“Hóa thạch Hà Nội”

Tại Trung tâm triển lãm Mỹ thuật - Nhiếp ảnh (Nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hà Nội) vừa khai trương triển lãm mang tên khá lạ: “Âm ỉ, dồn nén và bừng cháy”, giới thiệu 26 tác phẩm điêu khắc - hội họa trừu tượng với cách thức sáng tạo chất liệu cũng… khá khác biệt từ trước đến nay của họa sĩ Vương Văn Thạo.

Tác phẩm “Âm ỉ 17”.
Tác phẩm “Âm ỉ 17”.

Phát biểu ngắn gọn trong buổi khai mạc, họa sĩ Ngô Quang Dương, Giám đốc trung tâm, chúc mừng tác giả họa sĩ gốc Hà thành đã cống hiến một triển lãm trừu tượng, nhưng nhiều ý nghĩa trực cảm với đời sống hiện tại. Triển lãm càng có ý nghĩa khi khai trương lại Nhà triển lãm sau hơn hai tháng nghỉ chống dịch. Mong muốn của tác giả hướng tới là dùng những cố gắng của nghệ thuật tạo hình để chia sẻ với những nỗ lực của cộng đồng khắp nơi đang chống lại dịch bệnh.

Vương Văn Thạo là một họa sĩ Hà Nội và tốt nghiệp Trường đại học Mỹ thuật Hà Nội (nay là Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam) năm 1995. Tuy theo học ngành hội họa, nhưng phong cách sáng tác của Vương Văn Thạo lại hướng tới sự pha trộn giữa hội họa và điêu khắc. Anh nổi tiếng rất nhanh với loạt tác phẩm điêu khắc - hội họa mang tên “Hóa thạch sống”. Đây là những mô hình công trình kiến trúc phố cổ Hà Nội (từ nhà ống phố cổ, cho đến từng cột điện cổ), đổ khối vào những khối composite đặc mầu vàng nhạt, lấy tên chung là “Hóa thạch sống” rồi đánh số tác phẩm. Năm 2007, Bảo tàng Nghệ thuật Singapore tổ chức trưng bày sêri 68 tác phẩm của anh, ghi nhận như một trong 10 nghệ sĩ xuất sắc của Đông - Nam Á năm 2007 và mua lại toàn bộ số tác phẩm này để trưng bày lâu dài tại Singapore…

Trong triển lãm lần này, tác giả chỉ trưng bày hai tác phẩm “Hóa thạch sống” là đổ khối Ô Quan Chưởng và Nhà thờ Lớn Hà Nội (đều kích thước:

35 x 28 x 25 cm) sáng tác năm 2019. 24 tác phẩm còn lại đều sáng tác vào cuối năm 2019 - đầu năm 2020 trong những tháng chống dịch. Về chất liệu, đây là những mặt thớt - khúc gỗ tròn thanh lý với độ dày 5 cm, nhưng đường kính từ 55 đến 80 cm. Tên các tác phẩm đều mang tên “Âm ỉ”, đánh số từ 1 đến 24, để quy tụ lại thành tên toàn bộ triển lãm là “Âm ỉ, dồn nén và bừng cháy” vừa là điêu khắc, vừa là hội họa mang tính trừu tượng, nhưng hướng tới nhiều ý nghĩa cụ thể mong muốn của từng cá thể và cả cộng đồng trong đời sống hiện tại… Triển lãm kết thúc trưng bày vào ngày 20-5.