Chuyện tình đẹp của hai chiến sĩ cách mạng

Giữa cái rét sâu 90C của ngày đông Hà Nội, những ai có mặt tại không gian trưng bày chuyên đề “Bài ca kết đoàn” của Khu di tích Nhà tù Hỏa Lò vẫn ấm áp bởi câu chuyện xúc động của hai trái tim cách mạng Mai Ngọc Thuyết và Nguyễn Văn Mẫn.

Bà Nguyễn Hồng Tuyến xem hình ảnh về bác ruột mình - ông Mai Lập Đôn tại triển lãm.
Bà Nguyễn Hồng Tuyến xem hình ảnh về bác ruột mình - ông Mai Lập Đôn tại triển lãm.

1. Câu chuyện cảm động cùng với hàng trăm hình ảnh, hiện vật của những chiến sĩ cách mạng từng bị thực dân Pháp giam cầm tại Nhà tù Hỏa Lò là nội dung cuộc trưng bày vừa khai mạc ngày 8-1. Hoạt động hướng tới kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930 - 3-2-2021) và chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam (từ ngày 25-1 đến ngày 2-2-2021).

Thời kỳ vận động thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương, đồng chí Mai Ngọc Thuyết (tức Mai Vũ Trang) và anh trai mình - đồng chí Mai Lập Đôn (một trong 11 hội viên đầu tiên của Chi hội Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (được đồng chí Nguyễn Ái Quốc thành lập vào tháng 6-1925) tại Hà Nội) cùng sống tại nhà số 8, phố Ô Chợ Dừa (nay thuộc khu vực ngã năm Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội). Đây cũng là địa điểm liên lạc bí mật của hai anh em trong hoạt động cách mạng. Được anh trai giác ngộ sớm, bà Mai Ngọc Thuyết đã tích cực tham gia hoạt động, từ việc mở cửa hàng tạp hóa tại nhà để làm công tác canh chừng cho các cuộc họp đến làm thơ, in truyền đơn tuyên truyền cho cách mạng. Khi Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập, bà là một trong những nữ đảng viên đầu tiên.

Thời gian này, theo chủ trương của Đảng, bà cùng anh trai mình và đồng chí Khuất Duy Tiến về Nam Định thực hiện việc tuyên truyền, vận động và tổ chức cho công nhân đấu tranh. Tại đây, bà gặp và cảm mến người chồng của mình sau này, đồng chí Nguyễn Văn Mẫn - Xứ ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ. Thời gian cùng hoạt động, được tổ chức tác thành, hai ông bà nên duyên sau một tối trò chuyện ấm áp, giản dị trước sự chứng kiến của mọi người. Cuối năm 1929, do có kẻ phản bội, ông Mai Lập Đôn bị địch bắt, bà Mai Ngọc Thuyết cũng bị địch săn lùng ráo riết. Bà được tổ chức đưa về Hà Nội, dấu thân phận với vai trò người bán hàng ở hiệu thuốc lào Thuận Mỹ số 15 Hàng Nón.

Dù đã 90 tuổi, bà Nguyễn Hồng Tuyến, cán bộ cách mạng tiền khởi nghĩa, người con duy nhất của hai chiến sĩ cách mạng Nguyễn Văn Mẫn và Mai Ngọc Thuyết vẫn kể về mối tình của cha mẹ mình một cách sôi nổi: Mẹ tôi lúc đó bị định truy lùng và chúng treo giải thưởng năm nghìn đồng tiền Đông Dương nếu ai bắt được. Bà lại về nương náu tại quê bố tôi ở phố Tiền Môn, Bắc Giang (nay là số nhà 206, đường Nguyễn Văn Cừ). Tại đây, mẹ tôi tìm cách liên lạc với Đảng để tiếp tục hoạt động và gây dựng phong trào. Tháng 10-1931, cha tôi được Trung ương giao một nhiệm vụ đặc biệt và bị sa vào tay giặc, chúng tra tấn rất dã man rồi đưa đi Bắc Ninh kết án 10 năm tù, lúc đó tôi mới được bốn tháng tuổi. Trong lao ngục, cha tôi đã kiên quyết phản đối sự buộc tội và lên án chế độ thực dân cướp nước. Chống án ra Hà Nội, cha lại bị kết án 20 năm tù. Đầu năm 1933, tù chính trị bị thực dân Pháp đưa về Hỏa Lò để đầy đi Côn Đảo. Ai có con sẽ được gặp mặt. Lúc đó cha bế tôi vào lòng và chỉ kịp hôn một cái rồi lại bị địch xua vào phòng giam. Hai mẹ con chỉ còn nghe thấy tiếng cha tôi nói vọng ra: Hai mẹ con về cho khỏe! Trong suốt 12 năm bị giam cầm tại Nhà tù Côn Đảo, cha tôi với tinh thần lạc quan cách mạng, vẫn cùng với anh em, đồng chí tổ chức học văn hóa chính trị để mai này về giúp dân, giúp nước. Đối với con gái mình, ông còn gửi nhiều đề bài phong toán về Bắc Giang để hướng dẫn tôi học. Ông còn đi lượm mai đồi mồi ở biển rồi mài thành nhẫn, thành vòng  gửi về cho tôi đeo. Ông chăm sóc tôi như người cha vẫn đang ở bên.

