Giữ cổ vật cho thế hệ trẻ

Ông Nguyễn Đắc Nông ở thị trấn Phồn Xương, huyện Yên Thế, Bắc Giang sinh năm 1946, hiện là Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Yên Thế - có một nhà trưng bày cổ vật quý.

Cô và trò say sưa nghe ông Nguyễn Đắc Nông hướng dẫn tham quan.
Cô và trò say sưa nghe ông Nguyễn Đắc Nông hướng dẫn tham quan.

Người yêu… cối đá

Trong sân, trước cửa nhà trưng bày của ông la liệt hàng trăm cối đá, cối xay ngô, xay đỗ, cối giã gạo, cối giã bánh dày của đồng bào dân tộc. Có cái cối to phải dùng tràng hai tay kéo, có cái nhỏ quay bằng tay, có cái còn lành lặn, cái sứt, rồi cũng có tới vài chục chiếc quắn đá, là con lăn bằng đá được đục thủng ở giữa, luồn cây gỗ qua, dùng sức trâu kéo để thay cho việc đập lúa.

Cái thú sưu tầm cổ vật nói chung và cối đá nói riêng đã được ông âm thầm thực hiện từ lâu, ngày ấy, đầu những năm 70 của thế kỷ trước, ngoài thời gian dạy học, thầy giáo trẻ Nguyễn Đắc Nông trèo đèo lội suối vào từng gia đình phụ huynh vận động các em đi học, cùng phụ huynh học sinh đi làm nương, làm rẫy. Thấy cối đá bỏ lăn lóc ngoài vườn bãi, thầy hỏi xin, có cái thì bỏ tiền ra mua rồi tích cóp dần dần, cuối tuần về thăm gia đình “làm quà” cho vợ con là những chiếc cối đá.

Sau này là Trưởng phòng Giáo dục huyện, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thế, Phó Giám đốc đài phát thanh truyền hình tỉnh Bắc Giang, dẫu bận nhiều nhưng cái thú sưu tầm của ông vẫn nguyên. Có dịp đi nhiều nơi, thấy ở đâu có cối đá cũ không dùng đến là ông hỏi mua rồi thuê xe chở về. Chỉ vào mấy chiếc cối đá to hơn chiếc thúng nằm ở góc sân ông bảo phải mua tận Thái Bình, Ninh Bình. Về hưu, sáng sáng ông pha ấm trà ngồi nhâm nhi, nhìn những cối đá như thấy cuộc sống người dân thôn quê ngày xưa, cái ngày chưa có điện, bao phận người đã gắn liền với chiếc cối đá hiển hiện về, cối đá dùng để đập lúa, cối đá dùng giã gạo, giã ngô…

“Lớp học” lịch sử sinh động

Chiếm diện tích lớn trong nhà trưng bày là hệ thống nông cụ gắn liền nền văn minh lúa nước. Ngoài những chiếc cối đá còn có những cái cày, cái bừa, mâm gỗ, mâm đồng, nồi đồng, cối xay thóc, cối giã gạo… đã hàng trăm năm tuổi. Vừa đưa chúng tôi tham quan, ông vừa giảng giải: Đây là chiếc bừa đôi hai trâu kéo, dùng bừa ruộng to, còn đây là bừa đơn một trâu kéo dùng cho ruộng hẹp. Bừa đôi thì chỉ quay bên trái chứ không quay phải như bừa đơn. Còn đây là cày thổ, cày hai tay, đất đổ sang hai bên, không như cày của người Kinh chỉ cầm cầy tay phải và đất đổ một chiều. 

Trong một tủ kính trang trọng, ông bày chiếc bát ăn cơm thời Lê, thời Nguyễn, những đồng tiền cổ thời Đinh, Lê hay sanh đồng, chõ đồ xôi thời Nguyễn… Một phần trưng bày không thể thiếu được trong bảo tàng là những kỷ vật minh chứng cho cuộc kháng chiến của dân tộc. Từ khẩu súng kíp, thanh kiếm trong cuộc khởi nghĩa Đề Thám đến chiếc xe thồ phục vụ chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, chiếc ca uống nước bằng nhôm Bác Hồ tặng cho các chiến sĩ trong chiến dịch Việt Bắc Thu Đông 1947, rồi chiếc đèn bão, bi đông đựng nước, chiếc đồng hồ, điện thoại, bộ quần áo của bộ đội giải phóng quân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ…

Một phần nhỏ trong nhà trưng bày là những kỷ vật gia truyền. Đó là chiếc tráp, ống đựng thuốc lào của cụ thân sinh ra ông, là kỷ vật của người em trai -  liệt sĩ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Ông Nông đã đón nhiều khách tham quan, nhiều học sinh trong huyện vào những dịp lễ, Tết. Cô giáo Nguyễn Thị Thành Huế, Tổng phụ trách đội Trường tiểu học thị trấn Phồn Xương đã nhiều lần đưa học sinh vào thăm bảo tàng của ông, chia sẻ: “Các cháu học sinh háo hức lắm, nhất là lại được ông tận tình hướng dẫn, giảng giải cặn kẽ từng đồ vật trưng bày, các cháu như được học bài học lịch sử sống động”.