Bảo vệ giá trị văn học trước thị hiếu nhất thời

Quá trình phát triển trên nhiều lĩnh vực xã hội, kinh tế văn hóa, trong đó có văn học nghệ thuật đã hình thành giá trị mới, tác động đến sự phân hóa thị hiếu thẩm mỹ của công chúng văn học. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của quá trình giao lưu và hội nhập quốc tế, sự xâm lấn của công nghệ thông tin, phương tiện nghe - nhìn đã tác động mạnh đến sự biến đổi hệ giá trị. 

Tích cực xuất bản sách hay sẽ nâng cao thẩm mỹ người đọc. Ảnh: QUANG HƯNG
Tích cực xuất bản sách hay sẽ nâng cao thẩm mỹ người đọc. Ảnh: QUANG HƯNG

1. Quy luật cung - cầu trong cơ chế thị trường, một mặt mang đến sự đổi thay tích cực nhưng mặt khác lại tạo ra các hệ lụy, đó là tình trạng “lệch chuẩn, thiếu chuẩn, loạn chuẩn” trong đời sống xã hội và đời sống văn học nghệ thuật. Đáng chú ý, có tình trạng một bộ phận sáng tác văn học có xu hướng “chạy theo” thị hiếu của công chúng hơn là quan tâm đến giá trị nghệ thuật.

Chính sự đa dạng hóa các giá trị, thay đổi hệ giá trị đã dẫn đến việc nhiều giá trị truyền thống bị xem nhẹ trong khi nhiều giá trị ảo, nhất thời lại được đề cao. Vì thế, đã ảnh hưởng tới hệ thống giá trị văn học, hoạt động tiếp nhận và thị hiếu nghệ thuật của công chúng và hình thành nên các nhóm công chúng khác nhau. Trong đó có những người đọc dễ dãi trong tiếp nhận tác phẩm với xu hướng thỏa hiệp với nhu cầu, sở thích cá nhân. Thậm chí có thể tạm cho rằng, có sự hình thành những công chúng “đặc quyền” và xuất hiện công chúng “tiềm ẩn” qua sáng tác của nhà văn. Một số sáng tác ra đời nhằm đáp ứng yêu cầu, phù hợp sở thích cá nhân của họ. Một bộ phận tác giả trẻ và công chúng trẻ chạy theo thị hiếu tiêu cực, chạy theo hiện tượng văn học gây sự chú ý của dư luận xã hội. Vì vậy, có thực trạng một số tác phẩm hấp dẫn thu hút công chúng nhưng lại không được đánh giá cao về mặt giá trị. Trái lại, một số tác phẩm văn học có giá trị, được công chúng “lý tưởng” đánh giá cao nhưng lại bị công chúng “thực tế” lạnh nhạt. 

2. Từ bình diện hệ giá trị văn học, công chúng lý tưởng, chuyên nghiệp giữ vai trò quan trọng trong việc đánh giá, phân loại, thẩm định được những tác phẩm có giá trị cao. Để làm được điều đó, ngoài việc trau dồi tri thức, vốn sống, kinh nghiệm thẩm mỹ, công chúng văn học phải là chủ thể thẩm mỹ có sự tự chủ, chủ động để có ảnh hưởng tích cực đến sự sáng tạo của nhà văn. Tuy nhiên, đáng băn khoăn hiện nay, trong cơ chế thị trường, nhiều lúc, nhiều khi đã xảy ra tình trạng giá trị nghệ thuật và giá trị hàng hóa bị xâm lấn và đảo lộn. Việc không phân định được giá trị nghệ thuật và giá trị hàng hóa đã dẫn đến tình trạng lệch chuẩn, loạn chuẩn trong định hướng thị hiếu thẩm mỹ công chúng. Vì thế, không nên chỉ dựa vào sự phân định của giá cả, sự tiếp nhận của người đọc để có thể đánh giá được giá trị tác phẩm. Mặt khác, do thiếu tiêu chí thống nhất khi thẩm định giá trị văn học nên không ít người đọc gặp khó khăn khi lựa chọn tác phẩm văn học có giá trị. 

Hiện nay, văn học vẫn chưa khỏa lấp được thực trạng thơ hưu trí, thơ phong trào, thơ nghiệp dư; thiếu vắng những tác phẩm văn xuôi mang dấu ấn thời đại, có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao. Công chúng có phần bỡ ngỡ, lúng túng khi lựa chọn đâu thật sự là những tác phẩm văn học có giá trị lớn. Sự “làng nhàng” trong sáng tác dẫn đến thực trạng, số lượng tác phẩm nhiều, nhưng tác phẩm thật sự có giá trị lại thiếu vắng; đội ngũ sáng tác hùng hậu nhưng lại chưa có nhà văn lớn là “nhà tư tưởng lớn, nhân văn lớn”. 

3. Sự biến đổi quan niệm về giá trị văn học tạo ra nhiều sự thay đổi trong sáng tác, tiếp nhận văn học, đã tác động hai mặt tích cực và tiêu cực đến văn học đại chúng và thị hiếu thẩm mỹ của công chúng văn học hiện nay. Vì vậy, yêu cầu lớn đặt ra với văn học hôm nay là người viết và công chúng cần có bản lĩnh sáng tạo, cách hành xử, nhận thức đúng đắn về các giá trị văn học mới; cần trang bị và được trang bị vốn sống, vốn hiểu biết, nền tảng văn hóa và kinh nghiệm thẩm mỹ để tránh xa cái xấu, cái phản giá trị. Đã đến lúc cần có tổng kết, đánh giá đúng mức vai trò và vị thế của văn học đại chúng - văn học tinh tuyển; những hạn chế và tích cực trong sự thay đổi hệ giá trị của đời sống văn học Việt Nam đương đại.

Thực tế, nhiều cuốn sách “best seller”, bán chạy, bán giá cao “nổi đình nổi đám” trong nước nhưng sau đó bị chìm khuất bên cạnh các tác phẩm giải trí khác. Xu hướng văn học mang tính giải trí, đề cập đến các vấn đề “nhạy cảm”, hot, gây shock… nên các tác phẩm vắng bóng hẳn những nhân vật điển hình, mang tính tích cực trong xã hội.