Giai điệu then giữa không gian di sản

Hiếm có dịp nào như những ngày vừa qua mà đông đảo người dân Thủ đô lại được thưởng thức nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể như thế. Từ hát văn, quan họ, chèo, ca trù, xẩm, then… cho đến ví dặm, ca bài chòi từ khắp mọi miền đã hội tụ nhân “Ngày hội Di sản Văn hóa Việt Nam lần III - 2020” và kỷ niệm 10 năm Hoàng thành Thăng Long được UNESCO công nhận di sản Văn hóa Thế giới. 

Nghệ nhân Nguyễn Văn Thọ trình diễn then cổ cùng bà nội mình (ngồi cạnh) tại Hoàng thành Thăng Long hôm 21-11.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Thọ trình diễn then cổ cùng bà nội mình (ngồi cạnh) tại Hoàng thành Thăng Long hôm 21-11.

1. Trong các di sản văn hóa phi vật thể vừa được trình diễn trong hai ngày 21 và 22-11 tại Hoàng thành Thăng Long, những giai điệu then cổ đã lôi cuốn bằng những lời ca rung thánh thót, nhờ tiếng đàn tính đưa lên vang dội cả không gian khiến người xem chìm đắm vào một miền siêu thực để cảm nhận những giá trị nhân sinh quan sâu sắc của đồng bào dân tộc Tày, Nùng đến từ tỉnh Lạng Sơn. Được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cách đây gần tròn một năm (ngày 13-12-2019), điệu hát thần tiên trong nghi lễ then đã được nhiều người biết đến hơn bằng những nỗ lực truyền dạy của các nghệ nhân cũng như những hỗ trợ, động viên từ các cấp quản lý.

Ngồi nghỉ dưới tán cây tỏa rộng cạnh cửa Đoan Môn sau tiết mục trình diễn then cổ cùng cháu nội mình, bà Ma Thị Thư đến từ xã Đề Thám, huyện Tràng Định (Lạng Sơn) vẫn tinh anh dù đã gần 80 tuổi. Vốn mê đắm và thuộc từng giai điệu then cổ, từ đó nắm vững những nghi thức thực hành then từ khi còn trẻ, bà trở thành một trong những người có uy tín trong cộng đồng. Chính vì vậy, bà hay được mời đi cùng thầy then trong các lễ cầu an, chữa bệnh, cầu mùa, chúc mừng năm mới… để hướng dẫn cách sắp đặt, thứ tự của các phần lễ. Bà được trao bằng khen trong dịp tôn vinh các nghệ nhân dân gian tại Làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam năm vừa qua. Nói về điều này, bà tâm sự: Mình vốn là cán bộ phụ nữ huyện, nên hiểu và rất coi trọng việc bảo vệ và phát huy những di sản văn hóa của dân tộc. Chỉ vì yêu giai điệu của then, yêu di sản của cha ông thì mình đi làm nghi lễ giúp bà con chứ hầu như chả lấy công bao giờ, mà có thì cũng chỉ là nắm xôi, củ sắn thôi. Nhiều khi đi làm lễ mình còn phải bù thêm tiền hỗ trợ cho bà con. 

Sau này nhờ duyên, cháu nội của bà, anh Nguyễn Văn Thọ cũng trở thành thầy then khi còn khá trẻ tuổi. Từ đó, mỗi dịp cháu mình làm lễ hay trình diễn ở đâu, khắp các nơi, từ các tỉnh phía bắc cho đến tận Tây Nguyên, bà đều đi cùng hỗ trợ. Bà nói, chắc là nhờ tâm tốt nên thần linh phù hộ cho sức khỏe để vẫn được theo hành lễ then đến tận bây giờ. 

2. Tiếp câu chuyện của bà nội, nghệ nhân then Nguyễn Văn Thọ kể, giờ đây khi mức sống của người dân đã khá hơn trước, những thầy then như anh cũng đỡ vất vả hơn, từ đó có điều kiện dành thời gian, tâm sức để truyền dạy, quảng bá then cổ, những lời hay ý đẹp trong các câu then của cha ông qua các lớp, câu lạc bộ then từ cơ sở lên cấp huyện, tỉnh… “Rất hay, là những lời thơ vần trong hát then đa phần do các cụ đúc kết hàng trăm năm mà ra. Nên những giá trị văn hóa dân tộc không chỉ là điệu đàn tính, trang phục, nghi lễ mà còn là chữ viết, những câu ca dao dân tộc trong câu hát. Trong quá trình quảng bá di sản này, tôi cũng đã đứng lớp truyền dạy cho các em sinh viên tại Trường cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc rồi đi trình diễn ở khắp nơi trong nước và cả nước ngoài”, anh Thọ cho biết. 

Được biết, ngành văn hóa tỉnh Lạng Sơn đã đưa nội dung này vào trong các hoạt động văn hóa cụ thể như tổ chức các buổi liên hoan hát then, trình diễn tại phố đi bộ Kỳ Lừa. Bên cạnh đó là kết nối với các điểm du lịch, homestay trên địa bàn tỉnh như ở Chi Lăng, Bắc Sơn… nhằm quảng bá đến khách du lịch. Từ các lớp truyền dạy, nhiều bà con làm du lịch đã nắm được những giai điệu từ cơ bản đến phức tạp của hát then. Để từ đó phục vụ, giao lưu với khách du lịch, tuy chỉ dân dã với những lời thăm hỏi, chúc nhau sức khỏe hay đơn giản là câu hát mời nhau chén nước, chén trà nhưng du khách đã thật sự thích thú. 

Khi được hỏi về tính linh liêng khi nghi lễ then được trình diễn tại các cơ sở du lịch văn hóa, nghệ nhân Nguyễn Văn Thọ cho biết, hiện tại có hai hình thức trình diễn then. Thứ nhất là tái hiện nguyên bản và thứ hai là tái hiện trích đoạn. Việc tái hiện trích đoạn, vẫn phải xin thần linh khu vực đó. Còn nếu tái hiện nguyên bản nghĩa là thực hiện trọn vẹn một nghi lễ, vẫn có lễ vật, thắp hương và thỉnh thánh thần, như vậy tính linh thiêng vẫn được bảo đảm.

Từ rất lâu, hát then cũng như nghi thức lễ then không thể thiếu được trong cộng đồng người Tày, Nùng. Trước khi được UNESCO công nhận và được thêm nhiều người biết đến, bản thân hát then đã là di sản trong lòng cộng đồng dân tộc Tày, Nùng. Nên có những chế độ tốt hơn đối với các nghệ nhân, những người đang là chủ thể, kho tàng sống nắm giữ tri thức dân gian. Để các nghệ nhân đỡ hơn trong việc lo cơm áo gạo tiền thường nhật mà chăm chú cho việc giữ nghề, giữ các giá trị truyền thống.

 Nghi lễ then như một nghi thức tâm linh nối con người với đấng tối cao của mình, phản ánh các quan niệm của người Tày, Nùng về con người, thế giới tự nhiên và vũ trụ. Di sản hát then có tại 11 tỉnh ở Việt Nam, nhưng tập trung chủ yếu ở các tỉnh vùng Đông Bắc. Tỉnh Lạng Sơn có số nghệ nhân then đông nhất với hơn 500 người.