Bút lực Đỗ Phấn

Có lẽ cũng đã lâu lâu rồi, bạn bè đã quen gọi họa sĩ Đỗ Phấn là nhà văn Đỗ Phấn. Bởi lẽ nếu triển lãm thì cách quãng đã xa không thấy ông mở, còn sách vở thì đều đặn năm nào cũng ra đôi ba cuốn. Xem ra văn chương có hấp lực níu giữ và bút lực Đỗ Phấn còn dồi dào.

Nhà văn Đỗ Phấn tặng chữ ký cho độc giả trong một buổi giao lưu tại Hà Nội.
Nhà văn Đỗ Phấn tặng chữ ký cho độc giả trong một buổi giao lưu tại Hà Nội.

1. Cầm bút viết truyện ngắn từ năm học lớp 9, nhưng khi lớn lên Đỗ Phấn lại học mỹ thuật và lập danh trước hết từ hội họa. Tranh ông vẽ được nhiều người thích, có mặt trong nhiều bảo tàng ở trong nước và nước ngoài. Với vài chục cuộc triển lãm chung riêng, tranh giúp ông “sống ổn”. Thế nhưng, quãng từ năm 2005 trở đi, độc giả bắt gặp Đỗ Phấn ở những cuốn tiểu thuyết, truyện ngắn. Cũng quãng đó, ông xuất hiện nhiều trên báo, với tư cách tác giả viết những tản văn về Hà Nội.

Cứ thế, đến nay, Đỗ Phấn đã xuất bản gần ba chục đầu sách, cả tiểu thuyết, truyện ngắn và tản văn. Thậm chí, cuốn tiểu thuyết “Dằng dặc triền sông mưa” của ông từng được Hội Nhà văn Hà Nội trao giải thưởng ở hạng mục Văn xuôi (năm 2014). Năm ngoái, ông khởi động Tủ sách “Hà Nội trong mắt một người” với bốn tập sách dày hơn 1.000 trang: “Đi chơi Bờ Hồ”, “Bâng quơ một thời Hà Nội”, “Ngẫm ngợi phố phường” và “Ngồi lê đôi mách với Hà Nội”. Năm nay, lại vừa thấy nhà văn Đỗ Phấn ra thêm hai đầu sách mới: Tiểu thuyết “Mùi trần” và tập tạp văn “Hát chung một mình”. Tất cả đều do NXB Trẻ ấn hành.

Có một chi tiết ít người chú ý, hai tác phẩm mới dày gần 850 trang này đều được nhà văn Đỗ Phấn viết trong năm 2017. Điều này xác tín một chi tiết mà Đỗ Phấn từng tiết lộ với người viết: Trong máy tính của mình lúc nào cũng có sẵn vài ba bản thảo.

Quả là khi nghe Đỗ Phấn nói điều này, nhiều người nghĩ có thể ông nói quá. Nói cho vui. Nói trong cơn hưng phấn có chút men rượu. Nhưng nếu quan sát kỹ thói quen sinh hoạt của Đỗ Phấn, thì thấy, thật ra ngoài “đức tính” ham chơi, ham vui, ông là người có kỷ luật. Là một người viết tay ngang, “không được học văn”, “vô sư vô sách” - như Đỗ Phấn tự nhận - nhưng ông lại tự “siết” mình vào một quy tắc. Đến giờ là ngồi vào làm việc. Đỗ Phấn cũng thừa nhận, phần lớn công việc của ông là làm theo cảm hứng. Có lẽ cảm hứng là chỗ dựa tinh thần lớn nhất. Không có nó chắc không thể làm được việc gì. Cái thôi thúc hằng ngày tự nó tạo thành một quy tắc. Đến giờ là ngồi vào vị trí. Kể cũng hơi máy móc, nhưng nó đã thành quy tắc lâu rồi. Thậm chí khi đi xa thường cảm thấy rất khó chịu khi thời gian biểu bị thay đổi”, nhà văn tâm sự.

2. Rẽ ngang vào văn chương, nhưng Đỗ Phấn lại sớm xác quyết cho mình một mảng đề tài, đó là Hà Nội. Và ông cũng tự nhận, trong mấy chục đầu sách đã viết, thật ra chỉ là một cuốn sách thôi. Cuốn sách đó có tên là “Hà Nội”.

Chọn đề tài ấy, Đỗ Phấn có sự thuận lợi, vì Hà Nội là nơi ông sinh ra, gắn bó, có nhiều trải nghiệm. Nhưng có thể đó cũng là một cuộc thử thách sống còn vì Hà Nội đã được quá nhiều người “cày xới”. Nhưng không vì thế mà Đỗ Phấn nản. Thậm chí, ông viết hăng say, và còn nhận ra, khẳng định Hà Nội có quá nhiều thứ để viết. Nó thật sự là một cái làng rất lớn bao hàm cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Và Đỗ Phấn biết tận dụng lợi thế của mình.

Vì thế, đọc hai cuốn sách mới của Đỗ Phấn, không quá bất ngờ khi những gì ông viết trong đó vẫn là những câu chuyện của Hà Nội. “Mùi trần” kể câu chuyện về thị dân thành phố. Bên cạnh một câu chuyện hấp dẫn với hai nhân vật chính Hiến và Lan, tiểu thuyết này còn cho độc giả thấy một nếp sống của người Hà Nội qua cách chế biến các món ăn tinh tế, cầu kỳ. Trong khi đó, “Hát chung một mình” với 96 tản văn kể đủ chuyện xưa gắn với chuyện nay của Hà Nội. Đỗ Phấn là người trường lực, và có một trí nhớ đáng khâm phục. Chỉ riêng viết 96 tản văn trong một năm đã nói lên sức viết cũng như chứng minh kho đề tài vô tận. Thêm nữa, tản văn là thứ có thể được coi là dễ viết, ai cũng có thể viết được, nhưng để “đứng” được thì không dễ chút nào. Thêm nữa, tản văn là thể loại tốn chữ, tốn chuyện. Mà 96 tản văn này lại chỉ kể những chuyện Hà Nội. Chuyện về hàng cây góc phố, chuyện vỉa hè, chuyện quét vôi quét ve, chuyện những ô cửa phố, chuyện mái hiên, cho đến chuyện ngồi lê đôi mách, chuyện bia rượu, cho tới khảo tả về dây phơi, điện thoại…

Đọc Đỗ Phấn, ở hai cuốn sách mới này hay cả những cuốn sách trước đó, cho thấy ông là người sống đầy, nhớ dai. Nhiều thứ người ta quên, đọc văn Đỗ Phấn lập tức nhớ lại, nhớ tường tận và tỉ mỉ, thậm chí nhớ cả một quãng đời...

Nhà văn Đỗ Phấn sinh năm 1956 tại Hà Nội. Năm 1980, ông tốt nghiệp Trường đại học Mỹ thuật Hà Nội. Trong thời gian từ 1980 - 1989, Đỗ Phấn giảng dạy tại Khoa Kiến trúc Trường Đại học Xây dựng Hà Nội. Đến với văn chương và định hình một vệt sách mang dấu ấn và “thương hiệu” riêng, Đỗ Phấn đã khiến nhiều người yêu Hà Nội hơn, hiểu Hà Nội hơn…