Học nhạc nhờ cha mẹ

Những năm qua, quan điểm về môn âm nhạc của phụ huynh học sinh (PHHS) có nhiều sự thay đổi. Rất nhiều PHHS tin rằng chơi các nhạc cụ, chẳng hạn như piano, kích thích hai bán cầu não hoạt động cân bằng, hiệu quả.

PGS, TS Tạ Quang Đông cố vấn cho chương trình âm nhạc học đường tại Trường tiểu học Lê Đình Chinh (phường 15, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh).
PGS, TS Tạ Quang Đông cố vấn cho chương trình âm nhạc học đường tại Trường tiểu học Lê Đình Chinh (phường 15, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh).

Quan tâm chưa phù hợp

Những cuộc khảo sát nhanh tại các trường đào tạo nghệ thuật đều cho kết quả có từ 50% học viên trở lên xuất thân từ những gia đình có truyền thống trong lĩnh vực này. Nếu xét riêng trong nhóm những học viên nghệ thuật chuyên nghiệp thì tỷ lệ này thậm chí có thể lên đến 90-95%. Các số liệu này chỉ ra rằng, PHHS đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong vấn đề học tập các bộ môn nghệ thuật nói chung hay âm nhạc nói riêng.

Hội thảo quốc tế “Giáo dục âm nhạc trong trường phổ thông hiện nay” được tổ chức vào ngày 16-11 vừa qua tại Nhạc viện TP Hồ Chí Minh, các chuyên gia đã chỉ ra thực tế tại trường công lập dù âm nhạc cũng là một môn học, nhưng khung chương trình, nghiệp vụ, chuyên môn của giáo viên, thời lượng cũng chỉ đáp ứng 1-2 tiết mỗi tuần với những nội dung rất đơn giản. Ngay cả những trường dân lập, tư thục quốc tế chú trọng đến giáo dục âm nhạc, có những giáo viên đủ trình độ, bằng cấp thì giáo dục âm nhạc cũng được tổ chức như một môn học, hay hình thức CLB, trang bị kỹ năng.

PHHS quan tâm đến chuyện học nhạc của con sẽ bao gồm những nhóm: có sự hiểu biết về âm nhạc, nghệ thuật; có điều kiện về tài chính. Kỳ vọng con em được học thầy giỏi có ở tất cả PHHS, nhưng mặt trái của kỳ vọng là sự đòi hỏi có phần thái quá và thậm chí coi thường giáo viên. Việc học nhạc tại trường phổ thông chắc chắn sẽ khác với việc học tại các đơn vị tư nhân, sự lựa chọn sẽ không đa dạng, thay vào đó học sinh sẽ phải tuân thủ các chương trình được đưa ra bởi phía trường học.

Tôn trọng và khuyến khích

Âm nhạc học đường dù không đóng vai trò đào tạo chuyên nghiệp, nhưng hoàn toàn có thể truyền cảm hứng, phát hiện, khơi gợi tài năng âm nhạc. Học sinh hoàn toàn có thể bộc lộ thiên hướng nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng từ trên ghế nhà trường.

Thống kê tại 2 lớp 2/1 và 4/3 năm học 2018-2019 tại CLB Âm nhạc Trường tiểu học Lê Đình Chinh, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh cho thấy một kết quả đáng ngạc nhiên, khoảng 25% học sinh có kết quả học văn hóa không giỏi, nhưng số này lại bộc lộ thiên hướng âm nhạc khá rõ nét thông qua việc thực hiện các bài tập liên quan đến tiết tấu, xướng âm và chuyển động ngón tay trên đàn piano và đặc biệt yêu thích các môn nghệ thuật.

Trở lại với những thống kê trên đây để thấy rằng, năng khiếu âm nhạc của con trẻ cũng tạo ra thách thức cho PHHS trong việc định hướng một cách đúng đắn. Theo PGS, TS Tạ Quang Đông, Giám đốc Nhạc viện TP Hồ Chí Minh, điều kiện khách quan của xã hội, việc định hướng cho con cái có thể theo đuổi nghệ thuật một cách nghiêm túc (chưa nói đến chuyên nghiệp) đôi khi được cho là không cần thiết, xa xỉ hoặc nặng nề hơn là những định kiến kiểu “xướng ca vô loài”. Nhưng cũng nên biết rằng, nếu 25% học sinh của các lớp học kể trên không được khảo sát và được học nhạc, rất dễ phải chịu sức ép phải cố gắng học giỏi hơn, trong khi những điểm mạnh nhất là năng khiếu về nghệ thuật lại không được phát huy. Nhìn về tương lai, đáng lý môi trường của các em sẽ là Nhạc viện thì có thể lại ngồi trên các giảng đường đại học, mà chưa chắc kết quả học tập, và những gì học được đã giúp cải thiện cuộc sống về sau.

Sự tôn trọng phải bắt đầu từ việc quan tâm tới môn học và đặc biệt là giáo viên âm nhạc. Cần tránh những nhận định chủ quan, áp đặt theo kiểu “như đúng rồi” về môn âm nhạc tại trường là “chả được gì” hoặc giáo viên không có chuyên môn cao, nhất là nói ngay trước mặt con trẻ hoặc vô tình để trẻ nghe được. Cần biết rằng trẻ em có sự nhạy cảm riêng biệt và chỉ cần PHHS bộc lộ thái độ thiếu tôn trọng một vài lần sẽ in rất sâu vào tiềm thức, sau này có muốn xóa bỏ cũng không dễ. Con trẻ khi đã xem nhẹ môn âm nhạc cũng dễ dẫn đến nguy cơ không thể tiếp cận âm nhạc, mà như vậy cũng làm hạn chế luôn khả năng sáng tạo, giảm đi trí tưởng tượng, vốn dĩ là những mục tiêu mà bất kỳ PHHS nào cũng muốn con mình đạt được.

Nếu như tôn trọng tạo ra gợi mở vấn đề nên học, cần học thì sự khuyến khích sẽ duy trì tính liên tục của việc học âm nhạc. Học sinh cần được khuyến khích liên tục, cụ thể và phải đến từ cả hai phía Nhà trường lẫn PHHS. Nếu như nhà trường với điểm số, kết quả, khen thưởng, danh hiệu làm công cụ khuyến khích thì PHHS cũng cần có những động thái tương tự. Sự khuyến khích của PHHS không cần quá thường xuyên, nhưng phải duy trì và đặc biệt phải chỉ ra những lợi ích của việc học nhạc cũng như thay đổi, kết quả mà con em mình đạt được.

Lần đầu tiên có một hội thảo quốc tế về âm nhạc học đường được tổ chức tại Việt Nam. Hội thảo có sự tham gia của các lãnh đạo ngành văn hóa, giáo dục, đại diện các trường văn hóa nghệ thuật, trường tiểu học, trung học và các chuyên gia giáo dục âm nhạc hàng đầu từ Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản. Liên hoan Âm nhạc học đường TP Hồ Chí Minh lần thứ nhất-2019 sẽ diễn ra từ 1-1-2019 đến 19-5-2019 với hai vòng thi Sơ khảo (từ 1-1 đến 26-3) diễn ra tại các quận và Chung khảo (26-3 đến 19-5) tại Nhạc viện TP Hồ Chí Minh.