Làng bích họa đầu tiên của Hà Nội:

Chờ Hà Nội thêm điểm đến?

15 bức bích họa trên tường các hộ dân ở làng Chử Xá, Văn Đức, Gia Lâm, Hà Nội đang mở ra hướng đi mới về tạo thêm điểm đến cho du lịch Hà Nội.

Một bức tranh tường ở làng Chử Xá.
Một bức tranh tường ở làng Chử Xá.

Làng bích họa đầu tiên ven sông Hồng

Những bức bích họa độc đáo, nhiều mầu sắc đang khiến Chử Xá được nhắc tới như một điểm đến của giới trẻ những ngày qua. Dự án “Nông nghiệp sạch - thành phố xanh” thông qua những bức tranh tường ở Chử Xá mới được bàn giao ngày 28-9. 15 bức họa, bức lớn nhất diện tích 30 m², bức nhỏ nhất diện tích 6 m² với chủ đề gần gũi đời sống người dân ở đây như chăn nuôi, rau củ, đánh bắt cá… được các họa sĩ hoàn thành trong hai tháng.

Ông Trần Xuân Điệu, Chủ tịch UBND xã Văn Đức cho hay, từ lúc bàn bạc dự án đến xin phép, chuẩn bị cho các bức tranh tường được tiến hành trong vòng sáu tháng rưỡi: “Đầu tư du lịch cho Văn Đức thì chúng tôi đã nghĩ đến từ lâu, bây giờ có tranh tường sẽ có thêm một điểm nhấn cho làng Chử Xá”. Đáng ngạc nhiên là dù cách trung tâm Thủ đô không xa, Chử Xá vẫn xây dựng được một không gian yên tĩnh, sạch sẽ và nhiều không gian đẹp để có thể làm du lịch. Ngoài những bức tranh tường, không gian ven sông, hàng cau cảnh, dãy hoa tím trước cổng trường cũng là những điểm nhấn thú vị ở một làng ven đô. Ngay từ khi mới bàn giao, làng bích họa đầu tiên của Hà Nội đã thu hút khá đông khách đến tham quan, chụp ảnh. Những bức tranh độc bản, tận dụng cả không gian sẵn có để tạo ra hiệu ứng thị giác khiến ngôi làng trở nên sinh động hẳn.

Ông Trần Văn Tuấn, chủ nhân căn nhà có bức tranh tường cất vó tỏ ra khá hào hứng với dự án này: “Người ta đến xin phép vẽ tôi đồng ý luôn, chỉ yêu cầu không vẽ người quay lưng vào gian chính nhà thôi”. Nhà ông Tuấn nhìn ra phía cọn nước mới dựng trong dự án, lại có bức tranh tường vào loại nổi bật, cùng rặng nhãn phía trước nhà. Đây có thể xem là một điểm nghỉ chân khá lý tưởng cho khách qua làng. Ông Tuấn cũng cho biết, cách nhà ông không xa có di tích mộ tương truyền là của cụ Chử Cù Vân, bố của Đức Thánh Chử Đồng Tử, cũng là một điểm tham quan của làng. Chưa biết hiệu quả dự án mang lại ra sao nhưng ông Tuấn khá vui vì làng đã có nhiều người biết đến.

Lối đi cần mở cho du lịch trong ngày ở Hà Nội

Trong nhiều năm qua, dù là Thủ đô, Hà Nội vẫn phải đối mặt với thực tế là “điểm trung chuyển” cho du khách quốc tế đến các điểm du lịch nổi tiếng như Hạ Long, Ninh Bình, Sa Pa… Mặc dù được mệnh danh thành phố nghìn năm, Hà Nội vẫn chỉ dựa vào hệ thống tour tuyến nội thành. Đa phần các tour này dựa trên danh tiếng truyền thống của điểm đến, chứ không phải là tạo ra một điểm đến mới, chẳng hạn tận dụng danh tiếng làng gốm Bát Tràng, hay làng cổ Đường Lâm. Việc Chử Xá bắt tay làm du lịch có thể xem như một hướng đi phù hợp xu thế, góp thêm một điểm đến cho Hà Nội, với cách tạo ra điểm đến chứ không chỉ dựa vào những tiềm năng cũ.

Theo ông Trần Xuân Điệu, hiện đề án phát triển du lịch Văn Đức đang được trình lên lãnh đạo huyện Gia Lâm. Nếu đề án được thông qua thì đến tháng 11, Văn Đức nói chung và Chử Xá nói riêng sẽ đón những vị khách quốc tế đầu tiên. Đã có đơn vị du lịch hỗ trợ hoạch định tour tuyến cho Chử Xá. Du khách đến đây sẽ trải nghiệm nửa ngày du lịch tham quan làng quê, trải nghiệm làm nông dân, trồng rau sạch trước. Mô hình trải nghiệm vùng nông thôn này đã được Luang Phrabang (Lào) tận dụng khá tốt và là một trong những tour được Tripadvisor đánh giá cao.

Trong website của Sở Du lịch Hà Nội, phần gợi ý tuyến du lịch chỉ có tối đa là ba ngày (hai đêm), đa phần là các lựa chọn cho du lịch hai ngày. Trong khi danh sách các điểm du lịch được đăng ký với Sở Du lịch thì có tới 12 điểm du lịch làng nghề, 44 điểm du lịch di sản - di tích, 14 khu sinh thái - nghỉ dưỡng, bốn khu du lịch sinh thái nông nghiệp và 26 điểm vui chơi giải trí. Theo số liệu năm 2018, tính bình quân, khách quốc tế lưu trú tại Hà Nội là 3,67 ngày, còn khách nội địa là 2,32 ngày. Đây là tính cả khách đến Hà Nội với các mục đích khác ngoài du lịch. Nếu so một số thành phố lân cận như Singapore 5,5 ngày, Phnom Penh (Campuchia) 4,5 ngày, Bangkok (Thái-lan) 6,5 ngày, thì đây vẫn chỉ là một con số trung bình trong khu vực Đông - Nam Á. Các điểm du lịch Hà Nội chưa thật sự có được điểm nhấn và giữ được chân du khách lâu dài. Ngay cả với dự án ở Chử Xá, ông Điệu cũng nói bước đầu mới chỉ thử nghiệm tour nửa ngày để đo phản ứng của du khách.

Hiện tại, Chử Xá vẫn chưa có gì ngoài một số điểm trải nghiệm đang được dự tính và những bức tranh tường. Trước mắt, vào dịp cuối tuần, Chử Xá đã bắt đầu tấp nập khách ghé qua chụp ảnh “check-in”.

Dự án vẽ tranh tường tôn vinh “Nông nghiệp sạch - Thành phố xanh” do Tổ chức Nghệ thuật Kiến tạo Cộng đồng (Arts Build Communities - ABC) đồng khởi xướng tổ chức, ra mắt tháng 7-2019. Nhóm họa sĩ trẻ đến từ một số trường đại học thực hiện. Dự kiến thời gian tới sẽ có thêm 15 bức tranh tường nữa được vẽ tại Chử Xá. Kinh phí thực hiện dự án đến từ nguồn xã hội hóa.
Làng Chử Xá, Văn Đức nằm ở tả ngạn sông Hồng, tương truyền là nơi phát tích của Đức Thánh Chử Đồng Tử. Nghề chính ở Văn Đức vẫn là nghề nông với các cây trồng chủ lực là ngô và rau xanh các loại, kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm.