Để nền điện ảnh phát triển

1. Lâu nay, Hội đồng T.Ư thẩm định và phân loại phim được coi như một bộ máy sàng lọc những hạt sạn, cất lên tiếng nói trọng lượng để một bộ phim điện ảnh được ra mắt, phát hành ở thị trường Việt Nam, hoặc không. Vì thế, hội đồng này được ví như “người gác cửa” của Cục Điện ảnh, mà rộng ra là của Bộ VHTT&DL. Thế nhưng, thực tế, Hội đồng đã để lọt khá nhiều điều khiến dư luận bức xúc.

Và khi để “lọt lưới” những hạt sạn - dù to, dù nhỏ - thì khán giả và thậm chí cả những người làm nghề lại “soi ngược” lại hội đồng, âu cũng là điều dễ hiểu. Và cũng là sự sòng phẳng, với hy vọng miễn sao để điện ảnh Việt Nam và thị trường điện ảnh tại Việt Nam được lành sạch, cùng phát triển. Một con số từ Bộ VHTT&DL cho thấy, mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 200 phim nước ngoài và sản xuất trung bình khoảng 40 phim. Đó là “khối lượng” công việc của Hội đồng T.Ư thẩm định và phân loại phim truyện phải thực hiện kiểm duyệt trước khi quyết định cấp phép hay không cấp phép.

Áp lực đang đè nặng lên hội đồng duyệt phim là có thật. Và cần có sự tháo gỡ, kẻo không, hết sai sót này sẽ lại tiếp đến sai sót khác, mà rất có thể, sai sót sau còn “nặng nề” hơn sai sót trước! Nhưng gõ bằng cách nào?

2. Nhiều nhà sản xuất phim ảnh cho rằng, nếu cần thiết một hội đồng để duyệt, thẩm định và phân loại phim trước khi công chiếu, thì cần phải tập hợp được những gương mặt tiêu biểu, có bản lĩnh chính trị vững vàng, am hiểu đời sống xã hội, được anh em làm nghề tôn trọng, nể vì. Bên cạnh đó, cần trẻ hóa, đa dạng hóa thành viên trong hội đồng. Thực tế đã chỉ ra, các thành viên trong Hội đồng thời gian gần đây nhiều người tuổi đã cao. Đó là chưa kể, khi con người tuổi càng cao phải liên tục xem những phim hành động, kinh dị “không hợp khẩu vị” thì quả thật như “tra tấn”. Trong khi công nghiệp điện ảnh ngày nay phát triển, sự cài cắm những yếu tố chính trị lại càng tinh vi hơn trước.

Vì vậy, cần phải giải bài toán áp lực cho Hội đồng thẩm định T.Ư và phân loại phim truyện, thậm chí phải “thay máu”. Khi chính các thành viên trong Hội đồng đó đã cảm thấy áp lực thì cần phải có điều chỉnh, nếu không, điện ảnh Việt Nam không chỉ dậm chân tại chỗ mà có thể còn đi giật lùi.

3. Tại công văn trả lời Bộ VHTT&DL về việc đề nghị góp ý đối với dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ủng hộ đề xuất của cơ quan soạn thảo trong việc bãi bỏ giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phim, bãi bỏ văn bản chấp thuận đặt văn phòng đại diện của cơ sở điện ảnh Việt Nam tại nước ngoài và bãi bỏ quy định người nhập khẩu phim phải có rạp chiếu phim. VCCI cũng đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục bãi bỏ một số quy định khác, trong đó có thẩm định phim và cấp giấy phép phổ biến phim. Bởi hiện nay, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực điện ảnh, hội đồng thẩm định thường yêu cầu chỉnh sửa phim và nhiều yêu cầu bị cho là thái quá, can thiệp vào nội dung nghệ thuật và thương mại của bộ phim chứ không chỉ phục vụ mục đích thẩm định, duyệt nội dung để chống nội dung khiêu dâm, bạo lực, thù địch…

VCCI góp ý đề nghị cơ quan soạn thảo mạnh dạn đổi mới cơ chế thẩm định, duyệt phim theo hướng: Luật Điện ảnh đặt ra các điều kiện (chủ yếu về nhân sự) để một đơn vị có thể thực hiện công tác thẩm định, duyệt phim. Tổ chức nào đủ điều kiện đều có thể đăng ký và được cấp phép hoạt động kiểm duyệt phim.