Vui như chợ Tủa Chùa

Chợ Tủa Chùa, từ thành phố Điện Biên lên chợ khoảng 150 cây số. Nếu người dưới xuôi đi chợ núi, từ 5 giờ chiều từ Hà Nội, thì 5 giờ sáng mới lên tới chợ. Ai dễ ngủ còn chợp mắt được, ai khó ngủ là mất trắng hai đêm đi chợ Tủa Chùa bằng xe khách, một đêm đi, một đêm về.

Vui như chợ Tủa Chùa

Chợ Tủa Chùa họp vào sáng chủ nhật hằng tuần, cũng là chợ phiên của đồng bào dân tộc H’Mông, Dao, Thái… sống từ núi cao xuống chợ. Người Kinh ở gần thì đi chợ sớm, còn người H’Mông, Dao xuống núi muộn đi chợ muộn và chợ vãn cũng rất muộn. Tết đến, các cô gái H’Mông thi nhau chọn vải đẹp lóng lánh, sặc sỡ mầu đỏ và đai váy thì luôn thêu chi tiết rực rỡ. Mũ của người H’Mông dành cho chị em phụ nữ cũng thêu ren và tết len rất cầu kỳ.

Riêng các sạp vải họp ngay chân núi thì rực rỡ trong nắng sớm.  Bà và mẹ con, đến chị em  đều đi mua sắm cho  nhau, ngó nghiêng mặc cả và khoe khăn, khoe mũ sặc sỡ.

Đi chợ ăn mặc phải rực rỡ. Chợ đỏ rực, vải vóc gấm hoa đều đỏ. Nhiều cô gái H’Mông mặc váy đẹp nhất đi giày Bitis, họ son phấn ăn diện rất xinh chỉ để đi chơi chợ, điện thoại cầm tay nom rất điệu. Họ mua chỉ thêu đai váy và khăn rồi mới xuống chỗ gian hàng nông sản, muối mắm và dao rựa cho ngày Tết rất cần cho bữa ăn và lễ hội mùa xuân. Những người đi sắm thời trang  quần áo, toàn là các mẹ, các chị và thiếu nữ. Còn đám đàn ông lại có mặt ở nơi bán gà vịt, lợn giống và điếu cày. Chợ có cả một sạp bán rượu ngô hạ thổ tới hai năm. Họ có đủ loại rượu ngô, rượu thóc mầm, rượu men lá của đồng bào H’Mông. Một dãy gùi tre chỉ để bán bánh dày. Và theo tục lệ người H’Mông, bánh dày để trên ban thờ tổ tiên cúng trời đất cho an lành. Văn hóa của mỗi dân tộc ở trên núi cao cũng khác biệt dưới xuôi. Người ở núi luôn chú trọng tới đèn, đèn pin, các loại đèn có thể dùng pin hoặc sạc điện; dãy hàng bán dao rựa và cuốc xẻng cũng đa dạng, rất nhiều vật dụng làm nông cho người cần cho gieo trồng sắn và gieo trồng ngô, khoai, lạc, vừng.

Các loại chảo gang và vật dụng cho sản xuất nông nghiệp cũng rất phong phú ở chợ Tủa Chùa. Người đi chợ như đi lễ hội và lạ nhất là những người mẹ rất trẻ, có em chỉ 16 tuổi cũng địu con đi chợ. Chợ Tủa Chùa mang hơi thở của núi, vì chợ họp ngay gần chân núi, phía cổng chợ là thị trấn Tủa Chùa, là nơi bán rất nhiều chỉ mầu, len mầu và điếu cày cho một nửa kia của thế giới - giới đàn ông.  Họ cần rượu và thuốc lào, họ cần điếu cày hơn hút thuốc lá. Gần đó là cửa hàng điện thoại đủ loại, điện thoại khá đẹp chỉ có giá 300 đến 400 nghìn đồng một chiếc. Vàng Dỉn Tề người dân tộc Xạ Phang vừa mua tặng vợ một chiếc điện thoại mới 300 nghìn đồng, cũng vừa bán mấy can rượu ngô, đổi lấy cái điện thoại để tiện cho vợ bán hàng và đưa hàng đến tận nhà ở ngay thị trấn. Thích nữa là mua hàng nông sản cũng gọi nhau qua điện thoại lấy hàng. Người dân tộc ở vùng núi Tủa Chùa nói được hai thứ tiếng, tiếng bản địa và tiếng Kinh, phổ cập để giao tiếp với bà con dưới xuôi.

Đi chợ Tủa Chùa ngồi ngay dưới chân núi mờ sương, khi có nắng thì núi chênh vênh hư ảo, đẹp như những thước phim trong Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài.

Dù phải thức trắng hai đêm nghiêng ngả trên xe khách để đi chợ Tủa Chùa, tôi vẫn thấy vô cùng thú vị vì được trở lại nơi thị trấn đẹp như chuyện cổ tích và mọi thứ ở đây vừa ngon, vừa rẻ đến bất ngờ.