Giúp hội nghề nghiệp tiếp sức cho người viết trẻ

Có nhiều cách hỗ trợ người viết trẻ nhằm khích lệ tài năng, thúc đẩy thành quả của đội ngũ này dành cho Hà Nội. Nhưng những năm qua, việc hiện thực hóa những ý tưởng giải pháp còn nhiều hạn chế. Thành phố cần chú trọng hơn việc thông qua cầu nối Hội Nhà văn Hà Nội, với “nhịp cầu đặc trách” của Ban nhà văn trẻ để hỗ trợ cho các cây bút.

Một số tác giả gây được sự chú ý của công chúng tại Hà Nội và một số tỉnh tham gia Ngày thơ Việt Nam 2019. Ảnh: VŨ DUY
Một số tác giả gây được sự chú ý của công chúng tại Hà Nội và một số tỉnh tham gia Ngày thơ Việt Nam 2019. Ảnh: VŨ DUY

1. Có thể nhiều người sẽ đặt câu hỏi: ngoài hội nghề nghiệp ra, còn ai có thể hỗ trợ, giúp đỡ các cây bút trẻ? Đó là các cơ quan báo chí (như các báo Hà Nội mới cuối tuần, Tiền phong, Thanh niên, Tuổi trẻ, các ấn phẩm báo in của Báo Nhân Dân…), nhà xuất bản (NXB, như NXB Văn học, NXB Hội Nhà văn, NXB Quân đội nhân dân…), đơn vị đào tạo (như Khoa Viết văn - Báo chí Trường ĐH Văn hóa Hà Nội…) trong việc bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng sáng tác, đăng tải, xuất bản tác phẩm của các tác giả trẻ. Thực tế, vài thí dụ trên cũng chính là những địa chỉ được gửi gắm và cho “ra lò” nhiều tác giả, tác phẩm trẻ.

Tuy nhiên, các đơn vị đào tạo, báo chí truyền thông, xuất bản có những đặc thù riêng với sự sàng lọc về chất lượng. Còn để quan sát, nhận ra, mời gọi, đồng hành cùng các cây bút trẻ trên hành trình sáng tạo, thì nên và cần có sự phát huy vai trò của hội nghề nghiệp. Đặc biệt khi bám sát, vun vén cho phong trào sáng tác chung, trong đó có sáng tác trẻ, cũng là mục tiêu, và là một phần công tác hội.

2. Đời sống văn học ở Thủ đô đang chứng kiến sự hiện diện phong phú của đội ngũ sáng tác thế hệ cuối thập niên 1970 và 1980. Cùng với đó là một số ít hoạt động từ góc độ hội nghề nghiệp mang tính chất tổ chức, bước đầu mời gọi được nhiều cây bút trẻ 8X, 9X tham gia. Mà gần đây nhất là việc thành lập CLB Văn học trẻ Hà Nội, thuộc Ban nhà văn trẻ - Hội Nhà văn Hà Nội. CLB đã tổ chức một số cuộc sinh hoạt với nội dung tọa đàm về đội ngũ tác giả trẻ Hà Nội, về văn trẻ, giới thiệu tác phẩm của hai gương mặt thơ trẻ, nhận được sự chú ý của nhiều hội viên và một số báo chí, diễn đàn trên mạng xã hội. Trước đó, xuân 2017, lần đầu tiên và cũng rất hiếm hoi, Hội Nhà văn Hà Nội phối hợp tổ chức Sân thơ Thái học - Văn Miếu - Quốc Tử Giám trong Ngày thơ Việt Nam, với vai trò chính của Ban nhà văn trẻ trong việc thực hiện chương trình đọc thơ, cũng gây được thiện cảm với sự xuất hiện của một số nhà thơ trẻ.

Năm 2015, Hội nghị viết văn trẻ Thủ đô lần thứ hai diễn ra sau lần thứ nhất… 22 năm. Hội nghị đã gợi mở nhiều ý tưởng, dự định và phát đi kỳ vọng về những gì có thể làm cho người viết trẻ. Tuy nhiên đến nay, phần lớn những gì được nêu lên vẫn là ý tưởng, dự định. Và nhìn chung hiện nay, việc tiếp sức cho người viết trẻ Hà Nội vẫn nhiều mong muốn nhưng còn thiếu điều kiện.

Trong đó, dù đã có yếu tố con người là một số nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình tâm huyết tham gia công tác Hội, công tác nhà văn trẻ, nhưng phải thấy rằng, yếu tố thời gian, kinh phí hoạt động, cũng như cơ chế hợp tác, vận động để hỗ trợ, tiếp sức cho người viết trẻ vẫn còn rất hạn chế. Do vậy, vẫn chưa thể diễn ra những hoạt động có khả năng đem lại hiệu quả thiết thực với các cây bút trẻ Thủ đô hiện nay. Như tổ chức những chuyến thực tế sáng tác, mở trại sáng tác trên địa bàn Thủ đô; phát động thi viết, vận động sáng tác dành cho cây bút trẻ; tổ chức tuyển chọn và ấn hành những tuyển tập sáng tác trẻ có chất lượng tốt; hỗ trợ cây bút trẻ trong việc in sách đầu tay và tổ chức truyền thông, quảng bá; hoặc, kiến tạo những không gian thơ trong dịp Ngày thơ Việt Nam tại Hà Nội, do Ban nhà văn trẻ - Hội Nhà văn Hà Nội thực hiện…

3. Có thể thấy, trong cuộc “chạy tiếp sức” cùng người trẻ, Hội Nhà văn của Thủ đô và ban công tác trẻ trực thuộc, đang mong đợi những “liều trợ lực” từ phía thành phố, các sở, ngành văn hóa, thông tin, truyền thông liên quan, các địa phương... Tạo điều kiện để tổ chức các hoạt động nghề nghiệp như thí dụ ở trên. Mở lối mời gọi, đón và đưa người viết trẻ tìm hiểu, trải nghiệm các không gian văn hóa, lịch sử, thiên nhiên Hà Nội, quan tâm hơn đến không khí sản xuất, phát triển của Hà Nội. Cùng suy ngẫm và tích cực đón nhận sự tư vấn, đề xuất của hội nghề nghiệp trong việc chắp cánh cho văn, thơ, phê bình, dịch thuật trẻ Hà Nội… Đó là những việc đáng làm của thành phố hiện nay, dành cho người viết trẻ.

“Hội nghị viết văn trẻ Hà Nội lần thứ ba” ngày 12 và 13-11 tới, sẽ là cơ hội tốt để thành phố lắng nghe người viết trẻ và hội nghề nghiệp mong đợi, đề xuất gì. Những ý tưởng, giải pháp được nêu lên tại đây, mong rằng, sẽ không khép lại sau hội nghị.

Hội nghị sẽ diễn ra tại Ninh Bình với đêm thơ nhạc “Tình yêu Hà Nội và Tuổi trẻ”; tọa đàm về thực trạng văn học trẻ hiện nay, vai trò của văn học và đội ngũ nhà văn trẻ trong sáng tạo, cống hiến vì sự phát triển của Thủ đô và đất nước.