Thẩm định, cấp phép phổ biến phim:

Cần thúc đẩy tinh thần đối thoại

Bước phát triển sôi nổi của đời sống điện ảnh với nhiều “con số biết nói”, đòi hỏi trách nhiệm làm mới, làm khác mình từ mỗi thành phần liên quan. Trong đó, không thể thiếu sự kiến tạo từ nền tảng cơ chế.

Cần tạo nhiều diễn đàn cho các nhà làm phim - Ảnh: Đạo diễn Phan Đăng Di phát biểu ý kiến tại một hội thảo về phim. Ảnh: ANH QUÂN
Cần tạo nhiều diễn đàn cho các nhà làm phim - Ảnh: Đạo diễn Phan Đăng Di phát biểu ý kiến tại một hội thảo về phim. Ảnh: ANH QUÂN

Áp lực mới và lớn lên nhà quản lý

Một thập kỷ trước, tổng doanh thu thị trường điện ảnh chỉ hơn 300 tỷ đồng thì đến năm 2018 vừa rồi, con số này đã lên đến gần 3.300 tỷ đồng. Tức là đã tăng gấp 11 lần. Và việc chinh phục các mốc 4.000 hay 5.000 tỷ đồng hay thậm chí lên đến hàng tỷ USD là điều có thể thấy trước.

Cùng với đó, số lượng rạp chiếu từ 14 rạp vào năm 2009 đã tăng lên 180 (gần 13 lần) vào đầu năm 2019. Cũng gần trùng với khoảng ấy, năm 2008, số lượng phim nhập khẩu chỉ hơn 100 phim thì 10 năm sau, con số tăng lên gần 240 phim (2,4 lần).

Sự tăng trưởng tích cực của ngành điện ảnh đồng thời cũng tạo ra áp lực rất lớn cho cơ quan quản lý. Năm 2007, số lượng phim không được phép phổ biến chỉ là 4, chưa bằng được “số lẻ” so con số của năm 2018 là 28. Cho đến nay, điện ảnh cũng vẫn là ngành nghệ thuật duy nhất có luật riêng. Tháng 8 vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi).

Theo phân tích của TS Ngô Phương Lan, Nguyên Cục trưởng Điện ảnh, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến Phát triển Điện ảnh Việt Nam, Luật Điện ảnh 2006 và Luật sửa đổi bổ sung Luật Điện ảnh 2009 được ban hành khi điện ảnh đang tồn tại ở dạng truyền thống. Nghĩa là điện ảnh phim nhựa - giống như khi điện ảnh ra đời cách đó hơn một thế kỷ. Nhưng đến đầu những năm 2010, phim nhựa chuyển sang phim kỹ thuật số, kéo theo toàn bộ những thay đổi trong quy trình sản xuất, phổ biến, phát hành, lưu trữ... Cuộc cách mạng kỹ thuật số đã biến đổi ngành công nghiệp điện ảnh và truyền hình theo những cách chưa từng có. Theo đó, các hãng phim và nhà làm phim, cũng giống như các tổ chức và doanh nghiệp khác, buộc phải liên tục tìm cách thích nghi với tính bất định của thị trường, nhưng cũng đi kèm với những tiềm năng to lớn bởi sự phổ biến của internet và sự thành công của nền tảng số, đặc biệt là trong giới trẻ.

Sự phát triển, thay đổi với những phương thức mới, phát sinh mới cũng khiến nảy sinh nhiều thách thức các nhà quản lý, các cơ quan chức năng liên quan. Thông tin từ Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư Pháp cho thấy, so hệ thống pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính, một số hành vi vi phạm về phát hành phim, nhân bản và tàng trữ phim... cũng không còn phù hợp với tình hình thực tiễn, mức xử phạt còn thấp, chưa bảo đảm tính răn đe.

