lễ hội văn hóa dân tộc Sán Chỉ tại xã Đại Dực, huyện Tiên Yên. Lễ hội là dịp ca ngợi tinh thần cần cù, lao động sáng tạo và giáo dục truyền thống của cha ông, tinh thần đoàn kết trong cộng đồng, giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa độc đáo của người Sán Chỉ. Trong khuôn khổ lễ hội đến hết tháng 10 này, có một loạt môn thể thao cổ truyền được thi đấu như: đánh quay, bắn nỏ, bịt mắt đập niêu, bịt mắt bắt vịt, qua cầu, ném còn. Cùng với đó, giải chạy việt dã xã Đại Dực mở rộng được đặt tên là “băng qua mùa vàng”…

Còn tại miền Tây Nam Bộ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh vừa tổ chức hội thảo khoa học “Nghệ thuật sân khấu Dù Kê - 100 năm hình thành và phát triển” tại Trường đại học Trà Vinh ngày 25-10. Tỉnh cũng khai mạc lễ hội Ok Om Bok năm 2020, là lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer Trà Vinh được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Lễ hội sẽ diễn ra đến ngày 31-10.