Giữ di sản kiến trúc làng

Viện Bảo tồn di tích (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) vừa mở triển lãm “Kiến trúc làng Việt truyền thống”, đồng thời giới thiệu sách “Kiến trúc làng cổ Việt Nam qua tư liệu Viện Bảo tồn di tích”. 

Cuộc sống hằng ngày ở làng cổ Cự Đà.
Cuộc sống hằng ngày ở làng cổ Cự Đà.

Làng cổ không chỉ chứa đựng những di sản kiến trúc cổ truyền đơn lẻ. Mặt bằng tổng thể một ngôi làng cổ phản ánh nhiều giá trị lịch sử - văn hóa - kiến trúc - xây dựng -  quy hoạch - môi sinh. Làng cổ mang nhiều giá trị di sản văn hóa nhưng đó là những di sản “sống”. Những di sản từ quá khứ của làng thời nay vẫn đang vận động để phát triển. Làng và kiến trúc làng có thể phát triển lành mạnh nếu lấy việc cải tạo di sản ấy làm cầu nối liền mạch quá khứ, hiện tại và tương lai. 

Trước sức ép của cuộc sống hiện đại, nhiều tinh hoa làng cần được kế thừa, nhiều kiến tạo đặc sắc ở làng đứng trước nguy cơ biến mất cần được giữ lại cho hôm nay và mai sau. Điều quan trọng hơn là phải khơi tìm những đường hướng để những ngôi làng cổ chứa đầy giá trị văn hóa nhân văn đó vừa kế thừa vừa phát triển tiếp nối một cách tự nhiên. Nhiều làng đã chọn được hướng đi phát triển kinh tế - xã hội qua bảo tồn những giá trị hài hòa phát triển du lịch văn hóa như làng gốm cổ Bát Tràng (Hà Nội), làng gốm cổ Phước Tích (Thừa Thiên Huế), làng gốm cổ Thanh Hà (Hội An). 

Triển lãm “Kiến trúc làng Việt truyền thống” giới thiệu những kết quả khảo sát, nghiên cứu liên tục trong nhiều năm với những thông tin đa dạng về lịch sử văn hóa, về quỹ di sản kiến trúc còn lại cùng các bản vẽ chi tiết các công trình kiến trúc cổ tiêu biểu, các bản ảnh chất lượng cao, cho độc giả cái nhìn tổng thể về cả ngôi làng cũng như những chi tiết độc đáo ở trong đó. Nhìn từ không ảnh, cả sáu ngôi làng Việt cổ được giới thiệu đều có điểm chung là gắn chặt và thân thiện môi sinh, cảnh quan sông/hồ/đầm: Làng Thổ Hà (Bắc Ninh), ven sông Cầu, làng Cự Đà (Hà Nội) ven sông Nhuệ. Làng Nôm (Hưng Yên) có cây cầu đá đặc sắc vắt qua sông Nguyệt Đức. Làng Hành Thiện (Nam Định) ở ngã ba sông Hồng và sông Ninh Cơ. Làng Phước Tích, làng An Truyền (Thừa Thiên Huế) bên sông Ô Lâu và bên đầm Chuồn trong phá Tam Giang.

Từ cơ sở nhận thức khoa học: Không chỉ những di sản kiến trúc truyền thống đơn lẻ mà cả kiến trúc làng cũng là một di sản cần gìn giữ, Viện Bảo tồn di tích đã quan tâm nghiên cứu kiến trúc làng Việt cổ một cách tổng thể để góp phần bảo tồn di sản, phục vụ du lịch, thúc đẩy kinh tế xã hội của địa phương. Thời gian tới, Viện sẽ tiếp tục cho ra mắt tập 2 của cuốn sách “Kiến trúc làng cổ Việt Nam qua tư liệu Viện Bảo tồn di tích”, tiếp tục giới thiệu chi tiết về sáu ngôi làng cổ tiêu biểu khác tới các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý và những người yêu di sản nói chung với kỳ vọng đưa ra những cơ sở khoa học để góp phần bảo tồn và phát huy di sản kiến trúc làng Việt cổ trong cuộc sống đương đại.