Khuất chìm tranh trổ giấy Đông Hồ

Ít người biết, làng Đông Hồ (xã Song Hồ, Thuận Thành, Bắc Ninh) còn một “nhánh” khác ngoài tranh đồ thế. Đó là tranh trổ giấy.

Ông Nguyễn Đăng Giáp là một trong không nhiều nghệ nhân của làng tranh Đông Hồ còn biết làm tranh trổ giấy. Ảnh: THƯ HOÀNG
Ông Nguyễn Đăng Giáp là một trong không nhiều nghệ nhân của làng tranh Đông Hồ còn biết làm tranh trổ giấy. Ảnh: THƯ HOÀNG

1. Nếu tranh đồ thế do nghệ nhân Đông Hồ sản xuất phục vụ cho nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh, thậm chí làm voi và ngựa với ý nghĩa là đồ thế những voi và ngựa thật cho quan Hành Khiển xuống cõi âm có voi, ngựa để cưỡi đi tuần… thì tranh trổ giấy lại thể hiện sự tinh xảo, khéo léo vô cùng của người Đông Hồ. Cùng một nơi sản xuất là làng Đông Hồ, tranh trổ giấy dân gian là “đàn em” sinh sau của dòng tranh Đông Hồ…

Quả thật là vô cùng khó khăn khi muốn tìm ra niên đại khởi đầu của tranh trổ giấy ở nước ta. Ký ức của các nghệ nhân Đông Hồ cũng chỉ cho biết trước đây vài thế hệ, tức là khoảng thời Pháp thuộc, đã thấy một số nghệ nhân trong làng có trổ giấy thành hàng lưu niệm cỡ nhỏ; cũng đôi khi họ làm được tranh nhị bình (hai tấm dọc) hay tứ bình (bốn tấm dọc) khá to. Nếu tranh dân gian Đông Hồ in trọn vẹn hình ảnh lên tờ giấy điệp nên có đôi phần khá cứng cáp, “ra tấm ra món” thì tranh trổ giấy thường trổ thủng, mỏng mảnh, phải dán lên nền giấy trắng hoặc nếu không thì phải dán lên cửa kính chẳng hạn để mà thưởng thức khi xem ngược sáng.

Khuất chìm tranh trổ giấy Đông Hồ ảnh 1

2. Tranh trổ giấy là một loại hình truyền thống đặc sắc của Trung Quốc, có khả năng thiên biến vạn hóa về hình thức. Trong khi đó tranh trổ giấy dân gian Đông Hồ có vẻ giản dị, mộc mạc hơn, đậm chất thôn dã. Vào khoảng những năm 1955 - 1980, khi một số nghệ nhân Đông Hồ được tuyển vào làm cán bộ trong các cơ quan nghệ thuật như Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (cụ Nguyễn Đăng Khiêm), Trường cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (cụ Nguyễn Đăng Sần) hay Trường cao đẳng Mỹ thuật Công nghiệp và NXB Văn hóa Dân tộc (cụ Nguyễn Đăng Chế) thì ảnh hưởng qua lại tất yếu giữa các họa sĩ hiện đại và các nghệ nhân đã khiến cho một số cụ mạnh dạn dùng kỹ thuật trổ giấy để sáng tác tranh có thể treo ở triển lãm mỹ thuật toàn quốc và các triển lãm chính thức khác. Đó cũng là thời hoàng kim của tranh trổ giấy Việt Nam.

Đề tài của tranh trổ giấy: Nếu là bưu thiếp thì đề tài luôn đơn giản: hoa lá, cỏ cây, muông thú, côn trùng… Nhiều khi đó không hẳn là tranh mà chỉ như một hình tượng cô đọng và giản lược để điển hình hóa qua nét trổ. Hiện nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế ở làng Đông Hồ vẫn bán ra các tập Tranh trổ giấy Đông Hồ mà chủ yếu đó là bộ 12 con giáp. Ở Hà Nội, cũng là bưu thiếp trổ giấy nhưng cha con nghệ nhân Đăng Khiêm - Đăng Giáp làm cả hình tượng bốn cô tố nữ giản thể (bỏ bớt chi tiết), trông sang trọng hơn. Sang đến tranh trổ giấy dân gian hiện đại thì đề tài đã đậm chất thời sự: chân dung Bác Hồ, sản xuất tập thể, phát triển đàn gia cầm, vừa sản xuất vừa chiến đấu, cổ vũ thanh niên lên đường tòng quân… Hình tượng trong tranh trổ giấy dân gian hiện đại đã là các nhân vật hiện đại như lãnh tụ, bộ đội hay vừa là nông dân vừa là dân quân hoặc xã viên hợp tác xã…

3. Cố nghệ nhân Nguyễn Đăng Khiêm từng trổ nhiều tranh theo đề tài dân gian quen thuộc như bộ tứ bình bốn mùa, bốn cô tố nữ. Thật lạ là chính vào thời bao cấp đầy khó khăn thì tranh trổ giấy trang kim của cụ Khiêm lại nở rộ và vươn tới đỉnh cao. Cụ đã sáng tác theo ý tưởng hiện đại và hiện thực cách điệu. Các tranh tiêu biểu của cụ thời ấy có khi vẫn theo đề tài cổ nhưng cũng có khi rất thời sự như chân dung Cụ Hồ chẳng hạn. Cuối thời bao cấp, họa sĩ, nghệ nhân Đăng Giáp còn sáng tác được mấy tranh trổ giấy trang kim về Bà Trưng, Bà Triệu cưỡi voi vừa rất truyền thống vừa tạo hình hiện đại. Ngày nay ông Giáp vẫn thỉnh thoảng có hứng sáng tác tranh trổ giấy trang kim để gửi bán hoặc triển lãm. Đây thật sự là những bức tranh rất công phu, kỹ lưỡng đến mức kỳ công với nhiều công đoạn buộc phải cẩn thận bởi nếu làm ẩu thì tranh hỏng ngay! Tranh bán khá chạy vì rất hiếm, số lượng hạn chế, mầu sắc rực rỡ, không có đối thủ cạnh tranh…

Theo nghệ nhân Nguyễn Đăng Giáp, nhiều khi để tận dụng các nguyên vật liệu làm tranh dân gian, người ta đã tiết kiệm những mẩu vụn để làm ra những tranh trổ giấy khá đẹp. Có những mẫu tranh trổ giấy hình voi, ngựa rất được ưa chuộng.

Nền mỹ thuật Việt Nam có một kho báu là tranh Đông Hồ. Việc khai thác di sản này cho các thế hệ làm mỹ thuật một hướng đi bền vững và đậm đà bản sắc dân tộc. Vì thế, cần chung tay để gìn giữ, khôi phục và đưa tranh trổ giấy Đông Hồ ngày một đến gần với đời sống đương đại.