Bàn về chơi xuân trên báo xưa

“Người ta sanh ra ở đời, nếu chẳng chơi thì cũng thiệt, mỗi năm một lần xuân, nếu bỏ qua thì cũng hoài. Vậy thời chơi xuân cũng là phải. Chơi xuân vẫn là phải, song mà cách chơi như thế nào cho lịch sự…”. Đó là vài dòng nhắn nhủ của nhà văn, nhà báo tài ba Tản Đà - Nguyễn Khắc Hiếu đăng trên tờ Đông Pháp Thời Báo ra đời cách nay đã cả trăm năm (1928). 

Thú chơi hoa thủy tiên dịp xuân về đã có từ lâu đời. ẢNH TƯ LIỆU
Thú chơi hoa thủy tiên dịp xuân về đã có từ lâu đời. ẢNH TƯ LIỆU

Trăm lối chơi xuân

“Chơi xuân kẻo hết xuân đi/Cái già xồng xộc nó thì tới nơi”, câu ca dao ấy đã gói gọn tinh thần chơi xuân của người Việt. Nương theo câu ca dao cổ, một nhà báo xưa đã nhìn nhận thói quen chơi xuân của đồng bào từ góc độ tâm lý học:  “Tâm lý thông thường của người nước Nam với tiết mùa xuân, đó là lòng ham sống khi đứng trước cảnh tuần hoàn vô tận của vũ trụ… Cách chơi xuân Đông, Tây tuy có khác mà tựu trung cũng đều do cái tâm lý ham sống mà ra”. (“Những cuộc chơi xuân”, Báo Thời vụ, ngày 28-2-1939).

Những năm đầu thế kỷ XX ở nước ta, quá trình giao lưu, tiếp xúc văn hóa Đông - Tây phát triển mạnh mẽ trên nhiều phương diện. Trước phong trào Âu hóa ấy, người ta thường hay đặt những vấn đề cần soi xét lên bàn cân so sánh với các nước phương Tây như một đối trọng. Các ký giả, học giả bấy giờ cũng không ngoại lệ. Vậy nên, trên Công luận báo, học giả Lê Văn Hòe mới chỉ ra rằng: “Tết Nguyên đán của người Âu, Mỹ chỉ là một ngày chúa nhật đầu năm mà thôi. Trong ngày ấy, người ta có thể chỉ ăn uống, chơi, làm như trong các ngày nghỉ khác. Hết ngày ấy, người ta lại bắt đầu người nào vào việc nấy… Còn người ta có khi nghỉ công nghỉ việc, ăn uống chơi bời suốt hơn tháng trời ròng rã: Tháng giêng ăn Tết ở nhà và tháng giêng là tháng ăn chơi. Hai câu ấy nói đủ lắm về Tết và tháng đầu mùa xuân của ta”. (“Ta nên ăn Tết thế nào?”, Công luận báo, ngày 17-11-1936).

Trái ngược quan điểm này, có ký giả lại cho rằng: “Người mình làm ăn khó nhọc quanh năm, mà nhất là người nhà quê lại vất vả hơn nữa, chiều hôm sớm mai, thức khuya dậy sớm, chân lấm tay bùn, mồ hôi nước mắt không mấy khi ăn miếng ngon vào miệng, mặc áo tốt vào mình, nay đương buổi đầu năm công việc mùa màng gặt xong vụ chiêm cấy rồi, ăn Tết xong nghỉ năm bữa nửa tháng để hưởng cái thú thanh nhàn trong lúc trời xuân ấm áp, tiết xuân ôn hòa cũng không lấy chi làm quá.” (“Chơi xuân”, Thanh Nghệ Tĩnh tân văn, ngày 20-2-1931).

Khởi thủy từ cái tinh thần “chơi xuân kẻo hết xuân đi” ấy, đã sinh ra muôn kiểu chơi xuân khác nhau, tùy thuộc sở thích riêng của mỗi người. Trên tờ Lục Tỉnh Tân Văn, một trong những tờ báo xưa nhất của nước ta, số năm 1918 có bài viết “Có chi vui bằng Tết”. Tết ở đây không phải là 3 hay 5 ngày Tết, mà chính người viết đã nêu rõ: “Còn ngày xuân chừng nào thì ăn Tết ngày ấy, bởi vậy chơi Tết cũng gọi là chơi xuân”…

Cũng từ cách nay gần trăm năm, phóng viên của Thời vụ báo đã thuật lại các hoạt động chơi xuân, thưởng xuân vô cùng sôi động: “Tiêu khiển mỗi người riêng một thú. Chơi xuân cũng mỗi người một lối. Riêng về nước Nam, những cuộc chơi xuân cũng không thiếu thú vị: hội Phật học ở tỉnh nọ đã mở một cuộc thi thủy tiên, một hội văn hóa ở Hà Thành vừa khai đại hội để tổ chức một bữa tiệc lớn; một hội từ thiện kia đang sắp tổ chức một ngày chợ phiên khổng lồ. Thi sĩ nọ ra tập Thơ xuân, văn sĩ kia xuất bản quyển vườn xuân. (“Những cuộc chơi xuân”, Thời vụ báo, ngày 28-2-1939).

Ngay trên một mẩu tin nhỏ của Hà Thành ngọ báo, cũng cho ta thấy không khí chơi xuân ở Hà Thành náo nhiệt đến nhường nào: “Ra giêng, bốn ngày mồng 8, 9, 10 và 11 ta, tại nhà xiếc phố Nhà bò Cát tút, sẽ có cuộc đấu kê rất long trọng… Nhân dịp tiết tân xuân, ở Hà Thành lại thêm một cuộc thưởng xuân cũng thú vị cho các nhà ưa xem đấu kê”. (“Cuộc vui mùa xuân tại Hà Thành: Bốn ngày chọi gà”, Hà Thành ngọ báo, ngày 21-1-1930).