Tự giác và hợp tác

Trước thực trạng “ngổn ngang” trên, cơ quan quản lý nhà nước về điện ảnh thật sự bước vào “cuộc chiến” phải vượt lên chính mình để bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ. Nhất là với lượng nhân sự ít ỏi, lại trong xu hướng tinh gọn bộ máy quản lý hành chính hiện nay thì việc gia tăng con người hay mở rộng bộ máy là không dễ dàng.

Yêu cầu cấp bách đang nổi lên, là cần có quy trình hợp lý, chuyên môn hóa và nhân sự phù hợp. Nói riêng trong công tác thẩm định phim, hiện nay không chỉ có Hội đồng thẩm định cấp Bộ chuyên thẩm định phim truyện, phim tài liệu, khoa học, hoạt hình, băng đĩa hình nhập khẩu... mà cần có cả hội đồng thẩm định phim cấp tỉnh do Chủ tịch UBND cấp tỉnh ký quyết định. Làm như vậy, sẽ có sự phân quyền giữa các hội đồng thẩm định, giữa cấp Bộ và Sở ngành, góp phần tránh quá tải cho một hội đồng.

Hội đồng Thẩm định phim thực hiện chức năng tư vấn cho cơ quan cấp giấy phép phổ biến phim (Cục Điện ảnh), cụ thể là đánh giá, phân loại phim. Điểm đáng chú ý là trong các tiêu chí phân loại phim, được liệt kê trong các văn bản quy định thì các yếu tố bạo lực; khỏa thân, tình dục; chất kích thích, gây nghiện; kinh dị, hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thô tục là những “đối tượng” được liệt kê rất chi tiết, trong khi lại cần bổ sung thêm các yếu tố khác nữa.

Dễ hiểu đó là lý do vì sao, dư luận thắc mắc các phim có cảnh máu me, tình dục, kinh dị thường được kiểm duyệt rất kỹ, vì các tiêu chí này đã hiển hiện và không quá khó để “soi”. Cuối tháng 5 vừa qua, nhà sản xuất của bộ phim “Vợ ba” với cảnh “nóng” của diễn viên 13 tuổi đã bị xử phạt hành chính, trong đó có chi tiết đáng chú ý là nội dung được phía đơn vị sản xuất thêm vào sai so với bản đã được Cục Điện ảnh thẩm định, cấp phép và lưu chiểu. Điều này đặt ra câu hỏi về tính “tự giác” hay rộng hơn là quy trình tự kiểm duyệt và phải có trách nhiệm kiểm duyệt của nhà sản xuất, nhà phát hành phim, đơn vị nhập khẩu phim thay vì chỉ “dồn toa” cho phía Cục Điện ảnh hay Hội đồng thẩm định phim.

Một khía cạnh khác cần làm rõ ở đây là sự phù hợp, minh bạch trong quy trình. Nhìn từ việc một số quyết định không cấp phép phổ biến phim, có thấy những quan điểm, ý kiến “không phục” đối với cơ quan quản lý, thẩm định. Trong khi có thể kiến tạo những cuộc “bàn tròn” để trao đổi, thông hiểu và hợp tác với nhau hơn. Và điều này nên dần được “quy định hóa”. Nói như Vụ trưởng Pháp chế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Minh Thái, ngành văn hóa vốn rất khó để định tính nên việc có những ý kiến trái chiều trong một chừng mực nào đó là phải chấp nhận. Nhưng theo như quan điểm của một số khán giả, nên chăng Cục Điện ảnh hay Hội đồng thẩm định phim, trong các quyết định của mình, cần truyền thông một cách rộng rãi, phù hợp hơn nữa để dư luận rộng đường đánh giá, tránh những cách nhìn nhận thiếu thiện cảm.

Các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực có thể thiết lập một bộ phận kiểm toán nội bộ để vận hành kiểm soát hiệu quả, thì không có lý gì các đơn vị trong ngành điện ảnh không thể xây dựng quy trình tự thẩm định trước khi gửi đến các cơ quan quản lý.