Chép sử Trường Sơn bằng hội họa

Họ là những người lính một thời “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, cũng là những họa sĩ “chép sử bằng tranh”. Hằng năm, cứ vào dịp kỷ niệm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19-5-1959), trong thẳm sâu ký ức của mỗi người chiến sĩ - nghệ sĩ ấy lại càng cuộn trào, tha thiết với từng kỷ niệm đang ùa về sau mỗi bức tranh.

Tác phẩm về Trường Sơn của cố họa sĩ Nguyễn Thanh Châu.
Tác phẩm về Trường Sơn của cố họa sĩ Nguyễn Thanh Châu.

Còn hơi thở là cầm cọ

Đã có hàng nghìn bức ký họa chiến trường được các họa sĩ vẽ trực tiếp tại đường Trường Sơn huyền thoại, tuyến vận tải chiến lược mang tầm vóc lịch sử, góp phần quyết định vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Có thể kể ra những tên tuổi tiêu biểu thời ấy, như: Nguyễn Thanh Châu, Đào Đức, Hoàng Đình Tài, Trần Huy Oánh, Chu Thảo, Lê Trí Dũng, Phạm Lực, Nguyễn Đức Dụ…

Họa sĩ Nguyễn Đức Dụ cẩn trọng mở lần lượt bốn chiếc rương sắt, bên trong đựng khoảng 200 bức ký họa Trường Sơn ông mang về sau cuộc chiến tranh. Ông kể, nhiều chục năm qua, không ít nhà sưu tập hỏi mua, nhưng ngay cả những lúc kinh tế gia đình khó khăn nhất, ông vẫn không bán đi gia tài quý giá này. Mỗi dịp lễ trọng đại của đất nước, ông sẽ mở khóa rương sắt, ngắm lại từng bức vẽ và lặng nghe ký ức ùa về. Phía sau mỗi bức tranh là sự khốc liệt của ranh giới sinh tử, là những hình ảnh thực tế, cụ thể nhất về thế hệ những người lính, thanh niên xung phong đã bám trụ trên từng tấc đất, cung đường. Nguyễn Đức Dụ nhập ngũ năm 1965, là lính mở đường Trường Sơn. Khi ấy, dù chưa qua trường lớp đào tạo về hội họa nhưng năng khiếu của ông sớm được tổ chức công nhận, tạo điều kiện để người chiến sĩ trẻ được cầm cọ “xuyên” từ Đông Trường Sơn sang Tây Trường Sơn. Những bức ký họa ấn tượng, như: Chặng đường giao liên, Phá mìn vướng, Nuôi quân đại đội, Doanh trại mùa khô, Xe tăng vào tuyến… vẽ bằng mầu nước, mực nho, bút sắt của ông miêu tả một cách sống động, uyển chuyển từng khoảnh khắc đặc biệt của cuộc chiến.

Họa sĩ tâm sự: “Chúng tôi ở Trường Sơn vào những năm tháng vô cùng khốc liệt. Ngoài những lúc cầm súng chiến đấu, tôi cầm cọ vẽ, cố gắng quan sát, nắm bắt từng chi tiết để ký họa thật nhanh. Thời gian và mọi điều kiện chiến trường không cho phép được chủ quan, chậm trễ. Đến bây giờ, nhắm mắt lại tôi cũng mường tượng rõ cả cánh rừng trơ trụi vì chất độc hóa học, bom đạn, lũ gà rừng còn sống sót lần theo xe chở lương thực tìm nhặt thóc rơi… Chúng tôi thật may mắn khi mang được ký ức đó để trở về, còn biết bao con người anh dũng, làm nên lịch sử đường Trường Sơn đã mãi mãi nằm xuống, gửi lại tuổi thanh xuân nơi ấy”.