Bàn về chơi xuân trên báo xưa -0
Trảy hội chùa Hương năm 1927. ẢNH TƯ LIỆU 

Đắm đuối cờ bạc, liên miên hội chùa!

“Có thể nói rằng người An Nam mình ăn Tết hết một phần tư năm, hết cả mùa xuân. Cái không khí mùa xuân là cái không khí luôn luôn ngửi thấy mùi Tết, mùi ăn chơi nhàn hạ. Tháng hai, tháng ba cũng như tháng giêng, là những tháng ăn chơi, tuy chẳng phải là tháng Tết!”, học giả Lê Văn Hòe đã chiêm nghiệm ra như thế.

Chủ bút tờ Hà Thành ngọ báo cũng phê phán một số tệ nạn phát sinh từ những hoạt động chơi xuân: “Ngày Tết năm nào cũng vậy, bà con ta cũng cứ kéo dài ra, rồi ăn tiêu xa xỉ quá, nào tranh, nào pháo, nào mã, nào vàng, nào cành đào, nào thủy tiên, chỉ toàn sắm những thứ tốn tiền vô ích. Không những thế, chúng ta lại còn vẽ vời đi đền kia phủ nọ, nói rằng năm mới đi lễ cầu phúc cầu tài; nhưng xem ra số người thành tâm đi lễ thì ít, còn phần đông là bọn công tử vỏ, tiểu thư vôi giả dạng đi lễ cầu lộc cầu tài mà kỳ thực chỉ để khoe giòn, khoe đẹp,… Họ đem nhau đến nơi đền chùa đình đám làm nơi hẹn hò trăng gió”. (“Ta nên ăn Tết thế nào?”, Công luận báo, ngày 17-11-1936). Hội hè cũng là một dịp để cờ bạc: “còn ai chẳng trông thấy trong ngày đình đám, suốt dọc đường trước chùa, đền, nhan nhản những thò lò, xúc sắc, bài tây, mà chỗ nào cũng thấy xúm xút đông nghịt” (“Cái lối chơi xuân của bà con ta”, Hà Thành ngọ báo, ngày 4-2-1933).

Mỗi dịp xuân về, người ta thường mường tượng đến không khí nhẹ nhàng, e ấp trẩy hội xuân qua thiên ký sự “Chùa Hương” của nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp. Nhưng đây là một mặt khác, được ký giả bấy giờ tốc ký ngay lại tại Hội chùa Vua: “Mấy tiểu thư tân thời, vừa ngồi rút một quẻ bói, cô đồng chưa giảng dứt lời đã bị một đám đông âu phục đè xấn đi, dun, đẩy nhau, kẻ ngã, người xiêu… Những việc như thế, trước sân chùa Vua, ngày hội mồng 9 tháng giêng, chẳng mấy lúc không xảy ra mà có lẽ chỉ có những cuộc ấy nên số người xem mới đông. Đó, họ chơi xuân!” (“Hội chùa Vua”, Hà Thành ngọ báo, ngày 5-2-1933).

Trước thực trạng ấy, nhà báo xưa đã phải buông lời cảnh tỉnh: “Cái gì xa phí, xằng bậy thì nên bỏ đi. Nhất là cái lối suốt ngày đêm quây quần đánh bạc, cái thú liên miên ngày tháng trong các đền chùa, ta cần khuyên nhau bỏ hẳn, vì hai thứ chơi ấy, thường làm cho gia đình tan nát…”(“Cái lối chơi xuân của bà con ta”, Hà Thành ngọ báo, ngày 4-2-1933); “Ai có vợ, có con, đến dịp Tết, xin để mắt vào cái lối “chơi xuân” của họ, vì chính ngày Tết là một dịp rất tốt cho nhiều người vốn tính nết tốt mà đâm hư”. (“Trong cách tiêu khiên của mình: Chơi Xuân”, Hà Thành ngọ báo, ngày 21-1-1933).

Các nhà báo xưa cũng nhấn mạnh đến tác hại của nạn cờ bạc đầu xuân: “Trước thì bảo để cầu vui, sau cay cú mới quay ra bóc lột lẫn nhau, bóp hầu bóp cổ… Cái cờ bạc là một cái hại gớm ghê, thế mà năm nào trong vụ xuân bà con ta cũng cứ say đắm. Yêu cầu các nhà chuyên trách trong ba tháng xuân nên lùng bắt hết thảy các nhà chơi bài bạc, bất cứ to, nhỏ rồi thẳng tay trừng trị…”. (“Cái lối chơi xuân của bà con ta”, Hà Thành ngọ báo, ngày 4-2-1933).

Chuyện xửa xưa nhưng thật giống với tâm lý “còn mùng là còn gỡ” của không ít người nay! Kết chuyện, vẫn xin mượn lời khuyên trên một trang báo xưa: “Vui Tết ai cũng như ai. Nhưng mà đừng quá say mê đắm đuối cờ bạc hả hê, rồi không khỏi rượu xuân đương nồng, pháo xuân còn vẳng tiếng mà khói sầu vương lấy, gỡ mãi không ra; ta cũng đừng chơi xuân cho đến “long trời lở đất” hay là “đổ quán xiêu đình” như kiểu người xưa. Có chơi chăng thì cũng chơi vừa phải, chơi sao cho đáng thì chơi”. (“Trong dịp rước xuân; Ta nên bảo tồn lễ, Tết không?”, Công luận báo, ngày 17-11-1936). Ấy mới đúng nghĩa chơi xuân!