2. Giông tố lại ập đến, do thân phận bị lộ, đầu năm 1941 bà Mai Ngọc Thuyết bị thực dân Pháp bắt tại Bắc Giang, sau đó bị dẫn giải về Hỏa Lò giam giữ và khai thác. Dù bị tra tấn dã man, nhưng với tấm lòng kiên trung bảo vệ Đảng, bà vẫn một mực không khai bất cứ thông tin nào của tổ chức với địch. Không làm được gì, cùng với sự đấu tranh phản đối của các đồng chí trong tù dưới sự dẫn dắt của bí thư Trần Đăng Ninh lúc đó, đến tháng 8-1942, địch phải thả tự do cho bà.

Nhưng gần một năm sau, hai mẹ con lại nhận tin dữ từ Côn Đảo. Sau một cuộc đấu tranh lớn chống bọn chúa ngục ngược đãi tù nhân, ông Nguyễn Văn Mẫn bị địch kết án là cầm đầu của cuộc đấu tranh trong tù. Chúng nhốt ông xuống hầm tối sáu tháng liền, khi ra khỏi hầm chỉ còn da bọc xương, chân đi không vững, hơi tàn, sức kiệt, đồng chí Nguyễn Văn Mẫn hy sinh tại Nhà tù Côn Đảo ngày 3-3-1943.

Run rẩy xúc động, bà Nguyễn Hồng Tuyến kể: Bác Ngọc Anh, người bạn tù với cha tôi đã viết thư báo về cái chết của cha cho mẹ con tôi. Trong thư bác kể: Trước khi trút hơi thở cuối cùng, anh vẫn cầm ảnh của chị và cháu rồi liên tục gọi tên con. Chị và cháu cứ yên tâm chúng tôi sẽ làm mộ chí cho anh.

Sau thời gian nghe tin dữ dội về, bà Mai Ngọc Thuyết vẫn kiên trì thờ chồng nuôi con và tiếp nối sự nghiệp cách mạng cao đẹp mà hai ông bà đã lựa chọn. Những lúc buồn bà thường dắt Hồng Tuyến (lúc này đã 13 tuổi) ra bến sông Thương đọc thơ cho khuây khỏa. Những câu thơ của mẹ vẫn luôn in đậm trong nỗi nhớ của bà Hồng Tuyến: “Em ngắm mây bay tận cuối trời/Nhìn làn nước chảy tít mù khơi/Những mong mây nước đưa tin lại/Mây cứ bay đi, nước cứ trôi”.

Biến đau thương thành hành động cách mạng, bà Mai Ngọc Thuyết đã cùng con về mở lại cơ sở tại Bắc Giang và hoạt động tích cực cho đến ngày cách mạng thành công năm 1945. Sau ngày miền nam hoàn toàn được giải phóng, thực hiện ước nguyện của mẹ, bà Nguyễn Hồng Tuyến đã đi ra Côn Đảo ba lần để tìm cách đưa thi hài cha mình về quê hương. Và sau 60 năm xa cách, ông bà Mai Ngọc Thuyết và Nguyễn Văn Mẫn đã được đoàn viên bên nhau tại quê hương. Quãng đời tranh đấu cũng như mối tình cảm động của hai chiến sĩ cộng sản ưu tú thời dựng Đảng sẽ luôn là tấm gương sáng cho các thế hệ mai sau.