Dấu ấn của “Người phán xử”

NSND Hoàng Dũng (1956 - 2021) đã hoàn thành xong con đường nghệ thuật lẽ ra nên được tiếp diễn để tặng cho cuộc đời những đặc sắc mới. Đó thật sự là điều đáng tiếc. Nhưng cũng từ đây, có sự trao gửi mạnh mẽ hơn nữa đến những người ở lại cùng yêu mến người bạn, người thầy Hoàng Dũng, để cùng đẩy cao lên nữa vị trí và vẻ đẹp của nghệ thuật.

NSND Hoàng Dũng vai Bá Nhỡ, cùng các nghệ sĩ Nhà hát Kịch Hà Nội trong vở “Tiếng đàn vùng Mê Thảo” của PGS Tất Thắng, dựa theo tác phẩm “Chùa Đàn” của nhà văn Nguyễn Tuân.
NSND Hoàng Dũng vai Bá Nhỡ, cùng các nghệ sĩ Nhà hát Kịch Hà Nội trong vở “Tiếng đàn vùng Mê Thảo” của PGS Tất Thắng, dựa theo tác phẩm “Chùa Đàn” của nhà văn Nguyễn Tuân.

1/ NSND Hoàng Dũng gần như giữ sự điềm đạm, chu chỉnh và chủ động trong các màn diễn. Thể hiện một cơn tức giận, hay phút hoang mang và trạng thái xót xa, phẫn uất, rồi vui sướng ở “cấp độ” hào hứng hay chỉ tươi tắn nhẹ nhàng…, có cảm giác như ông đều bảo đảm “độ lùi” nhất định trong thể hiện. Ấy là sau khi ông đã suy ngẫm nhiều về nhân vật, cân nhắc cách thể hiện, phác thảo ra những động tác dứt khoát, những lời thoại rành rọt, những điểm nhấn nhá nhằm đạt hiệu quả cao trong bộc lộ tâm trạng, thái độ nhân vật.

Đó là kinh nghiệm quý của người nghệ sĩ đã vào hàng “sành sỏi” trong nghề. Mấy nét đặc sắc này không cần cứ phải vai chính, vai trọng tâm của vở diễn, đòi hỏi nhiều thời gian xuất hiện, nhiều công phu nghiên cứu phương án diễn xuất và chuẩn bị hóa trang, trang phục… Mà có thể chỉ vai nhỏ, nghệ sĩ Hoàng Dũng cũng đủ “sắc” làm toát ra cái đặc điểm, trạng thái nhân vật lúc đó. Nhớ lần ông vào vai thầy đồ trong vở kịch “Trinh phụ hai chồng” của Nhà hát Kịch Hà Nội. Trong thời gian diễn ngắn ngủi, ánh mắt trìu mến và lời thoại thong thả, nắn nót đủ thể hiện vẻ ân cần của người cha, người thầy tận tụy. Nhưng ngay sau đó, cũng con người hiền lành ấy, trước sự tráo trở của tên học trò “ruột”, khuôn mặt thầy đồ… dần biến dạng theo những lời nói từ lễ phép thoắt chuyển sang xấc xược. Bất ngờ đến mức bàng hoàng và “sốc” đến không chịu nổi, thầy đồ… há miệng, ông đưa tay ôm miệng, ôm mặt, chỉ thẳng vào tên học trò bất lương rồi từ từ quỵ xuống. 

2/ Cũng không phải nói đến hôm nay với những vai diễn “nặng ký” trên truyền hình như trường hợp “Người phán xử” trong bộ phim đình đám cùng tên, nghệ sĩ Hoàng Dũng đã “đồng hành” cùng tình yêu của nhiều thế hệ khán giả suốt mấy chục năm, qua sân khấu truyền hình, qua không ít phim truyền hình một tập thời kỳ đầu: Một trí thức trẻ trong xã hội thực dân nửa phong kiến, quẫn bách tìm con đường sống. Một chiến sĩ công an dũng cảm, lao vào khói lửa chiến đấu và chiến thắng tội phạm. Một quan trạng hóm hỉnh và kiêu hãnh với những “cú chơi” cho thầy trò nhà Chúa tức đến lộn ruột… Vai Trạng Quỳnh của Hoàng Dũng vừa nhấn nhá ở những nét mặt, cử chỉ, lời nói điềm nhiên nhưng ngầm tinh quái của dân gian, lại vẫn giữ phong thái đàng hoàng của con người chữ nghĩa. 
Điều đáng suy ngẫm vẫn có thể coi là mới mẻ, đó là chính những bộ phim ngày ấy, khó lòng có được các điều kiện như bây giờ về vật chất, công nghệ, kỹ xảo, kể cả truyền thông…, nhưng chính sự cẩn trọng, trách nhiệm làm nghề và ý thức tìm tòi trong diễn xuất của diễn viên, đã làm cho người xem hứng thú, hâm mộ. Thật thế! Làm sao người ta không thể không nhắc đến những gương mặt nổi bật và quen thuộc của nhà hát và từ Nhà hát Kịch Hà Nội, Quốc Toàn, Trần Vân, Hoàng Cúc, Hoàng Dũng, Minh Hòa, Trần Đức, Thu Hà…, cùng với nhiều nhà hát khác như kịch Việt Nam, Tuổi trẻ, Quân đội…, những người cùng giữ tình yêu nghệ thuật cho công chúng suốt tháng năm dài. Và trong đó, Hoàng Dũng như một nghệ sĩ được nhiều người yêu mến từ khi họ còn nhỏ, còn trẻ, cho đến nay đã ở lứa trung niên, cao niên.

3/ Những giá trị nghề nghiệp đó, NSND Hoàng Dũng vốn đã chia sẻ với đông đảo diễn viên trẻ từ nhiều năm qua rồi. Minh chứng bằng niềm trân trọng, học hỏi của nhiều nghệ sĩ Nhà hát Kịch Hà Nội, nghệ sĩ xuất thân từ nhiều sinh viên Trường ĐH Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội, Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội… mà ông là giảng viên thỉnh giảng. Chia sẻ tự nhiên bằng cả nhiệt huyết làm việc qua từng vở diễn, bộ phim, đến cả những ngày cuối đời, trước khi phải vào bệnh viện điều trị, lịch ghi hình của ông có khi vẫn đến đêm, để rồi trở về nhà muộn và ngủ rất ít.

Không phải nói lại nữa những tâm sự xót xa mà nhiều nghệ sĩ trẻ hướng về thầy Dũng, “bố Dũng” trong những ngày qua, cùng các đồng nghiệp nhiều thế hệ, và rộng hơn là công chúng. Mà có thể nhấn mạnh một điều, rằng chính NSND Hoàng Dũng, nguyên Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội, đã mong muốn tất cả những con người ấy, từ diễn viên đến khán giả, dành tình yêu cho sân khấu, cho nghệ thuật một cách nghiêm ngắn, bền lâu, bằng quá trình rèn luyện, tích lũy để sống với nghệ thuật, thưởng thức nghệ thuật, chứ không phải coi đó như một thứ hoạt náo, với một thái độ hời hợt. Hoàng Dũng dường như ít khi “tuyên ngôn” về điều đó, mà ông thực hành bằng cả cuộc đời nghệ thuật của mình.