Kiện toàn quy trình thẩm định phim

Địa phương chưa dám gánh trách nhiệm

Công tác thẩm định, duyệt cấp phép phim bên cạnh đòi hỏi người duyệt phải nắm vững kiến thức chuyên môn, bản lĩnh chính trị cao cũng chứa đựng rất nhiều áp lực, rủi ro. Vì thế, ngoài việc xử phạt nghiêm những sai sót, cần có những giải pháp căn cơ, chiến lược để hạn chế những sai sót có thể xảy ra. Tuy nhiên…

Ảnh: TL
Ảnh: TL

Xử phạt nghiêm khắc - Cần nhưng chưa đủ

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTT&DL) vừa quyết định áp dụng một số hình thức kỷ luật đối với một số cán bộ Cục Điện ảnh, Trung tâm Chiếu phim Quốc gia. Trên cơ sở tình hình thực tế, yêu cầu công việc của Cục Điện ảnh, Ban Cán sự đảng Bộ thống nhất phân công đồng chí Tạ Quang Đông, Ủy viên Ban Cán sự đảng, Thứ trưởng VHTT&DL điều hành Cục Điện ảnh, từ ngày 28-10. Liên quan vụ việc bộ phim “Everest - Người tuyết bé nhỏ”, Bộ VHTTDL đánh giá, đây là bài học sâu sắc trong công tác quản lý điện ảnh nói riêng và lĩnh vực văn hóa - văn nghệ nói chung.

Nhưng chắc chắn, việc xử phạt nghiêm khắc không bảo đảm sẽ hạn chế tối thiểu những sai sót về sau, và lại là điều không ai mong muốn. Một dẫn chứng rất đơn giản, khi doanh số ngành điện ảnh liên tục tăng trưởng ở mức hai con số, phim ảnh ngày một nhiều, nhưng nhân sự làm công tác thẩm định lại vẫn rất… ổn định. Năm 2008, có bảy phim không được phép phổ biến, nhưng sau 10 năm, con số này tăng gấp 4 lần lên 28 phim.

Bộ VHTTDL đã giao Cục Điện ảnh xem xét, phân cấp việc thẩm định, cấp phép, phổ biến phim với các địa phương đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện và có đề nghị được phân cấp việc thẩm định, cấp phép phổ biến phim. Cụ thể hơn là đề xuất quy định theo hướng phân cấp quản lý cho UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư quản lý nội dung các phim phát trên internet, phim khai thác từ vệ tinh, do các doanh nghiệp có máy chủ đặt tại Việt Nam và đăng ký kinh doanh tại địa phương phát hành. Thực tế hiện nay, ngoài hội đồng thẩm định phim cấp bộ, còn có hội đồng thẩm định phim cấp tỉnh, thẩm định một số thể loại như phim ngắn nghĩa là đã có quá trình phân cấp giữa bộ và các sở, ngành.

Quyền tự quyết ở địa phương - Khi nào thực hiện?

Cần nhấn mạnh một chi tiết, đó là các quy định hiện nay cho phép thành lập hội đồng thẩm định ở địa phương. Nghị định số 54 năm 2010 của Chính phủ, ở Điều 18 quy định chi tiết thi hành khoản a, điểm 1, Điều 38 của Luật Điện ảnh và điểm b, khoản 12, Điều 11 Luật sửa đổi bổ sung Luật Điện ảnh, quy định: địa phương nào mà trong một năm có 10 phim sản xuất và 40 phim nhập trở lên thì đủ điều kiện để năm sau có thể làm đơn đề nghị được phân quyền duyệt phim. Nghĩa là chiếu theo các tiêu chuẩn này thì sẽ có nhiều địa phương, đơn cử như TP Hồ Chí Minh, đủ điều kiện để xin cấp phép thành lập hội đồng thẩm định phim.

Một lãnh đạo của Cục Điện ảnh chia sẻ rằng, cho đến thời điểm này chưa có địa phương nào xin lập hội đồng. Tại sao cơ quan quản lý đã cho phép, và mới đây còn khuyến khích, cơ chế cũng đã có, nhưng địa phương lại chưa sẵn sàng thực thi?

Mấu chốt nằm ở trách nhiệm. Bởi nếu địa phương tự thẩm định, cấp phép phổ biến phim thì cũng tự chịu trách nhiệm nếu xảy ra sai sót và liệu có ai muốn điều này hay không? Bởi thành thật mà nói, không ít người có thể lớn tiếng chỉ trích hội đồng thẩm định khi xảy ra những sai sót, nhưng chưa chắc đã sẵn sàng vào hội đồng thẩm định (dù có đủ chuẩn) vì quá hiểu rằng, đây là một công việc vô cùng áp lực.

Có ý kiến cho rằng, thị trường điện ảnh tập trung tại TP Hồ Chí Minh nên cần có hội đồng thẩm định phim đặt tại đây, nhưng như đã nói ở trên, quyền tự quyết sẽ thuộc về địa phương chứ không còn ở T.Ư nữa. Và rõ ràng là chừng nào chưa xuất hiện thêm những hội đồng thẩm định phim cấp địa phương thì chừng đó áp lực lên hội đồng cấp bộ vẫn còn rất lớn.