Di chỉ Vườn Chuối lại bị xâm hại

Giá trị nhiều mặt và việc cần thiết phải bảo tồn khu di chỉ khảo cổ Vườn Chuối (thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội) đã được khẳng định. Nhưng trong khi các nhà khảo cổ học còn đang báo cáo cấp trên kết quả khai quật đợt 1 (của lần thứ 9) thì các hoạt động san lấp đã vội vã diễn ra, đặt khu di chỉ khảo cổ quý giá có tuổi đến 3.500 năm trước nguy cơ biến mất.

Một hố đào trộm cổ vật mới được phát hiện ngày 6-11 ở khu vực Vườn Chuối.
Một hố đào trộm cổ vật mới được phát hiện ngày 6-11 ở khu vực Vườn Chuối.

Nguy cơ biến mất

Ngày 22-10, tại Hội thảo khoa học báo cáo kết quả khai quật lần thứ 9 và thảo luận tìm phương án để bảo tồn và phát huy giá trị khu di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối, các nhà khoa học, đại diện Ban quản lý di tích danh thắng Hà Nội, Cục Di sản văn hóa đã thống nhất những kiến nghị với UBND TP Hà Nội, đề nghị sớm có biện pháp tối ưu để giữ (ít nhất cũng được một phần) khu di chỉ quý giá này. Phó Cục trưởng Trần Đình Thành đề nghị các cấp chính quyền địa phương vào cuộc hỗ trợ trong việc bảo vệ khu di tích trước nguy cơ bị xâm phạm, hạn chế các hoạt động xây dựng ở khu vực này, đồng thời khẩn trương làm hồ sơ xếp hạng di tích Vườn Chuối.

Nhưng chỉ một tuần sau, di chỉ Vườn Chuối lại kêu cứu. Lần xâm hại này có quy mô và mức độ lớn hơn tất cả những lần đã xảy ra.

Người dân ở thôn Lai Xá cho biết: Các máy thi công của Công ty cổ phần thương mại xây dựng Việt Nam đã tiến vào san ủi gò Mỏ Phượng, gò Dền Rắn liên tục trong các ngày từ 29-10 đến 4-11. Đơn vị thi công đã san ủi và làm cống, làm đường nội bộ trên những diện tích này.

Sáng hôm qua 6-11, ông Nguyễn Văn Thắng, một người yêu quý và nhiệt tình bảo vệ di chỉ Vườn Chuối nhiều năm nay, dẫn chúng tôi ra công trường san lấp gò Mỏ Phượng. Chỉ cần nhìn bằng mắt thường cũng thấy rất nhiều mảnh gốm Đông Sơn lẫn lộn trên mặt đất mới được san ủi. Cùng với vết xích của máy ủi, máy xúc là hàng loạt hố đào trộm cổ vật xuất hiện tại khu vực tập trung mộ táng thời Đông Sơn vừa được phát hiện. PGS Bùi Văn Liêm, nguyên Phó Viện trưởng Khảo cổ học Việt Nam, người chủ trì đợt khai quật lần thứ 9 vừa qua, sau khi thăm hiện trường, ngày 5-11, rất bức xúc: “Cả khu Vườn Chuối hiện đang bị xâm hại nghiêm trọng. Gò Mỏ Phượng gần như bị xóa sổ, gò Dền Rắn bị phá một nửa. Còn ở khu gò Vườn Chuối, nơi được các nhà khảo cổ kiến nghị giữ lại để bảo tồn, thì liên tục bị đào trộm đồ cổ trong những ngày gần đây”.

PGS Nguyễn Văn Huy, chuyên gia hàng đầu về bảo tàng học hiện nay, cũng là người con của thôn Lai Xá, tỏ rõ sự thất vọng: “Tia hy vọng vừa lóe lên khi Viện Khảo cổ học báo cáo kết quả đợt khai quật vừa qua với đánh giá rất cao giá trị của di chỉ thì nay bị dập tắt bằng việc xe ủi san phẳng khi di chỉ đã được khoanh vùng để khai quật”.

Đứng trước thực trạng di sản đang bị cày xới, các nhà khoa học đang bất lực.

Cần sớm can thiệp

Đơn vị được giao trực tiếp theo dõi hiện trạng Vườn Chuối là Phòng Văn hóa huyện Hoài Đức hoàn toàn không biết việc san ủi đang được gấp rút tiến hành cho đến khi được truyền hình phỏng vấn ngày 5-11.

Trước những phản ánh của nhân dân Lai Xá và các nhà khoa học, ngày 4-11, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã có Công văn số 4130/SVHTT-QDLDDT đề nghị “Các đơn vị chủ đầu tư xây dựng đường 3.5 và khu đô thị Thăng Long 9 tổ chức theo dõi phát hiện di tích, di vật trong quá trình thi công tại khu vực liên quan đến di chỉ Vườn Chuối cũng như các khu vực thi công khác. Trường hợp thấy có khả năng có di tích hoặc di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thì chủ dự án phải tạm ngừng thi công và thông báo kịp thời cho Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hoài Đức, Ban Quản lý di tích và danh thắng thuộc Sở để có biện pháp xử lý kịp thời”, “để bảo vệ cụm di chỉ theo quy định pháp luật về di sản văn hóa” (trích Công văn).

Tuy nhiên, trên thực tế, việc thực hiện những nội dung của công văn này khó khả thi, bởi đơn vị thi công không có nghiệp vụ về bảo tồn văn hóa nên khó có thể thực hiện việc “theo dõi, phát hiện di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia” như được đề nghị. Chưa kể, để bảo đảm tiến độ, việc “tạm ngừng thi công và thông báo” khó có thể xảy ra vì lý do “không có nghiệp vụ” như đã nêu.

Các nhà khoa học, những người dân ở Lai Xá, những người tâm huyết với việc bảo tồn văn hóa đều mong mỏi các cơ quan chức năng và chính quyền thành phố nhanh chóng vào cuộc và sớm có giải pháp hữu hiệu để kịp thời bảo vệ di sản quý giá này. Trước mắt cần dừng ngay các hoạt động san lấp cho đến khi có những quyết định rõ ràng về chỉ giới xây dựng. Sau đó, thành phố cần xếp hạng di tích này để nó được bảo vệ bằng Luật Di sản văn hóa. Đồng thời, địa phương, người dân mới có chỗ dựa pháp lý để giữ di sản quý của quê hương mình.