Đội văn nghệ Vàng Pheo

Sinh ra và lớn lên từ dãy núi Phu Nhọ Khọ, nơi hợp lưu của dòng Nậm So và Nậm Lùm, các đội văn nghệ bản Vàng Pheo, xã Mường So (Phong Thổ, Lai Châu) luôn gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Một buổi luyện tập của Đội văn nghệ trẻ bản Vàng Pheo.
Một buổi luyện tập của Đội văn nghệ trẻ bản Vàng Pheo.

Được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2004, lúc đầu chỉ có một đội với 10 thành viên, đến nay bản Vàng Pheo có ba đội văn nghệ với 35 thành viên, gồm cả nhạc công. Trong đó đội trẻ từ 18 - 30 tuổi, đội trung tuổi từ 31 - 40 tuổi và đội cao tuổi từ 50 tuổi trở lên. “Có lẽ những bài hát, điệu múa của người Thái nơi đây đã trở thành mạch nguồn tuôn chảy trong dòng máu của mỗi thành viên, nên việc luyện tập các tiết mục mới, hay những bài xòe… từ thời trước truyền lại, luôn được các thành viên trong đội luyện tập tự nguyện, tự giác. Kể cả những khi vào vụ thì các buổi tối cuối tuần, họ lại cùng nhau tụ về nhà văn hóa bản để cùng ngân lên nhịp tính tẩu, nhịp trống xòe rộn rã, những bài dân ca Thái và hướng dẫn cho nhau từ dáng múa, từng bước đi sao cho đúng nhịp…”, Chủ tịch UBND xã Đèo Văn Phong chia sẻ. 

“Ngoài việc luyện tập những tiết mục mới, hướng dẫn cho đội trẻ, đội trung niên và các xã, bản lân cận, giao lưu với các đội văn nghệ của thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên và huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La..., chúng tôi còn thường xuyên luyện tập những điệu múa cổ của người Thái như: điệu xòe “Phá xí”, nghĩa là xòe bốn phương với tốp múa bốn người; điệu xòe “Đổn hôn”, tức là điệu xòe cổ có những bước tiến lùi; hay điệu xòe “Khắm khen” một điệu xòe cổ nắm tay cùng xòe. Các trang phục, đạo cụ biểu diễn, hay đến việc mua son phấn trang điểm... ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước thì chúng tôi còn huy động từ các nguồn xã hội hóa”, bà Mào Thị Ổn - Đội trưởng văn nghệ cao tuổi chia sẻ.

Không chỉ múa hay, hát giỏi, các thành viên trong đội văn nghệ còn là những hướng dẫn viên du lịch, những đầu bếp cừ khôi trong việc chế biến các món ẩm thực của người Thái và giới thiệu với du khách như: pà pỉng tộp (cá nướng), khẩu lam (cơm lam), nhứa mù khủa (thịt lợn hấp), nhứa giảng (thịt trâu hun khói)..., được làm rất kỳ công.

Đặc biệt, hằng năm vào các dịp lễ, Tết, hội của bản, của xã như: Lễ hội Nàng Han, Kin Lẩu Khẩu Mẩu, Kin Pang Then,  Lễ hội gội đầu… thì các thành viên của ba đội văn nghệ chính là hạt nhân quan trọng trong cả phần lễ và phần hội với những bài hát dân ca dân tộc Thái cùng những bài múa khăn, múa nón, múa quạt hay những điệu xòe cổ. “Tôi đã đi khắp nơi trong cả nước, đặc biệt là những vùng có đồng bào dân tộc Thái cư trú tập trung như: Mường Thanh (Điện Biên), Mường Lò (Nghĩa Lộ), hay người Thái ở Sơn La, nhưng nói chung tôi thấy các đội văn nghệ bản Vàng Pheo chính là những hạt nhân cực kỳ quan trọng trong việc gìn giữ, lưu truyền bản sắc văn hóa của dân tộc Thái trắng nơi đây”, Phó Cục trưởng Văn hóa cơ sở Vi Thị Thanh Hoài chia sẻ.