Đồng hành cùng các cây bút trẻ

“Chùm thơ em gửi về tòa soạn cùng với thư em viết, chúng tôi thấy em có năng khiếu thơ. Vậy nên, viết được những bài mới, em cứ gửi về cho chúng tôi. Tuy trong thư này chưa trao đổi cụ thể từng bài nhưng các anh hy vọng, em sẽ có những bài thơ yêu thích…”.

Nhà thơ Phạm Trọng Thanh (thứ sáu, hàng đứng, từ phải sang) - giảng viên tại Trại Sáng tác Văn học Nhà trường do Hội VHNT và Sở GD & ĐT Nam Định tổ chức.
Nhà thơ Phạm Trọng Thanh (thứ sáu, hàng đứng, từ phải sang) - giảng viên tại Trại Sáng tác Văn học Nhà trường do Hội VHNT và Sở GD & ĐT Nam Định tổ chức.

1. Đó là những dòng thư của nhà thơ Phạm Trọng Thanh đã gửi cho tôi vào năm 1987. Khó mà diễn tả hết vui mừng của cậu bé trường làng khi có tác phẩm đầu tay được đăng báo và còn được nhà thơ mình hằng yêu quý viết thư động viên nữa.

Mà không chỉ riêng tôi, đã có không biết bao cây bút trẻ thuộc nhiều thế hệ ở Nam Định đã được đón nhận tình cảm gần gũi và trân trọng của ông như thế.

Các nhà văn, nhà thơ lão thành nhớ lại, ngày trước, vấn đề bồi dưỡng các cây bút trẻ ở địa phương được đặt ra ngay từ sớm, khi chuẩn bị cho sự thành lập Hội văn học nghệ thuật của tỉnh năm 1976. Các nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch sung sức thời kỳ đó như Chu Văn, Hồng Vũ, Kim Ngọc Diệu, Vũ Quốc Ái, Giang Phong, Trần Đắc Trung, Phạm Trường Thi và Phạm Trọng Thanh… đã xây dựng kế hoạch nhằm phát hiện và bồi dưỡng những mầm non văn học.

2. Mùa hè năm 1983, nhà thơ Phạm Trọng Thanh được giao phụ trách trại sáng tác dành cho các mầm non văn học của tỉnh Hà Nam Ninh (trước đây) đặt tại huyện Hải Hậu với 15 học sinh có năng khiếu. Từ đó, các trại “Mầm non văn học”, các cuộc thi sáng tác thơ văn dành cho thanh - thiếu niên liên tiếp được tổ chức. Với trọng trách là những người tổ chức trại, nhà thơ Trọng Thanh cùng nhà văn Giang Phong lại cần mẫn xây dựng kế hoạch, rồi “quay như chong chóng”, từ liên hệ với ngành giáo dục, gửi giấy mời đến các trại viên, làm việc với địa phương đặt trại sáng tác…

Ở những trại sáng tác đó, ông vừa lo nơi ăn chốn nghỉ cho giảng viên và trại viên, lại vừa tham gia trao đổi, góp ý từng dòng thơ, câu văn của các cây bút trẻ với một sự chân tình, chu đáo. Tôi từng chứng kiến có những lúc ông cứ “đảo ra đảo vào” khi chưa tìm ra một chữ ưng ý trong câu thơ của “anh bạn trẻ” hay những lúc, tự dưng ông “hoạt” hơn trước trang văn tâm đắc của một nữ sinh trường chuyên Lê Hồng Phong…

Còn nhớ, những năm đó, các nhà văn, nhà thơ đi trước đã giữ mối quan hệ rất gần gũi với các cơ quan văn nghệ T.Ư. Các sáng tác của các cây bút thanh - thiếu niên trong tỉnh được đăng tải thường xuyên trên các trang văn học của tỉnh, trên chương trình văn nghệ dành cho thiếu nhi của Đài Tiếng nói Việt Nam, trang sáng tác của Báo Thiếu niên Tiền phong hay các ấn phẩm của Nhà xuất bản Kim Đồng…

Không chỉ tổ chức cho các cây bút được trò chuyện, học hỏi với các tác giả công tác ở tỉnh Hội, nhà thơ Phạm Trọng Thanh cùng đồng nghiệp còn đều đặn mời các nhà văn, nhà thơ có nhiều tác phẩm viết cho thiếu nhi, như: Đào Vũ, Tô Hoài, Vũ Tú Nam, Vân Anh, Phạm Hổ, Định Hải, Lê Đình Cánh, Trương Hữu Lợi, Phạm Đình Ân, Nguyễn Hoàng Sơn, Trần Ninh Hồ… về giảng bài, hướng dẫn và góp ý cho từng sáng tác. Các tác phẩm của các cây bút năng khiếu được xuất bản với số lượng cao, được bạn đọc khen ngợi: tập san “Bông hồng nhỏ”, các tập sáng tác văn thơ “Ông Thần Nông của bé”, “Thăm nhà Bác”, “Hương cúc”... tập thơ “Khi em đến trường” của ba tác giả tuổi teen Trần Hoa Mai, Nguyễn Kim Oanh, Nguyễn Bích Hạnh…

3. Trong ký ức của các thế hệ cây bút trẻ, nhà thơ Phạm Trọng Thanh luôn gần gũi, chu đáo và chân tình. Được tiếp xúc với nhà thơ Phạm Trọng Thanh mấy chục năm nay, một trong những điều mà khiến tôi yêu mến ông là tấm lòng luôn cởi mở của một nhà thơ lớp trước đối với các cây bút trẻ. Mỗi khi trò chuyện văn chương, ông không rào đón, không “nghi lễ”, luôn tạo cảm giác rất gần gũi. Những cuộc gặp gỡ như thế thường “nấn ná” quá trưa hay quá chiều. Chỉ đến khi bất chợt nhìn đồng hồ, nhớ ra là tôi còn phải về đường xa, ông mới đứng dậy, cười một cách mãn nguyện: “Mải nói chuyện vui quá! Chú lại làm cháu về muộn mất rồi!..”.

Ông thường nhắc chúng tôi, muốn đi “dài hơi” trên con đường sáng tác thì phải không ngừng bồi đắp cho mình những kinh nghiệm, vốn văn hóa bằng việc phải đọc, đi và viết. Tròn 30 năm làm công tác văn nghệ, ông để lại ấn tượng tốt đẹp và nhiều ảnh hưởng đến các sáng tác của nhiều thế hệ cây bút trẻ tỉnh nhà.

Đã sang tuổi 78, ông vẫn gọi điện, gửi email hay chủ động gặp để trao đổi, khích lệ mỗi khi các cây bút trẻ có thêm sáng tác mới. Và dù có lần ông nói vui với chúng tôi: “Mình có tuổi rồi, nên nhường lại sân cho các bạn!”, nhưng tôi biết ông vẫn luôn dõi theo những bước đi của các cây bút trẻ, luôn đồng hành với văn học thanh - thiếu niên của Nam Định như mấy chục năm qua…