Từ miền hỏa tuyến

Chúng tôi hỏi họa sĩ Lê Trí Dũng: Bằng cách nào họa sĩ có thể giữ gìn những bức tranh từ chiến trường khốc liệt trở về nguyên vẹn? Ông trả lời, thực ra, tùy vào hoàn cảnh thực tế, mỗi người sẽ một cách riêng, nhưng các họa sĩ chiến trường ai cũng coi phần gia tài ấy như một phần cơ thể. Lúc ở chiến trường, ông cuộn từng bức ký họa lại, cho vào ống tre, ống pháo sáng hoặc ống rốc-két thu được của địch, xong xuôi mới bỏ vào ba-lô, mang bên mình. Giữa rừng Trường Sơn, nhiều lần, Lê Trí Dũng nghĩ ra những “triển lãm lưu động” để khích lệ tinh thần đồng đội. Các bức ký họa được kẹp bằng nẹp tre, buộc dây dù, treo ở trạm quân bưu, trên cành cây, nhà hầm... Hình ảnh chiến sĩ cao xạ bên mâm pháo, cô giao liên vóc dáng nhỏ bé gồng mình đưa thương binh vượt ngầm, chiến sĩ tăng gia trên chốt với chuồng chăn nuôi làm bằng thùng gỗ trước đây chứa đạn, máng lợn là quả bom cưa đôi theo chiều dọc... được tái hiện đầy sức sống, kiên cường, lạc quan trong hoàn cảnh mưa bom bão đạn.

Họa sĩ Lê Trí Dũng “xếp bút nghiên” lên đường ra trận vào tháng 1-1972, khi chỉ còn ba tháng nữa là tốt nghiệp đại học. Ông nhập ngũ vào Sư đoàn 338, vượt Trường Sơn. Vừa chiến đấu, ông vừa lặng lẽ, say sưa ghi lại từng khoảnh khắc chiến trường trên mọi chất liệu, từ giấy báo, sổ tay, vỏ bao bì... Một trong những tác phẩm mà họa sĩ yêu thích nhất mang tên “Vượt trọng điểm”, hiện treo tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Tác phẩm là một lát cắt dữ dội của chiến tranh bằng gam màu mạnh, chất liệu sơn mài làm nổi bật bối cảnh ác liệt nơi vùng trọng điểm. Mỗi dịp hội ngộ, thế hệ họa sĩ năm xưa như Lê Trí Dũng, Nguyễn Đức Dụ... vẫn nhắc nhớ lại từng câu chuyện, chân dung sau mỗi bức tranh.

Gửi tới tương lai

Những năm tháng chiến đấu và sáng tác ở Trường Sơn đã tôi luyện cho những người nghệ sĩ - chiến sĩ bản lĩnh kiên cường và nguồn cảm hứng bất tận. Hòa bình lập lại, họ vẫn không ngừng cống hiến, sáng tạo và thành công với nhiều đề tài, thể loại khác nhau.

Thế hệ họa sĩ thời kháng chiến chống Mỹ, nhiều người đã hy sinh nơi chiến trường hoặc qua đời vì tuổi cao, bạo bệnh nhưng câu chuyện đẹp đẽ về một thời binh lửa của họ vẫn không ngừng được lan tỏa các giá trị tốt đẹp tới tương lai, theo cách thức khác nhau. Sau khi họa sĩ Nguyễn Đức Hạnh (tác giả của nhiều bức ký họa nổi tiếng, như: Phút nghỉ ngơi của nữ tiểu đoàn vận tải, Dân quân huyện Nam Giang tập bắn 12,7 mm; Ngã ba Ái Nghĩa sau ngày giải phóng…) qua đời, gia đình ông đã hiến tặng toàn bộ số tranh ký họa kháng chiến cho TP Đà Nẵng (nơi gia đình họa sĩ sinh sống).

Còn nhớ, dịp cuối năm 2019, sau triển lãm “Ký ức Trường Sơn” tại Trung tâm Văn hóa, thể thao, thanh, thiếu niên tỉnh Nam Định, họa sĩ Nguyễn Đức Dụ quyết định hiến tặng cho Bảo tàng Nam Định hai tác phẩm tranh sơn dầu có giá trị, gồm: Trọng điểm Tha Mé mùa khô năm 1968 và Con mắt trọng điểm. Các tác phẩm được vẽ lại trên cơ sở hai ký họa trực tiếp tại chiến trường ở những trọng điểm đánh phá ác liệt của máy bay Mỹ, nơi ghi đậm dấu ấn chiến đấu anh dũng và sự hy sinh cao cả của bộ đội ta. Tặng tranh, gương mặt ông tràn ngập niềm vui và tự hào, xúc động. Ông chia sẻ, ngoài lúc sáng tác, bất cứ họa sĩ nào cũng đều hạnh phúc khi được trao gửi, chia sẻ về đứa con tinh thần tâm huyết.